Người Hà Nội vận động nhau cho con đi học kỹ năng sinh tồn

Người Hà Nội vận động nhau cho con đi học kỹ năng sinh tồn
TP - Nếu có người túm tóc con thì con đã biết phải làm gì chưa? Gặp bạn bè bị đuối nước thì con xử lý như thế nào? Trong đám khói mù mịt con có đứng thẳng người chạy không phương hướng nữa không? v.v… Để có câu trả lời cụ thể cho những câu hỏi trên, người Hà Nội quay sang vận động nhau cho con đi học kỹ năng sinh tồn!
Người Hà Nội vận động nhau cho con đi học kỹ năng sinh tồn ảnh 1

Tốt nghiệp khóa phòng cháy chữa cháy bắt buộc phải thoát hiểm được trong phòng khói và sử dụng bình chữa cháy thành thạo. Ảnh: Thanh.

90% người Việt ở thành phố không có kỹ năng sinh tồn

Một căn nhà bị cháy, hai đứa bé bị cách ly trên tầng bốn, người bố đứng ở dưới bất lực không biết làm cách nào cứu con. Tai nạn đuối nước năm nào cũng xảy ra. Bạo lực học đường lâu lâu lại có clip mới gây phẫn nộ hơn lần trước. Trẻ bị lạm dụng tình dục gây thương tật tinh thần suốt đời v.v… Đủ mọi trạng huống bất an bủa vây cuộc sống người thành phố, mà không nghĩ đến thì thôi, nghĩ đến sẽ hoảng bởi đa số không biết phải xử trí các tình huống cụ thể đó như thế nào.

Nguyễn Hải Hà, tình nguyện viên của Tổ chức Y tế thế giới cho biết: Theo một điều tra xã hội học, 90% người Việt ở thành phố không có kỹ năng sinh tồn. 100% người được hỏi không biết cách xử lý khi trẻ nhỏ bị dị vật bịt đường thở. 98% người trả lời phải mang ngay bệnh nhân bị tai nạn giao thông vào viện, chỉ có 2% người nói rằng, phải sơ cứu trước hoặc chờ xe cứu thương. 100% người trả lời sai về kiến thức dòng chảy xa bờ ở biển.

Cũng trong điều tra trên: 70% thanh niên hai mươi tuổi được hỏi khẳng định không dám một mình khoác ba lô ra khỏi thành phố. 92% phụ nữ từ 35-45 tuổi trả lời: chưa từng nghĩ đến chuyện một mình ra khỏi bán kính 50km tính từ nhà (trừ khi đi về quê).

Các kỹ năng như chống đuối nước, sơ cứu người bị thương, hà hơi thổi ngạt cho người bị đuối nước, điện giật v.v… ở Việt Nam chưa có trong chương trình giáo dục bắt buộc. Các bác sĩ người Mỹ sang chuyển giao công nghệ ở Bệnh viện Bạch Mai từng sợ chết khiếp khi thấy người ta vác ngang người bị tai nạn giao thông chạy thẳng vào viện. Bác sĩ Reza Perlmann có mặt hôm ấy giải thích: “Không bao giờ được phép làm như vậy. Nếu không có kỹ năng cấp cứu, vậy tốt nhất là chờ xe cứu thương. Bởi người bị tai nạn có thể không chết, nhưng bị xốc lên đột ngột rất có thể anh ta sẽ chết: Vì tổn thương tủy sống, hoặc nếu có xương gãy sẽ làm chỗ gãy đâm vào nội tạng gây tổn thương chỗ khác, nếu sọ não bị chấn thương thì càng nguy hiểm” v.v…

Một chi tiết cũng rất bất ngờ: Trong số hơn 30 người cùng học lớp sơ cấp cứu khi gặp tai nạn thương tích tại Trung tâm Phòng chống tai nạn thương tích trẻ em (CAIP) hồi tháng 9, không người nào trả lời chính xác vị trí của tim! Hướng dẫn viên kết luận: Tất cả những người ngồi trong phòng hôm nay nếu bắt buộc phải sơ cứu người bị đuối nước hoặc điện giật, thể nào cũng làm bệnh nhân chết oan vì ép tim lồng ngực sai vị trí!

Người Hà Nội vận động nhau cho con đi học kỹ năng sinh tồn ảnh 2 Thầy dạy kỹ năng thoát hiểm phải đeo dụng cụ bảo hộ bởi trò diễn rất thật.

Phải sống sót trước khi thành nghệ sĩ!

Một trung tâm dạy kỹ năng sinh tồn qua một đêm nổi tiếng chỉ vì một status của phụ huynh: “Các mẹ hãy cho con đi học lớp này, chỉ mất một tuần thôi, sau đó hãy dành thời gian cho tiếng Anh, vẽ, múa và đàn piano. Bởi các con, cần phải sống sót đã, trước khi thành nghệ sĩ, kỹ sư, hay người thành đạt”!

Trần Văn Thành (15 tuổi, THPT Chu Văn An) kể: “Khu chung cư tôi ở, năm nào cũng có vài buổi tập huấn các cách thoát thân trong hỏa hoạn, mọi người học xong vài ngày là quên vì không được thực hành bài bản. Ở đây, chúng tôi bị nhốt vào một căn phòng mù khói. Có bạn sợ quá bị ngất. Có người lăn hai vòng thì nôn đầy đất.

