Đồ nhựa, mùi mỡ và người già
Tổ hợp quán ăn bày các món truyền thống của các tộc người Sing: mỳ sợi, bánh phở chan nước dùng đậm đặc vị hải sản, các món chiên xào đẫm dầu mỡ được hiển thị bằng ảnh chụp rõ nét, kèm theo giá tiền. Dãy quán được bố trí chạy quanh tường. Khoảng giữa lối đi kê bàn ghế.
Các ông bà chủ hàng ăn ở Sing có lẽ là những người bán hàng vô tư nhất thế giới vì không căng thẳng cạnh tranh với hàng quán liền bên, luôn phảng phất nụ cười khi thấy khách. Mỏi chân mình có ngồi luôn trước quầy hàng của họ nhưng lại mua hàng người góc đối diện cũng chẳng sao. Vẻ điềm tĩnh thanh thản thường trực.
Lại những người già làm tạp vụ, dọn mâm bát, lau bàn ghế, như tôi đã gặp trên đường phố. Khăn mặt vắt vai, áo đồng phục. Đẩy chổi lau tiến tiến lui lui. Chân tay khấp khiễng, nhưng khéo léo, chờ mình ăn xong để dọn dẹp...
Mặt bàn kính, mặt bàn nhựa sạch ráo nhưng dấp dính. Đâu đâu cũng bát nhựa đĩa nhựa đũa nhựa xô nhựa xẻng hót rác nhựa chổi nhựa....vũ điệu nhựa tràn lan. Đời sống thị dân hiện đại của một đất nước phát triển bỗng hiện ra trơn tuột qua đồ nhựa.
Khu Ấn kiều cách khách sạn tôi ở khoảng 10 đô Sing taxi. Đúng vào dịp chuẩn bị đón lễ hội Deepavali, Năm mới của người Ấn, còn gọi là lễ hội Ánh sáng, giăng suốt trục đường dài bốn năm cây số, đèn hoa giao nhau uốn lượn trên các cột điện. Vỉa hè san sát cửa hàng, đồ ăn Ấn, mỹ phẩm, thời trang, hệt Hàng Ngang, Hàng Đào.
Tối muộn mà người chen người vẫn sin sít trên hè, cách khoảng ngang tay là có thể chạm vào thành xe bus hai tầng nghều nghễu phóng tốc độ cao, nhưng không ai bị đẩy xuống lòng đường loang loáng xe bởi người ta đã thận trọng dựng lên một hàng song sắt chắn sát mép đường dù trông không được thẩm mỹ cho lắm.
Có thể cảm nhận một không gian văn hóa hoàn toàn Ấn. Túm năm tụm ba từng nhóm thanh niên, vẻ nghiêm trọng, tay đút túi quần, hút thuốc, chuyện phiếm.
Các quí ông râu xồm bụng phệ như đeo trống, bóng nhẫy, dẫn theo bà vợ cũng phương phi không kém, trán điểm chấm son, tay xách nách kẹp các túi đồ và đàn con lốc nhốc bốn năm đứa...
Đường phố oi nồng, ngậy mùi dầu ăn, mùi bánh mỳ nướng. Hiệu ăn nào cũng ánh lên màu vàng của bột cà ri, sền sệt sữa dừa và thịt gà.
Hàng hóa ê hề nhưng chất lượng không tốt lắm. Cảm giác ấm lòng khi ta chạm vào chiếc áo sơ-mi made in Vietnam.
Leo đại lên một chiếc bus, tôi chìa cho người lái xe địa chỉ khách sạn. Lái xe gốc Hoa cười ok, ok ân cần chỉ vị trí đứng. Hai tầng nhà di động, một người lái, điều hòa mát lạnh. Cư dân Sing dùng thẻ điện tử quẹt chíp một tiếng.
Khách du lịch tự động thả tiền vào chiếc hộp ngang chỗ lái xe ngồi. Từ trên cao nhìn xuống, bus và taxi chạy ra ngoại thành đều ngột ngạt chật cứng khách. Những chiếc xe bong tróc sơn, phun khói dầu diesel chẳng kém công nông xứ Việt, một hình ảnh trái chiều với dòng xe bóng loáng, êm ru lưu hành nội đô...
