Người hùng trong vụ khủng bố tàu điện ngầm ở Nga

Lái tàu Alexander Kaverin. Ảnh: Tass.
Lái tàu Alexander Kaverin. Ảnh: Tass.
TP - Ông Alexander Kaverin, người lái chuyến tàu điện ngầm hứng chịu vụ đánh bom ở thành phố Saint Petersburg khiến 14 người chết, vài chục người bị thương, bỗng dưng trở thành người hùng.

Ông Alexander Kaverin, 50 tuổi, vẫn bàng hoàng khi dứng trước ống kính truyền hình để kể về cách ông lái con tàu đi đến nhà ga kế tiếp, bất chấp một toa tàu bốc khói mù mịt.

“Tôi làm theo chỉ dẫn. Chúng tôi đã hứng chịu những vụ nổ và những người thông minh đã đưa ra các chỉ dẫn thông minh. Lúc đó không còn thời gian để sợ, đó là lúc phải làm việc”, ông nói. Trong những tình huống như vậy, ông biết mình cần phải đưa tàu đến được ga tiếp theo.

Các nhà điều tra Nga cho biết, ông Kaverin đã có quyết định đúng vì không dừng tàu ở khoảng giữa hai ga, giúp việc sơ tán những người bị thương diễn ra nhanh chóng. Giám đốc hệ thống tàu điện ngầm St. Petersburg, ông Vladimir Garyugin, gọi ông Kaverin là “anh hùng”. “Nếu phải sơ tán trong đường hầm, mọi chuyện sẽ rất phức tạp”, ông Garyugin nói.

Có thâm niên lái tàu điện ngầm 15 năm, ông Kaverin sẽ được trao thưởng vì hành động đúng đắn. Một người nữa được nhận thưởng là nhân viên nhà ga đã phát hiện quả bom thứ hai và gọi các chuyên gia đến xử lý, ông Garegin cho biết.

Nửa giờ sau vụ nổ, vị nhân viên nhà ga thông báo với chính quyền về một chiếc túi bị bỏ quên ở nhà ga khác - ga Vosstaniya Square. Mọi người nhanh chóng được sơ tán sau đó. “Ông ấy đã nhanh trí phong tỏa khu vực và gọi chuyên gia”, tránh được một vụ tấn công nữa, ông Garyugin cho biết.

Người hùng trong vụ khủng bố tàu điện ngầm ở Nga ảnh 1

Các nạn nhân vụ đánh bom tàu điện ngầm ở St. Petersburg. Ảnh: Rex Features.

Đánh bom tự sát

Hôm qua, Ngoại trưởng Kyrgyzstan, ông Erlan Abyldaev nói rằng, vụ tấn công tàu điện ngầm ở St. Petersburg là do một kẻ đánh bom tự sát thực hiện. Giới chức Kyrgyzstan trước đó xác định Akbarjon Djalilov, một người Nga sinh ra ở Kyrgyzstan, là nghi phạm thực hiện vụ đánh bom hệ thống tàu ở thành phố lớn thứ hai của Nga chiều 3/4.

Bộ Y tế Nga hôm qua thông báo, số người chết trong vụ tấn công là 14 (chưa rõ có tính kẻ tấn công hay không). Hơn bốn chục người bị thương đang trong tình trạng nguy kịch, hãng tin Nga Tass dẫn lời Bộ trưởng Y tế Veronika Skvortsova.

Vụ nổ xảy ra khi tàu chạy đến khoảng giữa ga Sennaya Ploshchad và ga Tekhnologichesky Institut vào lúc khoảng 2h40 chiều. Những bức ảnh chụp tại hiện trường cho thấy nhiều người bê bết máu được đưa ra bằng cáng sau khi đoàn tàu dừng lại. Nhà ga Tekhnologichesky Institut bị khói bao trùm. Thiết bị nổ thứ hai lớn hơn được phát hiện và xử lý ở một nhà ga khác. Thiết bị này được giấu trong bình cứu hỏa, chứa chất nổ TNT, có kích thước lớn hơn thiết bị đã nổ.

Các nhà điều tra Nga nói rằng, thiết bị nổ đã được kích hoạt bởi một người đàn ông mà những phần cơ thể của người này được tìm thấy trên toa tàu thứ 3. Thông tin về kẻ đánh bom chưa được tiết lộ, dù các nhà điều tra nói rằng, họ đã nắm được.

