Người lính hải quân và lời thề son sắt

Người lính hải quân và lời thề son sắt
TP - Trên boong tàu HQ 606 đang làm nhiệm vụ bảo vệ thềm lục địa tại bãi Phúc Tần, giữa lúc trời vần vũ báo hiệu áp thấp nhiệt đới đang đến gần, tôi đã gặp Thiếu úy Trương Nho Bình.

Anh là con trai của liệt sĩ Trương Nho Bao - người lính hải quân Trường Sa năm xưa đã anh dũng ngã xuống để bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Nghe mọi người nói Thiếu úy Trương Nho Bình giống cha như tạc, từ dáng đi lúc nào cũng tất tả đến gương mặt, cương nghị và đôi mắt biết nói.

Ngày liệt sĩ Trương Nho Bao - thuyền phó tàu HQ 17 hy sinh khi đang làm nhiệm vụ trên biển vào năm 1988, Bình còn là cậu bé 7 tuổi.

Bình nhớ lại: “Hôm ấy mẹ đưa hai anh em về thăm ngoại. Hai anh em đang tíu tít khoe những điểm mười trong vở để được ngoại xoa đầu khen như mọi lần thì bác gái cầm giấy báo tử của bố về. Cả nhà chết lặng rồi vỡ òa trong tiếng khóc của bà, của mẹ...

Tôi không hiểu chuyện gì xảy ra với gia đình  nhưng cũng khóc theo. Tôi trở thành mồ côi bố từ hôm ấy. Đêm đó, ôm tôi vào lòng, nước mắt ướt đẫm, mẹ bảo: “Bố của con không bao giờ về nữa. Từ bây giờ, con là người đàn ông lớn nhất trong nhà, phải biết thay bố chăm sóc, dạy dỗ em”.

"Bố mất khi mẹ còn rất trẻ. Một mình bà bươn trải nuôi hai con nên người. Đến khi mái tóc mẹ đã bạc, lưng đã còng thì cả hai con lần lượt đi xa, không ai ở bên cạnh chăm sóc, thuốc thang khi trái gió, trở trời.

Nhiều lần về thăm, biết mẹ băn khoăn, mẹ còn động viên, khuyên tôi cố gắng công tác tốt để xứng đáng là con trai của bố. Còn mẹ đã có xóm giềng tối lửa tắt đèn có nhau. Nghe mà lòng tôi cứ rưng rưng" - Thiếu úy Trương Nho Bình

Hôm đưa linh cữu của bố đến nghĩa trang liệt sĩ huyện, dù còn bé xíu nhưng tôi đã hiểu thế nào là nỗi đau mất cha.

Vốc từng nắm cát trắng, rát bỏng rải xuống huyệt mộ, tôi đã hứa với bố rất nhiều kèm theo lời thề, sẽ nối nghiệp bố, trở thành một người lính canh giữ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc”.

Kết quả tốt nghiệp THPT đạt loại khá, Bình có nhiều cơ hội thi đỗ đại học. Nhưng tháng 2/2001, Bình quyết định nhập ngũ và xin về Binh chủng Hải quân để thực hiện lời thề với bố.

Thượng tá Lê Đình Việt - Phó Chính ủy Lữ đoàn 171 cho biết, những ngày đầu tiên Bình về công tác tại Lữ đoàn, biết được câu chuyện cảm động và quyết tâm của Bình, lãnh đạo đơn vị đã tạo mọi điều kiện tốt nhất để anh phấn đấu, xứng đáng với truyền thống gia đình và phẩm chất của người lính Hải quân.

Trương Nho Bình được gửi ra Khánh Hòa huấn luyện rồi được đơn vị tạo điều kiện về TP Hồ Chí Minh học Trường Trung học kỹ thuật Hải quân và sau khi tốt nghiệp (năm 2005) được chuyển sang công tác tại tàu HQ 606 thường xuyên làm nhiệm vụ trên biển với cương vị Trưởng boong cho đến nay.

Đại úy Nguyễn Đức Thoan – Thuyền trưởng tàu HQ 606 tự hào khi nói về thiếu úy Bình: “Trong công tác, Bình là người cương trực, sống gương mẫu, không nề hà và luôn giành phần khó khăn, vất vả, hiểm nguy về mình nên rất được lãnh đạo, đồng đội quý mến, thương yêu.

Phẩm chất ấy rất giống với anh Bao- một người anh, người bạn và là đồng đội thân thiết của tôi năm xưa. Có lẽ vì thế mà cậu ấy được kết nạp Đảng khi còn đang là học viên trường Trung học kỹ thuật Hải quân.

Từ khi vào quân ngũ đến nay, có bao nhiêu lương, thưởng Bình gửi hết về quê phụ mẹ nuôi em ăn học. Em trai cậu ấy học rất giỏi, suốt 4 năm liền được Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội cấp học bổng”. 

Là người phụ trách boong, nhiệm vụ của Bình rất nặng nề và nguy hiểm mỗi khi thời tiết bất thường. Nhưng dù khắc nghiệt đến mấy, anh vẫn động viên và cùng anh em bám trụ các vị trí tác chiến.

Bình nói mỗi lần đối diện nguy hiểm, anh lại cảm thấy bố đang ở rất gần mình với ánh mắt ngập tràn thương yêu, khích lệ. Hình ảnh hào hùng của cha như tiếp thêm sức mạnh để anh cùng đồng đội vượt qua mọi thử thách.

MỚI - NÓNG
Cảnh tượng khác lạ ở Vũng Tàu
Cảnh tượng khác lạ ở Vũng Tàu
TPO - Sự tham gia của 60 nam vương quốc tế cùng loạt hoa hậu, á hậu Việt tại giải chạy quốc tế góp phần kích cầu du lịch, quảng bá văn hóa, ẩm thực thành phố Vũng Tàu đến bạn bè quốc tế.