Người mang đặc sản cao khô Chợ Bãi vươn xa

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Ở xứ Lạng, mọi người đều biết đến tinh thần xung kích dám nghĩ, dám làm của anh Lý Anh Tuấn (SN 1989), dân tộc Nùng ở vùng đặc sản cao khô Chợ Bãi, xã Yên Phúc, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn đã thành công trong việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cao khô quê hương.

Vào những ngày này, cả thôn Chợ Bãi, xã Yên Phúc bận rộn với các công đoạn làm cao khô phục vụ Tết Nguyên đán 2025. Cao khô là đặc sản và cũng là nghề truyền thống đã có hàng trăm năm của đồng bào các dân tộc nơi đây. Cao khô chợ Bãi có vị thơm, ngon đặc trưng riêng như: trắng, sáng màu gạo, hương thơm tự nhiên, sợi cao dai mềm…nên được người tiêu dùng ưa chuộng tìm mua.

Người mang đặc sản cao khô Chợ Bãi vươn xa ảnh 1

Anh Tuấn là tấm gương tiêu biểu của giới trẻ xứ Lạng phát triển kinh tế ở địa phương.

Anh Tuấn cho biết, gia đình đã làm nghề được khoảng 20 năm nay, song có thời điểm ý định từ bỏ nghề làm cao khô vì quá vất vả, thu nhập không cao…Chính vì vậy, Tuấn luôn trăn trở làm thế nào để giữ lấy nghề mà cha ông để lại và nâng cao năng suất, mở rộng quy mô và quảng bá sản phẩm cao khô ra thị trường bên ngoài để tăng thu nhập.

“Cao khô hay phở khô, mì gạo được chế biến từ gạo nguyên chất, thường là gạo bao thai hoặc đoàn kết. Tôi cùng gia đình họp bàn, thống nhất vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội và cùng với số vốn của gia đình tích lũy để mua máy nghiền bột, máy tráng bánh và máy thái bánh trị giá gần 300 triệu đồng. Có máy móc, giúp gia đình giảm chi phí sản xuất và sức lao động. Nếu như trước đây, mỗi ngày, gia đình chỉ làm được khoảng 30 kg gạo thì bây giờ đã làm được 200 đến 300 kg gạo, tương ứng với hơn 800 đến 1.000 bó cao thành phẩm”, anh Tuấn chia sẻ.

Năm 2020, anh Tuấn cùng 15 thành viên khác ở địa phương thành lập HTX Cao khô Chợ Bãi. Từ đó, mọi người cùng chia sẻ kinh nghiệm sản xuất cao khô, tìm thị trường tiêu thụ, thiết kế, nâng cấp bao bì, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Cũng trong năm 2020 này, sản phẩm cao khô của HTX được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh, thị trường tiêu thụ ngày càng được mở rộng. Không dừng lại sản phẩm truyền thống, anh Tuấn đã đi học hỏi kinh nghiệm ở một số doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh rồi đầu tư một máy làm bún khô. Nhờ sản xuất kinh doanh đặc sản cao khô, vợ chồng anh Lý Anh Tuấn có thu nhập khoảng 300 triệu đồng/năm và tạo việc làm ổn định cho 3-5 lao động là những người trong xã.

Người mang đặc sản cao khô Chợ Bãi vươn xa ảnh 2

Mô hình xây dựng thương hiệu của anh Tuấn được các cấp, các ngành quan tâm, đồng hành phát triển.

Ông Triệu Văn Phương, Chủ tịch UBND xã Yên Phúc cho biết: Mô hình phát triển kinh tế của anh Lý Anh Tuấn là tấm gương tiêu biểu trong nhiều thanh niên trên địa bàn huyện Văn Quan đã phát huy sức trẻ, hăng hái thi đua học tập, lao động sáng tạo, biết ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh và thành công với mô hình sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện tại sản phẩm cao khô nhà anh được bán đến nhiều tỉnh thành trong cả nước.

Sắp tới, cấp ủy chính quyền địa phương và các ngành chức năng đồng hành, có các cơ chế, chính sách hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật, tổ chức tập huấn, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, ưu tiên đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến đối với các sản phẩm nông nghiệp bằng cách tham gia các chương trình hội chợ, hội nghị, các chương trình quảng bá trong và ngoài tỉnh. Qua đó nhiều đoàn viên thanh niên được tham gia và đã tiếp thu, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, liên kết sản xuất, xây dựng cuộc sống tươi đẹp trên quê hương xứ Lạng.

MỚI - NÓNG