"Người hùng" của giới bảo tàng

"Người hùng" của giới bảo tàng
TP - Đã nghỉ hưu nhiều năm nay nhưng PGS.TS Nguyễn Văn Huy chưa lúc nào thôi bận bịu. Sau câu chuyện về Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đầy hấp dẫn ông lại tiếp tục ấp ủ và thai nghén những câu chuyện mới mà nhiệt huyết, sự say mê, sức lan toả không kém tác phẩm đầu tay.

> Rối giáo dục di sản trong trường học
> Bảo tàng thì tốn, bảo tồn thì chán

Bài học từ những ô cửa sổ

Chẳng phải nghi ngờ khi xếp Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam là một trong những địa chỉ thú vị cần khám phá khi du khách đặt chân đến thủ đô. (Hiện nay Bảo tàng này cũng là một trong những địa điểm đắt khách hàng đầu về chụp hình cưới của những bạn trẻ).

Sức sống và sự hấp dẫn ấy có công không nhỏ của PGS.TS Nguyễn Văn Huy, vị giám đốc thành lập của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Ông nhớ lại: “Bước ban đầu xây dựng Bảo tàng khó khăn vô vàn. Bắt đầu từ số không: Không nhà, không cửa, không người, không hiện vật… Đầu tiên nó chỉ là phòng bảo tàng của Viện Dân tộc học”.

Chỉ riêng câu chuyện xin đất (diện tích 4,2 héc ta) và tìm kinh phí xây dựng đã là một bài toán khó mà Nguyễn Văn Huy và đồng nghiệp tốn không ít thời gian, sức lực mới tìm ra lời giải.

Vốn làm khoa học xã hội nên Nguyễn Văn Huy không khỏi bỡ ngỡ khi nhận “vai” trưởng ban quản lý công trình xây dựng bảo tàng: “Nhiều khi cầm bản vẽ tôi không đọc ra được. Đến khi họ lập giàn giáo chuẩn bị xây dựng, tôi mới mường tượng ra hình hài và cảm thấy không ổn. Ngay lúc đó phải có quyết tâm điều chỉnh sao cho phù hợp”.

 “Giới bảo tàng của ta trì trệ nhiều năm nhưng nếu có tác nhân tốt, tầm nhìn tốt, định hướng tốt có thể vươn lên chứ không phải lình xình, lì xì như hiện nay”. 

Bí quyết của “thuyền trưởng” Nguyễn Văn Huy là tin tưởng đồng nghiệp và mở cửa ra thế giới. Vào những năm 1985, 1986, các nhà thiết kế xây dựng của ta còn lạ lẫm với việc thiết kế bảo tàng.

Chính sự lạ lẫm ấy đã khiến họ cho ra đời tác phẩm bộc lộ nhiều hạn chế: “ Có lẽ người được giao vẽ bảo tàng cũng chưa bao giờ vẽ bảo tàng, chỉ biết vẽ toà nhà để ở hay trụ sở làm việc của cơ quan, thế thôi.

Khi bắt đầu xây dựng mới lộ rõ khiếm khuyết, chúng tôi phải tranh thủ tối đa chuyên gia bảo tàng ở nước ngoài, nhất là những chuyên gia của Mỹ, của Pháp, Nhật, Hà Lan… Họ đã giúp tạo ra bộ mặt của Bảo tàng Dân tộc học hôm nay”.

Một bài học đáng nhớ của ông trong quá trình làm tổng chỉ huy công trình xây dựng bảo tàng chính là việc khép cửa sổ. Vì chưa có kinh nghiệm nên các nhà thiết kế của ta tạo ra một bảo tàng với nhiều cửa sổ (ông nhớ hình như có tới 20, 30 cửa sổ, ngay cả kho bảo quản hiện vật cũng có nhiều cửa sổ).

Trong khi nguyên tắc làm bảo tàng về cơ bản trong phòng trưng bày không nên tạo cửa sổ; còn kho bảo quản thì tuyệt đối không có cửa sổ. Ý kiến tư vấn của các chuyên gia trong nước và quốc tế cũng không đồng nhất, ông đau đầu để đưa ra quyết định cuối cùng .

Sau rất nhiều năm nhìn lại ông vẫn thấy các phán quyết trong thời điểm “nước sôi lửa bỏng” đều chính xác: “Không cái nào sai lầm về kiến thức và nhận thức”. Nhất là với quyết định đóng các cửa sổ ở bảo tàng: “Chúng tôi đã đóng tất cả các cửa sổ trong bảo tàng và chỉ tạo cho bảo tàng duy nhất một lối đi. Lộ trình đi vào, đi ra, đi thăm chỉ có duy nhất một cửa, trước kia mở tới 8, 9 cửa khác nhau.