Cô chủ tên Mơ
Sau đêm mưa, tám giờ, các cửa hiệu vẫn đóng kín. Ngang qua dãy phố căn hộ kề tường của các viên chức trung lưu, nhà xinh, gọn như chuồng chim câu, chiều cao đồng đều dù kiến trúc khác nhau với dãy ô tô đậu trước phơi nắng mưa. Cặp vợ chồng trẻ chủ quán thấy tôi lơ ngơ giơ cao tay chào thân thiện.
Quán ăn duy nhất có màu xanh của rau. Không gian tổ hợp tựa lưng dọc theo bốn chiều tường gạch quen thuộc như các trung tâm thương mại lớn nhỏ trong thành phố, nằm dưới tầng hầm.
Ông chủ gốc Hoa chừng bốn mươi, thấp, mập, ngây ngô nụ cười. Áo pull cổ bẻ, quần lửng, dép xốp. Từ đầu đến chân vương vãi dầu rán, bột chiên, lẫn mồ hôi.
Nhận ra tôi là khách Việt, anh chạy vào bếp cầm tay cô gái trắng xinh như nữ sinh trung học. Cô gái cất tiếng chào. Ôi, giọng miền Nam nước Việt. Tim tôi rộn lên. Cô gái giới thiệu tên: Mơ - người Tây Ninh, lấy chồng Sing qua môi giới hôn nhân đã bảy năm.
Mơ mở chiếc điện thoại khoe ảnh con trai. Anh chồng cũng bật điện thoại: ảnh vợ bế cậu bé sáu tuổi kháu khỉnh, cười như hoa.
Tôi giúp vợ chồng Mơ nhặt rau muống. Rau nhập từ Malaysia và Việt Nam. Mơ cởi mở:
- Cũng có một ổng là viên chức Sing, lương cao ưng con làm vợ. Ông đẹp hơn ông xã con đây. Nhưng lấy ổng thì con chỉ ru rú ở nhà chăm con, coi nhà cho ổng, đâu được ra ngoài đi đây đi đó. Con sẽ phụ thuộc vào từng đồng tiền ông đưa, lấy đâu tiền gửi về giúp ba má.
Vậy nên con lấy ảnh đây, làm ra đồng tiền để còn được làm chủ đồng tiền... Thôi thì người ta xấu chút nhưng mà cũng dễ thương, một lòng một dạ vì vợ con...
Ừ, thân em như hạt mưa sa...Nếu tính được thì cứ tính cho hạt mưa rơi đúng nơi chốn đỡ phiền lòng nhất. Chẳng biết một mai khi có tiền rồi, liệu Mơ còn nghĩ như vậy nữa không?
Quán chỉ có độc món xúp chủ vị với mỳ hoặc bánh phở. Riêng “phụ kiện” được xếp theo từng loại cho khách tự chọn: mỗi viên cua, miếng đậu phụ, con tôm...giá 0,4 xu Sing, lấy bao nhiêu tính bấy nhiêu. Không hiểu sao, bát của tôi dù có nhặt đầy hụ thì vẫn một giá. Thì ra, vợ chồng Mơ không tính với tôi.
- Bao giờ mua ô tô?
- Mua bây giờ cũng được, nhưng ông xã con nói không thích vì tốn kém lắm. Tiền mua không sợ bằng tiền chi phí sau khi mua. Tiền đó để cho con trai sau này. Và dư ra thì gửi về giúp bố mẹ bên Việt Nam...
Chỉ sang quầy bán cháo cá bên cạnh, Mơ nói:
- Hai ông bà mở quầy hàng bán cho vui. Hàng ngày lái siêu xe đi làm. Đi muộn về sớm. Được cái món cháo cá của họ ngon quắt lưỡi. Chú hôm nào qua đó nếm thử coi.
Tôi đã kịp thấy cái quầy không người trông nom. Có người giao hàng bỏ mối vừa đến mở vung, trút một hộp cá ngừ vào thùng nước dùng rồi cứ việc bỏ đi.
- Quanh đây có người Việt mình nhiều không ?
- Tìm người Việt mình đâu có khó. Cách đây một con đường, bên khu Gallant, cứ tối rất nhiều gái Việt xuất hiện. Họ sang đây du lịch, mua sắm, làm osin... và làm gái nữa.
