> Báo Tiền Phong đã có nhiều thành tích đáng tự hào (*)
> Tiên phong, trưởng thành, đồng hành cùng giới trẻ (*)
Anh hùng Lao động Hà Văn Dân và kỷ vật gắn với Tiền Phong. Ảnh: Hoàng Lam. |
Ông Hà Văn Dân (SN 1947), là người dân tộc Thái, hiện nay sống ở khu 6, thị trấn Quan Hóa, trước đây thuộc làng Phụ, xã Hồi Xuân. Khi ông hai tuổi thì người cha chẳng hiểu lý do gì biệt tích từ bấy đến giờ, không rõ còn sống hay đã chết.
Mẹ ông tham gia đoàn dân công vận tải lên Tây Bắc, rồi trúng đạn mất năm 1952. Ông được nhiều gia đình người tốt ở địa phương lần lượt cưu mang, rồi tự làm thuê cuốc mướn, chăn trâu, đi rừng đốt than kiếm sống.
Năm 1964, ông được nhận vào làm công nhân Công ty Lâm nghiệp Quan Hóa, làm các công việc như buộc dây, xoắn lạt, kết bè, chèo thuyền, chống mảng. Sau đó khoảng một năm, ông được theo anh em đi bè vận tải dọc sông Mã đưa luồng, gỗ về xuôi.
Vào thời điểm đó, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang trong giai đoạn gian khổ, ác liệt. Luồng, gỗ từ miền Tây Thanh Hóa được đưa ra chiến trường để làm công sự, hầm, lán cho bộ đội, đặc biệt là làm cầu phao dã chiến bắc qua các con đường chiến lược như cầu Hàm Rồng, Ghép, Mục Sơn...
Sông Mã vốn nổi tiếng là dòng sông hung dữ, nhất là ở cung đường từ Quan Hóa đến Cẩm Thuỷ. Hai bên bờ vách đá dựng đứng, nước réo sôi gầm rú, sóng tung bọt trắng xóa như có thể đánh tan bất cứ vật thể gì khi đi vào dòng nước xoáy ở những địa danh như vực Tôm, vực Ngốc Cùng, ghềnh Suội, ghềnh Cả, ghềnh Long... Những người dân thuyền bè một đời ăn theo sông nước của sông Mã không phải ai cũng đã chinh phục được con đường sông này.
Đơn vị vận tải nơi ông Hà Văn Dân làm việc chịu trách nhiệm thu gom luồng gỗ từ khắp thượng nguồn sông Lò, sông Luồng, sông Mã, tập kết về bến Hồi Xuân (Quan Hóa), rồi vận chuyển xuống Cửa Hà (huyện Cẩm Thủy).
Đây là hành trình đường thủy gian nan, hiểm trở, sơ xẩy một chút là chết người, vỡ bè tan tành, mất mát tài sản của Nhà nước và nhân dân. Tuy vậy, suốt bốn mùa trong năm, ông Dân cùng những đồng đội của mình đã hàng trăm lần chinh phục sông Mã.
Với những chuyến bè gỗ (thường từ 11 đến 12 khối), bè luồng (chừng 5 đến 6 trăm cây). Chỉ có hai người một bè, mỗi người một đầu và dùng sức mạnh cơ bắp và kinh nghiệm của mình là chính.
Từ những chuyến đi sinh tử, ông Dân cùng đồng nghiệp đã rút ra được kinh nghiệm ứng phó đối với mỗi ghềnh thác, vực sâu, giảm mất mát về người và của.
“Thế nhưng, giặc Mỹ bắn phá rất ác liệt, không thể đi ban ngày, chúng tôi toàn phải vận chuyển vào ban đêm. Không có ai trong đơn vị tôi hy sinh vì thác ghềnh, nhưng cũng mất năm, sáu đồng chí mất vì bom đạn”- ông Dân kể lại.
Dòng sông Mã hung dữ mà cả thời tuổi trẻ của anh thương binh Hà Văn Dân đã từng chinh phục. Ảnh: Hoàng Lam. |
Kỷ niệm sâu sắc nhất trong cuộc đời ông Dân là vào một chiều mưa lũ năm 1965. Đang ngồi co ro trong lán, bỗng nghe tiếng nước ầm ầm, rồi một bè gỗ 12 khối đứt dây chằng rùng rùng trôi ra giữa dòng sông Mã.
“Tôi gào lên: “Bè trôi rồi, cứu bè anh em ơi” rồi cùng anh Dụng chạy ào ra bờ sông. Hai anh em bơi theo, nhảy bám lên bè, nhưng bè đã mất trụ chèo, không có điểm tựa để chèo lái được.
Giữa cơn lũ lớn, nước to bè nặng, lại không có trụ chèo, loay hoay mãi không làm sao đưa được vào bờ. Nếu để nước cuốn xuôi xuống ghềnh Chiếng thì tan tành ngay. Lúc ấy tôi chỉ kịp nghĩ, dù mình có chết cũng phải cứu bè, vì đây là tài sản của Nhà nước, nhân dân.