Tư tưởng của người thiết kế là muốn tạo thành dải quạt để khách tham quan có thể vừa đi thăm trưng bày trong nhà, vừa đi ra ngoài vườn, vừa có thể trở lại phòng trưng bày bằng bất cứ lối nào, dễ dàng, thuận tiện nhất. Nhưng điều đó là sai lầm”.

Ông thấm thía: “Đó là bài học rất quí với tôi, tôi đã truyền thụ bài học đó suốt 15 năm nay”. Tuy nhiên, không phải ở nơi đâu bài học của ông cũng được hồ hởi tiếp thu: “Đa phần người ta không hiểu và không thực hiện. Ngay cả bây giờ nhiều bảo tàng mới khánh thành đều mắc sai lầm là mở quá nhiều cửa, ánh sáng tự nhiên quá nhiều trong phòng trưng bày”.

Ông lý giải: “Mở nhiều cửa sổ sẽ tốn diện tích trưng bày, đồng thời cũng tạo ra nhiều ánh sáng tự nhiên sẽ làm hỏng hiện vật. Với bảo tàng hiện đại, phải cân nhắc dùng ánh sáng tự nhiên hay nhân tạo, dùng đèn neon hay đèn chiếu rọi. Chúng tôi đã quyết định sử dụng ánh sáng nhân tạo kết hợp từng phần một hạn chế với ánh sáng tự nhiên. Chúng tôi sử dụng ánh sáng rọi ngay từ khi khai trương bảo tàng”.

Người Việt Nam vốn thích ngắm nghía hiện vật trong ánh sáng nhân tạo nhưng Nguyễn Văn Huy lại buộc họ làm điều ngược lại: Không gian trưng bày thường tối để tôn vinh hiện vật trong khoảng sáng tập trung, chẳng hạn người ta ngắm bức tranh với ánh sáng chỉ rọi vào một điểm cần nhấn mạnh. Riêng chuyện này đã thấy sự quyết liệt của giáo sư và các cộng sự: Định hình “gu” thưởng thức cho khán giả, nâng tầm người xem, không chiều theo thị hiếu.

Ngay cả những lời giới thiệu ở Bảo tàng Dân tộc học cũng được người đứng đầu quan tâm, chăm chút kỹ càng. Thay vì lối dùng người thuyết minh, Bảo tàng tạo ra thói quen tự khám phá cho khách tham quan bằng cách đọc. Tại đây lời giới thiệu ngoài bản tiếng mẹ đẻ, còn có bản tiếng Anh, tiếng Pháp - những bản dịch hoàn hảo có sự góp sức của những nhà khoa học, những chuyên gia uy tín người bản ngữ.

Tham gia công việc của Bảo tàng Dân tộc học từ năm 1981, khi đang giữ chức Phó Viện trưởng Viện Dân tộc học, năm 1995 Nguyễn Văn Huy được bổ nhiệm làm Giám đốc Bảo tàng. Suốt từ năm 1981 cho đến khi về hưu ông đã dành toàn bộ thời gian và sức lực cho bảo tàng. Ngay cả khi về hưu câu chuyện ấy vẫn chưa kết thúc.

Chưa có một ngày nghỉ

Để có cuộc gặp với ông tôi đã hẹn trước nửa tháng. Ông vẫn bận như khi còn đương chức. “Về hưu nhưng tôi chưa có một ngày nghỉ”, ông cười. “Người hùng” của giới bảo tàng có niềm tin: “Giới bảo tàng của ta trì trệ nhiều năm nhưng nếu có tác nhân tốt, tầm nhìn tốt, định hướng tốt có thể vươn lên chứ không phải lình xình, lì xì như hiện nay”.

Ông kể cho tôi ba câu chuyện ông đã và đang viết từ ngày về hưu. Câu chuyện đầu tiên liên quan đến Bảo tàng Phụ nữ: “Nằm ngay phố Lý Thường Kiệt, gần trung tâm thủ đô mà Bảo tàng vẫn hiu hắt, buồn tẻ. Đầu năm 2008, bắt đầu nghỉ hưu, tôi đến đây đặt vấn đề: Có cần đổi mới không, tôi đang rỗi”. Đúng lúc này lãnh đạo và cán bộ Bảo tàng Phụ nữ cũng đang trăn trở câu chuyện lối đi của đổi mới.

Nguyễn Văn Huy đã góp phần thay đổi chiến lược của Bảo tàng Phụ Nữ, từ phục vụ tuyên truyền đơn thuần, nâng tầm thành một bảo tàng nhân học, nói về giới.