Vừa lúc ấy, một cô gái nhỏ nhắn, trang phục công sở, xanh đen, sọc trắng, vẻ sắc sảo thông minh hiện trên gương mặt sáng, kính cận, túi LV to bằng nửa người, tay cầm chiếc ví cũng hiệu LV, bước vào quán, chào Mơ và ngó nghiêng tự nhiên như người nhà.
Thảo - ấy là cái tên Việt. Claudia, dùng để giao tiếp ở Sing cho tiện. Mỳ luộc trộn nước tương đen, thức điểm tâm Thảo Claudia lựa chọn. Vài câu xã giao, cô gái gốc Hà Nội đã liến thoắng thông tin về mình.
Ở Sing mười năm, học trường Anh, nay làm quản trị kinh doanh cho hãng bất động sản lớn nhất đảo quốc: Farest. Thông thạo Anh ngữ, Hoa ngữ. Đã hơn ba mươi, nhưng chưa lập gia đình, dù yêu đôi lần. Cô chán Sing vì cái vẻ nhạt nhẽo khô cứng của nó. Hà Lan có lẽ là cái đích sẽ nhắm tới nếu từ bỏ công việc ở đây. Lương hai ngàn đô Mỹ chỉ tùng tiệm ở xứ mà đẳng cấp đã phân chia rõ rệt. Không thể mua sắm trong các trung tâm thương mại bình dân, mà mua đồ hiệu để trưng, thì lương đó chẳng thấm...
Lem lẻm nghiền thức ăn, Thảo-Claudia lục túi lấy khăn giấy lau nước tương đen vương quanh môi. Quán hàng không có giấy cho khách lau miệng, cũng chẳng có thùng đựng rác cho mỗi bàn.
Nhìn ông già tập tễnh đẩy chổi lau nhẫn nại, đứng sát tường nhăm nhăm chờ mình ăn xong để dọn, cô gái thở dài:
- Sing ở Á châu, nhưng lại mang toàn bộ mô hình phát triển của châu Âu từ luật pháp đến những tập tính xã hội khác nên đời sống khá căng thẳng. Dân số Sing đang già chóng mặt. Họ thiếu hụt nhân công ở mọi lĩnh vực từ lao động phổ thông lẫn cao cấp.
Người về hưu thì vào viện dưỡng lão. Con cái tách biệt với cha mẹ. Nhiều người già bị sang chấn tâm lý. Muốn hòa nhập với xã hội, họ phải xin ra ngoài làm tạp vụ. Một trong hai lý do giải thích cho việc đâu đâu anh cũng thấy người già Sing còm cõi lao động chân tay...
Tôi nhớ đến bữa sáng ở khu Chinatown. Vẫn đặc trưng các quầy bán tập trung rải theo các lối đi, các ngõ ngách nóng nực, chen chúc. Trong nửa tiếng của sáng chủ nhật, tôi đã đếm được sáu mươi người già đi ăn sáng thì gần nửa số đó họ cần trợ giúp của người thân hoặc xe lăn điện. Khí hậu Sing nóng ẩm, là lý do nhiều người mắc chứng xương khớp?!
- Sao Thảo không nghĩ về bên nhà làm việc...
- Về ư, những người quen phong cách công vụ thẳng băng như em thì làm sao trụ nổi. Nhưng ra đi mãi thì cũng phải có ngày về....
Cô cười buồn, nhìn sang Mơ… xem đồng hồ, khoác túi: “Đến giờ meeting. Em chào anh nhé!”. Mải bước, cô đụng đầu vào cánh cửa kính, rồi cũng thoát ra tới hàng lang tối om để trèo lên đại lộ.
Trước giờ bay rời Singapore, tôi lội bộ đến dùng bữa sáng. Tổ hợp Marina Bay Sands chìm dưới sương mờ. Lại món mỳ muôn thuở của cư dân bản địa và những ai đang sống ở đây.
Mưa rơi phía đảo Sentosa. Tôi đã tiêu hết tò mò với quốc đảo và chẳng thích thú gì cầm lon Coca-cola hay khui nắp chai bia Tiger để so sánh mùi vị của nó với các tọa độ khác.
Bàn tay Mơ bé nhỏ. Hình như ngấn nước loang mờ đôi mắt đen khi tôi quay bước. Người chồng ơ ơ đứng bên cũng giơ bàn tay loáng mỡ lên chào. Nụ cười ngây trên gương mặt phấp phỏng âu lo.