Đến nay, chưa có nhóm nào nhận trách nhiệm thực hiện vụ tấn công. Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev gọi đây là “hành động khủng bố”. Nhưng động cơ tấn công vẫn chưa được làm rõ.

“Về mối liên hệ với chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo, chúng ta phải đợi để biết thêm cho đến khi cuộc điều tra thu được kết quả đầy đủ”, Ngoại trưởng Kyrgyzstan nói trong cuộc họp báo với Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov. Kyrgyzstan nằm ở Trung Á, có dân số 6 triệu người, phần lớn theo đạo Hồi. Quốc gia này từng thuộc Liên Xô và đến nay vẫn là nước thân cận với Nga.

Nghi ngờ nhóm ly khai Chechen, IS

Giới phân tích đoán rằng, kẻ đánh bom có thể là thành phần thuộc nhóm ly khai Chechen (Chechnya) hoặc lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS). IS nhận trách nhiệm thực hiện vụ đám bom chiếc máy bay của Nga khi bay qua sa mạc Sinai ở Ai Cập năm 2015, khiến 224 người trên khoang thiệt mạng.

Một khả năng khác là cuộc tấn công do hai nhóm này phối hợp. Nhiều tay súng Chechen đã sang Syria và trở thành mối nguy vì chúng có thể đưa kinh nghiệm chiến trường để về áp dụng trong nước. Vụ đánh bom xảy ra sau khi IS kêu gọi tấn công Nga để trả đũa việc Nga can thiệp quân sự vào Syria để tiêu diệt tổ chức này.

Tuy nhiên, cựu đặc vụ FBI, ông Bobby Chacon, cho rằng, im lặng sau khi thực hiện một vụ tấn công không phải cách của IS. Năm ngoái, khi hai chiến dịch tấn công của IS nhằm vào các sĩ quan cảnh sát ở ngoại ô Mátxcơva, một trong những điều đầu tiên thủ phạm làm là công bố đoạn phim tuyên bố trung thành với al-Baghdadi, thủ lĩnh của IS và tuyên bố đó là dấu ấn của chúng, ông Chacon nói.

Nga là một trong những điểm nóng đối với các vụ tấn công khủng bố, nhưng nước này ít bị tấn công trong những năm gần đây. Điện Kremlin nói rằng, vụ đánh bom là “thách thức đối với từng người Nga”, trong đó có Tổng thống Vladimir Putin.

Tháng 12/2013, một vụ tấn công tự sát tại ga tàu ở Volgograd khiến ít nhất 16 người thiệt mạng. Ngay sau đó, cũng ở thành phố này xảy ra một vụ đánh bom tự sát khác trên xe buýt, giết chết 14 người. Năm 2010, hai phụ nữ có liên hệ với nhóm nổi dậy Chechen kích nổ bom mang theo người tại hai nhà ga tàu điện ngầm ở Mátxcơva, khiến 40 người thiệt mạng. Năm 2002, các tay súng Chechen bao vây một nhà hát ở Mátxcơva, hậu quả là 170 con tin thiệt mạng.

Chưa thấy nạn nhân người Việt

Được tin ngày 3/4 xảy ra vụ khủng bố tàu điện ngầm ở St. Petersburg làm nhiều người thiệt mạng và bị thương, ngày 4/4, Chủ tịch nước Trần Đại Quang gửi điện thăm hỏi đến Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ngày 4/4, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng tuyên bố: “Việt Nam lên án mạnh mẽ vụ tấn công khủng bố này và xin gửi lời chia buồn sâu sắc đến Chính phủ, nhân dân Liên bang Nga cùng gia đình những nạn nhân của vụ tấn công, đồng thời tin tưởng mạnh mẽ rằng, những kẻ gây ra tội ác này sẽ phải sớm bị trừng trị thích đáng”.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc có hay không công dân Việt Nam là nạn nhân của vụ tấn công, bà Hằng cho biết, theo thông tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Nga, đến nay, chưa có công dân Việt Nam là nạn nhân. Bộ Ngoại giao cho biết đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Nga tiếp tục theo dõi sát tình hình, kịp thời có các biện pháp hỗ trợ khẩn cấp đối với những công dân ViệtNam gặp khó khăn.

MỚI - NÓNG
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
TPO - Mưa lớn kéo dài cùng nước từ thượng nguồn đổ về đã gây ngập úng, chia cắt giao thông một số khu vực ở Hà Tĩnh. Ngành chức năng địa phương đã xả tràn các hồ chứa để ứng phó mưa lũ có thể xảy ra.