Người Mạ sợ ...thủy điện

Người Mạ sợ ...thủy điện
TP - Tại một trong những vùng dân cư ven sông Đồng Nai mạn hạ du địa điểm dự kiến làm hai công trình thủy điện Đồng Nai 6&6A, hầu hết các cư dân được hỏi đều lo ngại văn hóa bản địa của họ lại thêm nguy cơ bị mai một; và bản thân họ chưa hề thấy ai đến hỏi ý kiến về dự án thủy điện Đồng Nai 6&6A.

> Thủy điện Đồng Nai 6&6A: Lợi ích cho ai?

Ka Niệu: “Có điện mà thêm lũ lụt thì không cần điện”
Ka Niệu: “Có điện mà thêm lũ lụt thì không cần điện” .

Trả lời mới đây trên trang chủ của Bộ Tài nguyên&Môi trường, Cục Thẩm định&Đánh giá Tác động Môi trường đề cập sâu đến tộc người Châu Mạ, cho rằng “tác động của dự án đến văn hóa của dân tộc Mạ là không đáng kể”, và rằng “sự lai tạp do đồng bào các dân tộc khác ít nhiều cũng đã làm mai một các hệ tri thức bản địa của dân tộc Mạ”.

Đánh giá này nhắm đến cộng đồng người Châu Mạ 1.500 khẩu ở xã Đồng Nai Thượng (huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng), cách địa điểm dự kiến làm thủy điện Đồng Nai (ĐN) 6 khoảng năm cây số.

Không thấy Cục nhắc đến các cộng đồng dân tộc Châu Mạ khác sống dọc sông Đồng Nai kể từ địa điểm dự kiến làm thủy điện về hạ lưu. “Sẽ là sai lầm nếu đơn giản nhận định văn hóa các cộng đồng bản địa dọc sông Đồng Nai đã bị mai một và thủy điện ĐN 6&6A không ảnh hưởng gì đến bản sắc đã bị phai mờ này ”.

ThS Lâm Thị Thu Sửu – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Xã hội (CSRD), nói. “Càng sai lầm nếu cho rằng đồng bào vùng hạ lưu không bị ảnh hưởng”.

Phóng viên Tiền Phong đã đến một trong những nơi không được Cục và nhóm tư vấn làm báo cáo đánh giá tác động môi trường thủy điện ĐN 6&6A quan tâm. Các phát hiện ban đầu cho thấy khác xa với nhận định ở báo cáo.

Cuộn chảy văn hóa bản địa

Nằm trong vùng đệm, áp sát Vườn Quốc gia Cát Tiên và cũng áp sát sông Đồng Nai, xã Tà Lài là một trong những khu dân cư ven sông Đồng Nai đầu tiên ở vùng hạ du chịu tác động của dự án thủy điện ĐN 6&6A.

 Từ hồi tới giờ, có thủy điện Đa Nhim, năm nào cũng lũ lên lụt xuống. Từ năm 1999, mỗi lần đài khí tượng thủy văn Tà Lài báo nay mai hồ Đa Nhim thả nước, thì ở đây bị ngập. Nhà đây ngập một mét, hơn một mét. Trên kia thả đập thì dưới này nước sông nó tràn vô. Bà con đói tới đói lui. Cứ nghèo hoài. Nay lại thêm hai cái thủy điện đó chắc lại lo nữa thôi. Chịu thôi. Rừng ngày càng cằn cỗi .

Ka Yến, Tổ trưởng Tổ hợp tác Du lịch Sinh thái Cộng đồng Tà Lài Mạ-Tày-Stiêng

Sự di cư đến của đồng bào 10 dân tộc khác (từ các tỉnh Bình Phước, Đắk Nông sang và từ phía bắc vào) quả thực “ít nhiều làm mai một các hệ tri thức bản địa của dân tộc Mạ”.

Năm 1978, khi rừng cấm Cát Tiên thành lập, người Châu Mạ sống rải rác trong rừng được vận động ra định canh định cư tại Ấp 4, xã Tà Lài. Văn hóa Sa Huỳnh của người Châu Mạ gắn bó hàng nghìn năm với rừng Cát Tiên.

Tách khỏi rừng là tách họ ra khỏi cái nôi hình thành và nuôi dưỡng văn hóa đó. Vậy mà tận mắt chứng kiến mới thấy văn hóa Châu Mạ vẫn chảy cuồn cuộn trong tâm thức họ dù hầu hết không còn khoác trang phục dân tộc truyền thống nữa, và dù tuổi đời của họ đều còn rất trẻ.

Ka Riền sinh năm 1972 khoe với tôi một bộ sưu tập hơn 20 ảnh rất quý. Năm ngoái, một người tên là Nicolas Vidal mang bộ ảnh này đến tặng lại gia đình chị. Đây là bộ ảnh chụp từ đầu thế kỷ 20 về tập tục sinh hoạt của người Châu Mạ.

Ông người Pháp cầu kỳ đến mức, năm 2008, tiền trạm đến vùng Châu Mạ này hỏi kỹ xem tộc Châu Mạ ở Tà Lài là tộc nào để ông về nước chọn tặng bộ ảnh phản ánh đúng tập tục của tộc đó.

Người Mạ phân bố nhiều nhất ở tỉnh Lâm Đồng với 31.869 khẩu, chiếm 77% tổng số người Mạ. Nhiều thứ hai là ở tỉnh Đăk Nông với 6.456 người. Đồng Nai đứng thứ ba với 2.436 người. Và ít nhất là tỉnh Bình Dương với 432 người.

Phần lớn nhóm người Mạ này đều nằm ở vùng bị ảnh hưởng bởi các công trình thủy điện đang vận hành và hai dự án thủy điện ĐN 6&6A do họ chủ yếu định cư ven sông Đông Nai.

“Quá nhiều thủy điện trên sông Đồng Nai dẫn đến phá nhiều rừng hai bên bờ. Dân tộc Mạ mất dần chỗ dựa của mình. Tôi mong các bức ảnh này sẽ khiến các cán bộ thủy điện nghĩ lại”, Ka Riền nói với giọng tha thiết.

Ka Thị Hương sinh năm 1991 cũng là người Châu Mạ chính hiệu. Cách đây 2-3 năm, ngay tại Ấp 4, xã Tà Lài này, một bác sỹ thú y nước ngoài ngỏ lời yêu Ka Hương. Anh tên là Leech ở Trung tâm Cứu hộ Pingtung thuộc Đại học Pingtung, Đài Loan. Ka Hương từ chối vì không muốn xa quê nghèo khổ của mình. “Con chưa lo được cho gia đình. Cũng thấy vẫn còn sớm” Ka Hương nói.

Ka Hương 21 tuổi, người Châu Mạ: Thêm thủy điện là phá rừng
Ka Hương 21 tuổi, người Châu Mạ: Thêm thủy điện là phá rừng.

Ka Hương kể vanh vách lịch sử dệt thổ cẩm, ý nghĩa các họa tiết thổ cẩm của người Châu Mạ. Mỗi họa tiết, màu sắc trên tấm thổ cẩm là sự tích và tượng trưng cho các thần linh như thần mặt trời, thần sông thần suối, thần rừng, thần lúa, thần lửa, thần nhà.

“Thần rừng có hình màu xanh dệt hình thoi, xung quanh có các viền nhỏ tượng trưng cho cây cối và các con vật. “Con yêu thiên nhiên, yêu rừng lắm”, Ka Hương thổ lộ. “Thần nhà là một nhà sàn thêu trên thổ cẩm, cám ơn thần ban một nơi ở cho gia đình, cho sự ấm áp và hạnh phúc. Thần mặt trời soi sáng cho mọi người. Trên hình thổ cẩm là hình tròn. Thần lửa thêu màu đỏ, giúp nấu cơm, sưởi ấm. Thần lúa thể hiện bằng màu vàng giúp hạt ngọc. Thần sông màu tối”.

Ka Hương còn kể chuyện thần núi (yang bre) to to ở bên kia Ấp 4. “Ngày xưa là núi lửa. Nay có hang gọi là Hang Dơi. Nếu ai sống hiền, thần ban cho của ăn đầy đủ. Năm nào cũng làm lễ hội cũng tế”, Ka Hương nói tiếp. “Con nghe bà và mẹ kể từng nhìn thấy thần rồi đó. Thủy điện phá rừng, chặt sông làm nhiều khúc, thế nào thần cũng nổi giận”.

Sợ lắm rồi

Hỏi có muốn thấy thêm thủy điện trên sông Đồng Nai không, Ka Hương bảo “Không. Thêm thủy điện là bớt rừng. Hồi đi học trong thành phố, con thấy nhiệt độ trong thành phố nóng hơn, ít mát hơn, ít trong lành hơn”.