Cùng với những người bạn ở Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển Văn hoá và Nghệ thuật (A&C), Nguyễn Văn Huy bắt đầu công cuộc phù phép biến bảo tàng ngủ quên thức dậy. Ông và những người bạn đã giúp Bảo tàng xin tài trợ, tổ chức tập huấn, mời chuyên gia nước ngoài đến tổ chức lại hệ thống trưng bày trong vòng hơn hai năm.

Năm 2010, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã khai trương mới, thay đổi hoàn toàn về chất: “Bảo tàng Phụ nữ là một thành quả tôi gặt hái khi về hưu, tôi tự hào về câu chuyện ấy”.

Câu chuyện thứ hai của ông liên quan tới Bảo tàng Mỹ Thuật. Ông thấy hiện vật tại Bảo tàng Mỹ thuật rất phong phú nhưng lại chưa lôi kéo khách tham quan. Với vai trò là Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy các giá trị văn hoá (CCH), Nguyễn Văn Huy cùng với các cộng sự đã giúp xây dựng thành công phòng khám phá cho trẻ em tại Bảo tàng Mỹ Thuật. Một khi lôi kéo được “thượng đế” nhí tới Bảo tàng thì rất có tiềm năng sẽ chinh phục được nhiều đối tượng khách tham quan khác, trước hết là cha mẹ và gia đình của các em nhỏ.

Hiện nay Phó Giáo sư Huy đang dồn tâm sức viết câu chuyện thứ ba: “Tôi muốn gắn bó bảo tàng, cả di sản văn hoá nữa, với nhà trường. Lâu nay nhà trường đưa học sinh đến thăm di tích hoặc thăm bảo tàng cơ ban chỉ để có cảm quan thôi, không có mục tiêu để học sinh học tập. Tôi muốn những người làm giáo dục phải thay đổi tư duy, câu chuyện này vô cùng khó khăn…”.

Ông cùng đồng nghiệp ở Trung tâm CCH, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội đã tổ chức một số thử nghiệm ở Hà Nội, Đắc Nông, Thái Nguyên và đã thu được kết quả. Kết quả đó đã góp phần thúc đẩy sự ra đời của bản Hướng dẫn sử dụng di sản văn hóa trong dạy học ở trường phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên vừa được Liên Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ VHTT & DL ban hành vào tháng 1 vừa qua.

Còn một câu chuyện thuộc về riêng tư cũng đang chiếm không ít thời gian của phó giáo sư Nguyễn Văn Huy: “Tôi muốn làm một trưng bày kể câu chuyện về cuộc đời, nhất là cuộc sống đời thường của bố mẹ mình ở quê hương Lai Xá.

Tôi muốn qua câu chuyện cụ thể này để nói về những thay đổi của xã hội Việt Nam trong khoảng 80 năm của thế kỷ 20. Hiện tại tôi đang hình thành ý tưởng cho nội dung trưng bày và tuyển chọn các tư liệu, ảnh, hiện vật cho trưng bày”.

Cha ông chính là GS.Nguyễn Văn Huyên, cố Bộ trưởng Bộ Giáo dục. Cái tên Nguyễn Văn Huyên cũng được đặt cho con đường chạy ngang qua Bảo tàng Dân tộc học, nơi con trai út Nguyễn Văn Huy đã đặt viên gạch đầu tiên cho sự ra đời của một Bảo tàng đầy sức sống.

Giới trẻ học tôi và tôi cũng học họ

"Người hùng" của giới bảo tàng ảnh 1
 

Trên bàn làm việc của giáo sư Nguyễn Văn Huy có cuốn sách của một tác giả từng gây sốt với giới trẻ, Huyền Chíp: “Tôi rất hay đi và khám phá nên muốn xem thế hệ trẻ đi và khám phá thế nào. Mỗi người, mỗi thế hệ đều có cách làm riêng, kiểu du lịch ba lô của người trẻ thật dũng cảm và xông pha”.

Ở tuổi này, ông vẫn vi vu, lúc vì công việc, lúc vì thoả mãn sở thích khám phá. Ông cũng là người thích đi bộ. Mỗi ngày ông đi bộ chừng sáu cây số để rèn luyện sức khoẻ. Phó giáo sư tiết lộ: “Để rèn luyện trí tuệ tôi chọn đọc sách, giao lưu với người trẻ.

Các đồng nghiệp trẻ học tôi rất nhiều nhưng tôi cũng học họ rất nhiều, nhờ họ tôi cập nhật được những vấn đề nóng mà giới bảo tàng quan tâm. Tôi cũng quan hệ tốt với đồng nghiệp quốc tế, họ giúp cho đầu óc mình luôn phải mở”. Ông cũng cho biết, đã lâu không dùng đến bút, ipad trở thành vật bất li thân của ông trong công việc.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG