Từ chuyên án đầu tiên….
Năm 1982, sau khi tốt nghiệp Đại học Cảnh sát Nhân dân, Trần Anh Tuấn được Bộ Công an phân công về công tác tại Công an tỉnh Sơn La. Chàng trai quê Nam Định nhanh chóng nhập cuộc, chịu khó đi cơ sở. Công tác được vài ngày, anh được bổ nhiệm luôn chức Đội trưởng Đội Nghiệp vụ của Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an tỉnh Sơn La.
Vụ trọng án đầu tiên anh Tuấn trực tiếp điều tra là một vụ giết người ở xã Phiêng Pằn, nằm xa tít ở biên giới giáp Lào, thuộc huyện Mai Sơn, phải đi bộ 2-3 ngày đường mới tới được hiện trường. Gây án xong, đối tượng bỏ trốn sang Lào. Theo tập tục của người bản địa, người chết phải chôn cất luôn, song anh cùng tổ công tác phải thuyết phục cho người nhà nạn nhân hiểu và tạo điều kiện cho công an khám nghiệm hiện trường, tử thi.
Không ít áp lực khi vừa phải khẩn trương khám nghiệm cho đúng quy định, vừa đảm bảo bàn giao thi thể sớm cho người nhà chôn cất. Từ những manh mối ban đầu, tổ công tác nhanh chóng xác định nguyên nhân gây án của nghi phạm do mê tín dị đoan, sau đó vận động thuyết phục đối tượng quay về đầu thú.
Một năm sau đó, Trần Anh Tuấn được bổ nhiệm làm trưởng công an đồn Nà Sản, xã Hát Lót, huyện Mai Sơn, công tác tại đây từ năm 1983-1987. Tiếp đó, anh được bổ nhiệm làm Đội trưởng Hình sự của Công an huyện Mai Sơn.
Nói đến các chuyên án đấu tranh với tội phạm ma túy, ắt hẳn ai cũng nhớ và nhắc đến đầu tiên là chuyên án 279 LL. Tháng 6/2014, trên cương vị Phó giám đốc công an tỉnh, Đại tá Trần Anh Tuấn đề xuất Ban giám đốc Công an tỉnh Sơn La, Bộ Công an xác lập chuyên án 279LL - đấu tranh với tội phạm để giải quyết địa bàn trọng điểm ma túy Lóng Luông (huyện Vân Hồ).
Tỉnh Sơn La vốn chỉ cách Tam Giác Vàng khoảng 700 km đường ô tô, vì vậy các tuyến vận chuyển ma túy từ trung tâm sản xuất ma túy của thế giới qua các tỉnh Bắc Lào tới Việt Nam là những tuyến trọng điểm. Nơi đây đã hình thành hàng trăm đường dây, tổ chức buôn bán, vận chuyển ma túy với quy mô lớn và trở thành “mắt bão” ma túy của cả tuyến Tây Bắc cũng như cả nước.
Sau khi xác định được hoạt động của tội phạm ma túy có tính chất xuyên quốc gia, đại tá Trần Anh Tuấn làm trưởng ban tham mưu cho tỉnh, Bộ Công an xây dựng kế hoạch phối hợp đấu tranh với tội phạm ma túy qua biên giới với công an 5 tỉnh Bắc Lào. Từ năm 2013 đến 2015, sau khi sơ kết phương án này, lực lượng công an tỉnh mới xác định được tuyến hoạt động ma túy trọng điểm, các đối tượng trong đường dây là người nước ngoài có câu kết với 1 số đối tượng nội địa; đồng thời xác định lượng ma túy vào là chủng loại ma túy gì. Từ đó chuyên án 279LL ra đời.
Tiếp đó, đại tá Tuấn đã trực tiếp chỉ huy lực lượng công an xây dựng kế hoạch tập trung đấu tranh. Rất nhiều trận đấu đã diễn ra, với 9 giai đoạn. Qua mỗi giai đoạn, tội phạm lại thay đổi phương thức, thủ đoạn nên cách đánh của công an cũng rất linh hoạt.
Ban đầu, vì quan hệ đối ngoại, nhiệm vụ chính trị cũng như ràng buộc quy phạm pháp luật nên ban chuyên án không đặt vấn đề đấu tranh vũ trang, cố gắng giải quyết bằng vận động thuyết phục, sử dụng vũ khí thô sơ, tìm cách bắt sống.
Tuy nhiên, quá trình triển khai cho thấy phương án không hiệu quả, có tổn thất tới lực lượng đấu tranh. Đây là day dứt với người chỉ huy bởi để xảy ra thương vong coi như trận đánh đó không thành công. Do đó, theo vị đại tá, từ khi xây dựng phương án 279LL, anh em có nhiều phép thử. Phương châm là đánh dần, truy bắt dần các đối tượng để chặt bớt đường dây, ổ nhóm.