Vẫn quần cộc, tôi ào xuống dòng nước lũ lạnh buốt, ghì bám chặt vào đầu bè. Tôi làm trụ, còn Dụng lấy chèo, tỳ lên vai và cổ của tôi, vật lộn hàng tiếng đồng hồ mới chèo được mười hai khối gỗ vào bờ.
Mặc kệ cổ vẫn đang đau đớn tê dại, tôi giục bảo Dụng quay lại đơn vị để gọi người lại cứu, còn mình tiếp tục cởi trần, ngâm mình dưới nước lạnh, cố không để bè bị nước cuốn đi một lần nữa.
Anh Dụng lên bờ quay về, trên đường lại bị lũ ngăn mất lối. Thế là cả hai cùng chịu đói rét hai ngày đêm mới liên lạc được với đơn vị, đưa người đến cứu”- Ông Dân kể lại.
Sau đó không lâu, phóng viên báo Tiền Phong đã đưa sự kiện này lên báo với tên tác phẩm là “Chiếc trụ chèo”. Ngày 15/3/1967, báo Tiền Phong đã gửi thư cho Tỉnh Đoàn thanh niên Lao động Thanh Hóa có ghi: “Sau khi đọc bài báo trên, Bác Hồ đã gửi đến báo Tiền Phong huy hiệu của Người để thưởng cho đồng chí Hà Văn Dân. Đây là vinh dự cho đồng chí Dân và chung cho ĐVTN ta...”. Huy hiệu của Bác gửi báo Tiền Phong trao cho ông Dân là trao cho tấm gương lao động, dũng cảm và sáng tạo của đoàn viên thanh niên.
Một sự kiện khác khiến ông Dân cũng không thể nào quên là vào ngày 12/10/1966, do vận chuyển ban ngày nên đoàn bè bị máy bay địch phát hiện. Chúng đuổi theo bắn, anh em vội vàng nằm rạp xuống tránh.
“Đạn bay vèo vèo trên đầu, rồi bắn tan đầu bè của tôi. Mọi người đều nhào xuống nước bơi vào, nhưng tôi không thể bỏ bè, tiếp tục đứng chèo chiếc bè của mình vào bờ. Nhìn các mảnh bè bị bom bắn tan ra, xót ruột quá, tôi lại bơi ra kéo chụm chúng lại với nhau, rồi kéo vào. Lần thứ ba bơi ra, tôi đang ra cứu chiếc bè cuối cùng thì ầm một cái, mắt hoa lên, tai ù đặc, người tôi bay tung lên giữa bụi nứa ven đường, văng xuống đất.
Toàn thân đau nhừ, đất bùn đầy mặt, tôi vừa ôm tay xoa mặt thì thấy máu bắn ra xối xả, vội chụm tay bịt lại, gượng bò ra bờ sông xem có còn thấy bè không, hay lại bị đạn bắn tan cả rồi. Thấy còn cả, tôi mới ôm mặt, nằm yên cho đỡ đau. Khi máy bay địch bỏ đi, anh em tìm ra bãi sông, thấy tôi nằm bất động”- Ông Dân vừa kể, vừa cho chúng tôi xem những vết thương còn sẹo không mất đi theo thời gian.
Sau 6 tháng nằm dưỡng thương, ông Dân trở lại đơn vị. Tổ chức đề nghị chuyển ông sang làm công việc nhẹ nhàng hơn, nhưng ông nhất quyết không chịu. Ông lại tiếp tục đi bè, cùng đồng nghiệp chinh phục sông Mã, đưa hàng triệu triệu cây luồng, gỗ phục vụ chiến đấu ở tiền tuyến.
Với những chiến công trên, tháng 12/1973, ông được Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. Ông vinh dự được thay mặt hàng triệu thanh niên Việt Nam tham dự Festival Thanh niên Quốc tế tổ chức tại Cu Ba (1974). Liên tiếp 4 khóa Quốc hội (từ khóa IV đến khóa VII), ông Dân là đại biểu…
Cùng ghé thăm ông Dân chuyến này với chúng tôi là những thanh niên đang căng đầy nhiệt huyết tuổi trẻ. Nghe câu chuyện đời, chuyện nghề của ông Dân, nhiều người cứ muốn nghe đi nghe lại như để tiếp thêm sức mạnh, để sống có ý nghĩa!
Bác Hồ thường xuyên đọc báo Tiền Phong và nếu cần Bác hay ghi các chỉ thị thẳng ra lề những bài báo Bác quan tâm. Đáng nhớ nhất là trường hợp Nguyễn Quang Trung bị liệt chân vẫn đi dạy bình dân học vụ (trong chiến dịch diệt giặc dốt cuối những năm 50). Bác Hồ đọc trên Tiền Phong đã viết vào tờ báo “biếu táo Cháu Trung“. Thực hiện chỉ thị của Bác, tòa soạn cho người đến nhà hàng Mỹ Kinh mua một cân táo Tây. Nguyễn Quang Trung không dám ăn ngay, để héo mới chia cho các bệnh nhân bệnh viện nơi T.Ư Đoàn chỉ đạo đưa anh vào để chữa bệnh liệt. |