Tháng 10/2016 ông Đinh Tiến Mậu phối hợp cùng Phương Nam Cafe-Book trưng bày 17 bức chân dung nghệ sỹ nổi tiếng Sài Gòn một thuở tại Đường sách Nguyễn Văn Bình (Q1, TPHCM). Cho đến lúc đó, công chúng Sài Gòn mới lần đầu được thưởng lãm vẻ đẹp qua ảnh của những giai nhân một thời vang bóng như Thẩm Thuý Hằng, Thanh Nga, Thái Thanh, Thanh Lan.... Khi MC giới thiệu chủ nhân của bộ ảnh đó, một ông già dáng vẻ gầy gò đứng lên, chỉ rụt rè nói vài câu cám ơn mọi người rồi lại ngồi xuống.
Ông Đinh Tiến Mậu sinh năm 1935. Gốc gác ở Lai Xá (xã Kim Chung- huyện Hoài Đức - Hà Nội) nhưng ông Mậu sinh ra tại Sài Gòn. “Cha tôi làm nghề cắt tóc ở Sài Gòn từ trước năm 1930 và đưa vợ con vào theo. Mẹ tôi đi theo cha nhưng vì ở quê còn mấy mẫu ruộng đang cho cấy rẽ nên cứ đến vụ là phải về để thu hoạch. Vì thế hồi nhỏ tôi vừa sống ở Sài Gòn lại vừa sống ở Lai Xá. Khi được hơn mười tuổi, tôi ra Hà Nội học nhiếp ảnh ở tiệm photo Hợp Dung gần bờ Hồ. Năm 1948 vào lại Sài Gòn tôi học tiếp ở tiệm ảnh Văn Vấn trên đường Bùi Thị Xuân, chủ tiệm cũng có họ hàng với gia đình tôi. Tôi học và làm ở đó 10 năm trước khi ra mở tiệm riêng” - ông Mậu kể.
Những bức ảnh của Đinh Tiến Mậu được giới chuyên môn coi là sự đột phá, phá vỡ những thành trì về nhiếp ảnh trong các quan niệm cũ. Như bức ảnh ông Mậu chụp “Người đẹp Bình Dương” - minh tinh màn bạc Thẩm Thuý Hằng, ông mạnh dạn cho người đẹp mặc những bộ áo tắm khoe đường cong và làn da trắng mịn. Ngày nay, chuyện chụp ảnh người đẹp trong bộ đồ tắm là bình thường, nhưng ngày ấy, những bức ảnh đó đã từng nhận không ít lời phê phán vì không phù hợp với thuần phong, mỹ tục. Mặc dù vậy, khi bức ảnh đó khi lên bìa lịch năm 1967, đã có rất nhiều người mua để treo trong phòng khách. Rồi với nghệ sỹ cải lương Thanh Nga luôn được biết tới với hình ảnh của vẻ đẹp trong sáng, mắt bồ câu đượm buồn và mái tóc dài chấm gót, ông Mậu đã lựa chọn góc chụp nghiêng để tôn vinh thêm vẻ đẹp của “Nữ hoàng sân khấu”. Thanh Nga rất thích những tấm ảnh do ông Mậu chụp nên thường xuyên tới tiệm Viễn Kính, có lần vợ ông Mậu phải đưa Thanh Nga trốn ra cửa sau né tránh đám đông đang chờ phía trước để mong gặp được thần tượng của mình.
Ông Mậu chia sẻ bí quyết: “Chụp ảnh người đẹp thì dễ, nhưng chụp để bắt được thần thái, thể hiện được tâm tính, cốt cách trong tâm hồn từng người là rất khó. Để khắc họa được chân dung một người nghệ sỹ cho hoàn hảo, người nhiếp ảnh phải hiểu được đối tượng mình đang chụp thông qua quan sát, trò chuyện với nhân vật, rồi bắt được những khoảnh khắc xuất thần nhất của họ để bấm máy". Điều quan trọng hơn nữa, cũng theo ông Mậu, người chụp phải chủ động trong mọi công đoạn, từ lúc chuẩn bị cho đến khi bấm máy, pha thuốc rồi xử lý phim, in tráng, chỉnh sửa ảnh.... Ông Mậu nắm rất rõ về đặc điểm của từng nghệ sỹ ông đã chụp, như nữ diễn viên điện ảnh Kiều Chinh thường thể hiện sự trong trẻo, quyến rũ; ca sỹ Thái Thanh mang vẻ điềm đạm và mặn mà; Thẩm Thúy Hằng lại thể hiện vẻ đẹp hiện đại, khêu gợi....
Hơn 5 ngàn bức ảnh chụp hàng trăm người đẹp, người nổi tiếng được ông lưu giữ cẩn thận trong suốt mấy chục năm. Trong đó rất nhiều ảnh trong bộ ảnh của ông đã được dùng để làm lịch Xuân, in trên poster quảng cáo của các chương trình ca nhạc sân khấu, in lên bìa các đĩa nhạc hay trang bìa các tạp chí điện ảnh sân khấu. Những năm sau này, khi tuổi cao sức yếu không chụp hình nữa, ông Mậu thường hay về quê tham gia dự án Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá. Ông đã giúp cho bảo tàng rất nhiều tư liệu và hiện vật quý, trong đó có chiếc máy dập chữ nổi “Viễn Kính”, chiếc máy đã từng in lên hàng ngàn tấm ảnh của các giai nhân Sài Gòn. Hiện tại Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá còn dành riêng một góc để trưng bày những tấm ảnh giai nhân của ông Mậu.
Tôi tới thăm nhà ông đôi lần và vợ ông- Bà Phan Kim Bình đều cùng tiếp chuyện với chồng. Suốt bao năm chồng gắn bó với công việc chụp hình các giai nhân, chưa một lần bà phải lo lắng bởi ông Mậu luôn là người chỉn chu, nghiêm túc trong công việc. Bà gặp ông năm 1963 khi làm kế toán cho tiệm ảnh Viễn Kính. Quen rồi cưới nhau, đã có lần bà hỏi sao ông chụp toàn những giai nhân nổi tiếng Sài Gòn mà lại chọn cưới một cô gái bình thường như bà, thì ông bảo: “Trong mắt anh, em là người đẹp nhất!”. Chỉ câu nói giản dị thế thôi mà bà nhớ mãi. Họ đã có với nhau 3 mặt con và cuộc sống hạnh phúc viêm mãn từ ngày đó tới ngày ông đi xa.
Trong cuốn sách “Ký ức một ảnh viện Sài Gòn - Câu chuyện Viễn Kính”- nhà báo Nguyễn Vĩnh Nguyên viết: "Báo chí đương thời gọi ông Đinh Tiến Mậu - chủ ảnh viện Viễn Kính - là nhiếp ảnh gia, nghệ sĩ nhiếp ảnh bởi ông đã giữ lại những bóng hình nhan sắc hôm qua, nét hào hoa của Sài Gòn một thuở. Những người như ông Mậu vẫn sống và giữ gìn những ký ức quý giá của Sài Gòn trong hiệu ảnh nhỏ của mình, gần như vẹn nguyên qua những biến thiên thời cuộc”.