Đến cuối 2015 đầu 2016, sau khi đấu tranh tập trung, ban chuyên án thấy nổi lên 2 ông trùm là Nguyễn Thanh Tuân (SN 1983) và Nguyễn Văn Thuận (SN 1984). Hai đối tượng này vừa cầm đầu, thâu tóm nguồn ma túy từ nước ngoài vào, vừa chỉ đạo các đối tượng mua bán bên trong nội địa. Mục tiêu được xác định rõ nếu giải quyết được 2 đối tượng cộm cán này sẽ xoay chuyển được tình thế về an ninh trật tự. Do vậy, tôi đã trực tiếp xuống báo cáo với lãnh đạo Bộ Công an, UBND tỉnh, sau đó được giao trực tiếp chỉ đạo phá án. Các phương án ban đầu được thiết lập. Trong đó, có tổ công tác đặc biệt được hình thành, đồng chí Mai Hoàng - Phó trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45) Công an tỉnh Sơn La là tổ trưởng.
Ở giai đoạn 9 - giai đoạn cuối cùng của chuyên án 279LL, sau khi khảo sát kỹ địa bàn, địa hình, xác định được đối tượng, ban chuyên án thấy rằng nếu giải quyết ngay thì hết sức khó khăn vì tội phạm xây dựng boong ke chắc chắn, có tường rào xi măng bảo vệ, chất đầy bao cát. Nếu để cho chúng co cụm vào mà công an xử lý nhất định có thương vong, ảnh hưởng đến cả người dân xung quanh, rất phức tạp. Do đó chuyên án được lùi lại 1 thời gian để cho các tổ công tác đấu tranh bắt giữ thêm được 10 đối tượng là tay chân của hai ông trùm.
Lúc này, ổ nhóm chỉ còn lại 6-7 đối tượng. Dù đã khai thác được được nhiều thông tin, dữ liệu, cảm thấy chắc ăn, song ban chuyên án nhận thấy vẫn chưa phải sử dụng tới xe bọc thép. Thay vào đó, ban chuyên án tuyên truyền vận động người dân sơ tán, dùng gia đình và người thân của các ông trùm để kêu gọi nhưng các tên đầu sỏ này không chấp nhận, quyết tử thủ.
“Chúng tôi tiếp tục siết chặt vòng vây, kêu gọi được 3 đối tượng ra đầu thú, còn 3 tên quyết tử thủ. Do đó, ban chuyên án quyết định đột kích. Trận đánh rất thành công khi không có một cán bộ chiến sĩ công an, người dân nào bị thương. Chưa kể, công an còn thu giữ được 50 khẩu súng, 7.000 viên đạn, vô số bình gas và xăng…
“Có thể nói rằng đây là chuyên án chưa có tiền lệ trong lực lượng công an. Công an Sơn La đã dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Thành công của chuyên án đã chặt đứt được đường dây quan trọng buôn bán ma túy từ nước ngoài qua Việt Nam”, đại tá Trần Anh Tuấn chia sẻ.
Theo Đại tá Tuấn, thời thế tạo nên anh hùng chứ khi xác lập chuyên án anh không hề mộng tưởng có ngày được vinh danh. Thành công của chuyên án nhờ vào sự quyết tâm chính trị rất cao của toàn lực lượng, với sự lãnh đạo sát sao của Bộ Công an, lãnh đạo tỉnh Sơn La.
Đại tá Trần Anh Tuấn (SN 1959, quê TP Nam Định, tỉnh Nam Định), nguyên Giám đốc Công an tỉnh Sơn La. Đại tá Trần Anh Tuấn được Bộ Công an phân công về công tác tại Công an tỉnh Sơn La kể từ sau khi tốt nghiệp Đại học Cảnh sát nhân dân. Hơn 40 năm phục vụ trong ngành công an, ông đã kinh qua 11 vị trí khác nhau từ cán bộ công an phụ trách xã cho đến Phó giám đốc, rồi Giám đốc Công an tỉnh Sơn La (từ năm 2014). Các thành tích đạt được: Huân chương hạng nhất, nhì, ba; Huân chương lao động hạng ba, Huy hương hữu nghị của nước bạn Lào, Huân chương Quân công hạng ba, Huân chương bảo vệ Tổ quốc hạng nhì; Hai lần chiến sĩ thi đua toàn ngành, Chiến sỹ thi đua toàn quốc; Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Tháng 10/2019, Đại tá Trần Anh Tuấn được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Bảo vệ tổ quốc hạng Nhì. Cũng trong tháng 10/2019, ông Tuấn nghỉ hưu theo chế độ sau 41 năm cống hiến trong lực lượng CAND.