Ông Tùng cho hay, luật Giao thông đường bộ 2008 hiện hành cấm hành vi đi mô tô, xe máy vào cao tốc; trừ người, phương tiện, thiết bị phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc. Như vậy, người dân và công an không có nhiệm vụ quản lý, bảo trì đường cao tốc đều không được đi xe mô tô, xe gắn máy vào cao tốc. Từ đó, ông Tùng khẳng định, nếu người đàn ông mặc trang phục giống cảnh sát đi xe mô tô Honda dream vào phần đường cao tốc của Đại lộ Thăng Long (Hà Nội) mà Tiền Phong phản ánh đúng là cảnh sát đang đi làm nhiệm vụ cũng không được phép đi vào cao tốc.
Vậy trường hợp, cảnh sát đi xe mô tô của lực lượng cảnh sát có còi đèn ưu tiên có được đi vào cao tốc hay không? Ông Tùng cho hay, kể cả loại xe ưu tiên này cũng không được phép đi vào cao tốc. Dẫn Nghị định 100/2019/NĐ-CP, ông Tùng phân tích, xe mô tô của lực lượng công an có còi và đèn ưu tiên chỉ được đi vào các tuyến đường có biển báo cấm mô tô, xe máy nhưng riêng đường cao tốc cũng không được đi mô tô vào. “Quy định xử phạt đối với hành vi Đi vào đường có biển báo cấm (tại điểm i khoản 3 Điều 6 NĐ 100) và hành vi đi ngược chiều (tại khoản 5 Điều 6 NĐ 100) đều có loại trừ trường hợp xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ. Tuy nhiên quy định xử phạt đối với hành vi điều khiển xe mô tô đi vào đường cao tốc (tại điểm b khoản 6 Điều 6 NĐ 100) thì không có loại trừ xe ưu tiên. Như vậy, Luật cũng như Nghị định 100 đã xem xét rất cụ thể về điều này” – ông Tùng nói.
Lấy ví dụ về đoàn xe máy dẫn đường cho đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam hay các nguyên thủ thế giới vừa qua từ sân bay Nội Bài về trung tâm thành phố Hà Nội qua đường Võ Nguyên Giáp, ông Tùng phân tích: Đường Võ Nguyên Giáp là đường cấm xe máy, không phải là đường cao tốc nên đoàn xe máy dẫn đường có tín hiệu ưu tiên được đi vào. “Với đường cao tốc, phải dùng ô tô dẫn đường chứ không được sử dụng xe máy” – ông Tùng nói.
Trước đó, Tiền Phong đăng tải thông tin, clip trường hợp một người mặc trang phục giống cảnh sát đi xe máy biển kiểm soát 29P 9669 lưu thông vào làn đường cao tốc trên đại lộ Thăng Long ngày 11/2. Theo Nghị định 100, hành vi này bị xử phạt 2-3 triệu đồng.