Thầy hướng dẫn đứng ở một góc liên tục nhắc: tìm đường đến tường! Lúc ấy tôi mới biết: Khi hỏa hoạn, cứ men theo tường thể nào cũng tìm được đường ra vì tường nối với cửa. Lúc chạy ra luôn phải cúi thấp người, ai nhổm lên cao đều bị trừ điểm. Và phải lấy tay hoặc khăn ướt bịt mũi. Nói chung trong mọi trường hợp đều phải thoát ra khỏi phòng kín, kể cả lửa cháy ngay cửa, bởi ở trong phòng là chết chắc, vì người ta sẽ chết vì khói độc trước khi chết vì bỏng”.

Phạm Hương Giang (11 tuổi, THCS Quang Trung) cho biết: “Mẹ đăng ký cho em lớp chống lạm dụng tình dục và bắt cóc, nhưng em học được cả cách thoát thân khi bị đánh hội đồng, cách thoát khỏi khống chế hoặc phản ứng khi bị người lạ lôi kéo”. Vừa kể Giang vừa đưa tay cho tôi nắm, còn nhắc: “Chị nhớ nắm thật chặt, em sẽ thoát được ngay”. Bằng vài động tác quay tay, Giang đã hẩy tôi ra một bên. Thấy một số người thích thú đứng xem, cô bé bảo: “Có ai thấp không, ra đây túm tóc cháu, cháu cũng thoát được”. Mẹ Giang, nhà báo Đỗ Thanh Thủy chêm vào: Hè năm ngoái đã cho con đi học chống đuối nước và cấp cứu đuối nước. Con bé thích quá, năm nay lại đòi đi. Tôi đồng ý luôn, vì đúng là muốn hình thành một kỹ năng không cách gì khác là phải làm đi làm lại. Đợi thêm hai năm, khi cậu con thứ 10 tuổi, tôi sẽ cho cháu đến đây học kỹ năng chống lừa đảo và lôi kéo sử dụng ma túy”.

Một số lớp kỹ năng sinh tồn phổ biến ở Việt Nam hiện nay có: kỹ năng phòng chống dụ dỗ, lừa đảo qua Internet; kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục; kỹ năng phòng cháy chữa cháy; kỹ năng thoát hiểm trong tình huống đặc biệt; kỹ năng phòng chống lừa đảo, lôi kéo sử dụng ma túy; kỹ năng tự sơ cấp cứu khi gặp tai nạn thương tích.

Ông Đinh Văn Hưng (Phó giám đốc CAIP) cho biết: “Hiện chúng tôi mở rất nhiều các lớp phòng chống xâm hại tình dục và chống bắt cóc cho học sinh. Nhiều chương trình miễn phí đã được tổ chức ở các trường tiểu học và THCS trên địa bàn Hà Nội như Dịch Vọng B, Bắc Từ Liêm, THCS Tây Tựu v.v…  Ngoài ra còn có các lớp thực hành chuyên sâu tại trung tâm. Có chị cho con đến đây học mới phát hiện con đang bị quấy rối tình dục. Càng có nhiều lớp mới càng phát hiện ra kiến thức về an toàn tình dục cho thanh thiếu niên Việt Nam quá hổng. Con không biết đã đành, ngay cả bố mẹ cũng rất lúng túng khi nói với con về tuổi dậy thì hoặc an toàn tình dục”.

Người Hà Nội vận động nhau cho con đi học kỹ năng sinh tồn ảnh 3

Khi bị lôi kéo thì phải nằm ra và đánh mạnh vào ống đồng đối phương.

Nên đưa các kiến thức sinh tồn thành chương trình bắt buộc

Anh Lê Kiến Hậu (bang California, Mỹ) cho biết: ở Mỹ, học sinh tiểu học đã được giáo dục giới tính. Các con sẽ dùng các từ như: dương vật, tinh trùng, trứng, tử cung v.v… để nói về cơ thể chứ không nói trại như kiểu “cậu bé, nòng nọc v.v…” như người Việt mình. Chúng cũng được cô giáo hướng dẫn dùng bao cao su, cách quan hệ tình dục an toàn. An toàn ở đây không chỉ tránh có bầu mà còn tránh lây các bệnh qua đường tình dục.

Chị Nguyễn Kiều Nga (Q. Thanh Xuân) chia sẻ: “Hồi trước con trai tôi (học cấp ba) hút shisha thường xuyên, không cấm được vì cháu nói cái đó được phép kinh doanh tức là không nguy hiểm chết người. Cũng may sau khi học xong khóa học chống ma túy bốn ngày, cháu bắt đầu thấy sợ, hai tháng nay nó không đi sinh nhật bạn ở quán shisha nữa”.

Ths tâm lý học Nguyễn Lan Anh kiến nghị: “Bộ Giáo dục nên đưa các kiến thức sinh tồn thành chương trình bắt buộc ở phổ thông. Ở Trung Quốc, đã có trường không cấp bằng tốt nghiệp nếu học sinh không có chứng chỉ bơi lội bắt buộc. Kỹ năng phòng chống hỏa hoạn, nhận biết ma túy, chất kích thích, kỹ năng phòng vệ chính đáng hay chống xâm hại tình dục… đều là những kỹ năng sống còn với mỗi người. Học sinh được trang bị kỹ năng đầy đủ, sẽ khiến các em như được tặng thêm một chiếc áo giáp, để có thể lớn lên an toàn và tự tin ra thế giới bên ngoài”.

Tham khảo các trung tâm dạy kỹ năng sống: Trung tâm phòng chống tai nạn thương tích trẻ em (CAIP); Trung tâm Tâm Việt; Trung tâm New Generation; Viện Phát triển giáo dục và trí tuệ Việt (IEDV); Trung tâm Vstar.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.