Còn theo Ka Riền, mấy năm trước, thủy điện đã ảnh hưởng cuộc sống ở đây nhiều. Không chỉ gia đình chị mà nhiều gia đình khác nữa.

“Nước ngập chỗ này chỗ kia thì biết đi đâu mà rời. Hồi nào tới giờ sống ở đây quen rồi”, Ka Riền kể. “Ông bà tổ tiên sống mãi ở đây. Di dời đến chỗ khác lạ nước, lạ cái, lạ chỗ. Sát VQG Cát Tiên lắm rồi. Chẳng nhẽ lũ lụt đuổi, người Châu Mạ lại vào Cát Tiên phá rừng thêm nữa? Như thế là giết dân, giết rừng đó. Như thế là không giết bằng súng bằng rìu mà giết bằng thiên tai đó. Lấy đâu ra đất mà đi nữa đây?”.

Ka Niệu sinh năm 1976 than thở: “Lại thêm hai cái thủy điện này nữa, rừng chắc không chịu nổi nữa. Không sống nổi. Ai cũng nghèo hết. Nhà nước xây cái nhà cho ở. Nhưng nhà nước có nuôi nổi bà con qua năm suốt tháng được đâu. Nhà nước nuôi cả Làng chắc?”,

Lặn lội đường nhầy nhụa sang Ấp 7 nằm sát sông Đồng Nai – nơi chủ yếu có đồng bào Tày sinh sống, tôi cũng nghe không ít tiếng than về thủy điện.

Người Tày di cư từ các huyện Trùng Khánh, Hạ Lang (Cao Bằng), Ngân Sơn (Bắc Kạn) vào sinh sống tại Ấp 7 từ năm 1984 đến năm 1994. Người Tày ở đây còn duy trì lễ Lồng Tổng, lễ Tung vào những dịp
đầu năm.

Chị Hoàng Thị Thỏa sinh năm 1966, dân tộc Tày, cho hay, chưa bao giờ thấy cán bộ về ấp nói thủy điện ĐN 6&6A. Mọi người chỉ nghe qua báo đài thì thấy sợ lắm nhưng không biết phản ánh với ai.

“Chúng tôi chịu cực khổ vì thủy điện nhiều lắm rồi. Hồi trước, thấy chuẩn bị làm đập Thác Ngang ở đồi Cà Đăn, bà con không đồng ý nên không làm đập ấy được. Nay họ làm ở tận trên kia sông, làm sao biết mà
can ngăn”.

Rà soát toàn bộ quy trình vận hành các hồ thủy điện

TP - Liên quan sự cố tích nước gây vỡ đập Thủy điện Đakrông 3 ở xã Tà Long, huyện Đakrông ngày 7-10 (Tiền Phong đã thông tin), chiều 17-10, UBND tỉnh Quảng Trị chỉ đạo Sở Công Thương và một số cơ quan, đơn vị liên quan làm rõ, xử lý trách nhiệm các tập thể, cá nhân để xảy ra sự cố vỡ tường thượng lưu vai trái đập tràn công trình Thủy điện Đakrông 3. Các bên liên quan phối hợp UBND huyện Đakrông để xác định bồi thường thiệt hại cho người dân hai xã Tà Long và Đakrông do vỡ đập gây ra.

UBND tỉnh Quảng Trị yêu cầu Sở Công Thương chủ trì kiểm tra việc hoàn thiện hồ sơ của Cty Cổ phần Thủy điện Trường Sơn trước khi vận hành nhà máy. Đặc biệt, phải rà soát lại toàn bộ quy trình vận hành hồ thủy điện trên địa bàn, nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn. Tạm dừng tích nước các nhà máy thủy điện khi chưa hoàn thành các thủ tục theo đúng quy định của Nhà nước.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Lưu ý để đi tàu metro số 1 TPHCM miễn phí
Lưu ý để đi tàu metro số 1 TPHCM miễn phí
TPO - Đơn vị vận hành tuyến metro số 1 dự kiến từ ngày 1/1/2025 đến ngày 9/1/2025 sẽ hoàn thành tính năng đọc thẻ căn cước, căn cước công dân (CCCD) gắn chíp. Người dân có thể sử dụng thẻ CCCD gắn chip quét thẻ tại thiết bị đầu đọc ở các cổng soát vé để đi tàu điện metro số 1 trong giai đoạn miễn phí.