Thẻ căn cước thời gian Lê Văn Ba (có tên Hoàng Đình Tầm) hoạt động bí mật do Thủ hiến Bắc Kỳ cấp |
Âm hưởng lặng lẽ ấy quán triệt và kín mít, trước thì Tất Vinh (Hồng Dương) Mạc Lân, Bùi Ngọc Tấn, Lê Minh Khuê sau là Dương Kỳ Anh, Nguyễn Hoàng Sơn, Phan Cung Việt… Đơn giản bởi có cái chỉ thị bất thành văn là trên không khuyến khích, không ủng hộ người làm báo làm cái việc sáng tác. Cứ như là thứ ngoài luồng vậy!
Vậy nên những bạn đọc những người ngạc nhiên đầu tiên lại là người của Tiền Phong đã chứng kiến dư luận nổi như cồn khi Người đàn bà quỳ đăng trên Tuần báo Văn Nghệ (ra ngày 7/12/1987) nghe phong thanh tác giả là Lê Văn Ba, Trưởng ban công nghiệp báo Tiền Phong. Bán tín bán nghi vì tác giả thiên phóng sự ấy ký tên là Trần Khắc cơ mà? Nhưng tôi thì tin thủ trưởng trực tiếp của mình là tác giả! Bởi nhiều năm ở với nhau có mấy bận tôi tình cờ thấy sếp mình (thường làm cái việc sáng tác ở nhà chứ không bao giờ viết ở cơ quan) có vài truyện ngắn được in lấy tên là Trần Khắc. Nhưng giữa thời điểm đổi mới, giữa thời Những việc cần làm ngay thì hiệu ứng của tác phẩm Người đàn bà quỳ viết về nỗi đau khổ của dân oan khi đó được sánh ngang với Cái đêm hôm ấy đêm gì của Phùng Gia Lộc và Lời khai của bị can của Trần Huy Quang thì tác giả đã trút cái vỏ Trần Khắc và lộ nguyên hình là Lê Văn Ba!
Sếp của mình thuộc loại kín tiếng. Ở với nhau hơn chục năm, chúng tôi mới phát hiện ông Trưởng ban Lê Văn Ba từng phải ngồi nhà tù Hỏa Lò hơn 1 năm trời. Mà lại là tù chính trị!
Mồ côi mẹ từ năm lên 8 tuổi, được bà chị của bố (là vợ giáo sư (GS) Dương Quảng Hàm) đưa lên Hà Nội nuôi ăn học.
Năm 15 tuổi, cậu bé Trần Khắc Cần được giác ngộ có bí danh là Lê Văn Ba. Lê Văn Ba đã có những bài báo cả truyện ngắn in trên mấy tờ báo ở Hà Nội thời tạm chiếm.
Nhà báo, nhà văn Lê Văn Ba |
Ngoài viết báo, Lê Văn Ba còn bí mật tham gia làm tờ báo Nhựa Sống (tổ chức bí mật của Đoàn học sinh kháng chiến Hà Nội).
Hỏi làm sao anh lại bị bắt? Ông Trưởng ban cười, được tham gia hoạt động khoái lắm. Cũng giống khi người ta mới yêu ấy mà. Khó giấu được. Vì sơ suất nên lộ.
Hơn một năm ở nhà ngục Hỏa Lò, cậu bé Lê Văn Ba cũng nếm đủ ngón đòn. Cũng chẳng moi được gì Lê Văn Ba được tạm tha để chờ xử. Liền ngay khi ấy, tổ chức đã bí mật bố trí cho Lê Văn Ba ra vùng tự do.
Sau 1954 có nhiều ngả rẽ công tác. Nhưng Lê Văn Ba chỉ khoái làm báo. Đúng ngày 7/3/1958 anh chính thức đến nhận việc tại báo Tiền Phong.
Khi lứa chúng tôi về, nhà báo Lê Văn Ba đã gần 20 năm ở cơ quan ngôn luận của T.Ư của Đoàn Thanh niên lao động Việt Nam. Anh vỡ vạc cho chúng tôi đặc thù của cái anh làm báo Đoàn ra sao. Trong cái chung nghiệp vụ báo chí có cái riêng của báo Đoàn như thế nào.
Hẳn chúng tôi hồi đó còn mù mờ, không tường lắm những tôn chỉ này khác nên có bài viết lắm khi phải trầy trật viết đi viết lại ba, bốn lần. Trưởng ban Lê Văn Ba hăng hái dẫn lính của mình như Xuân Nam (Dương Kỳ Anh) và tôi đi các ngành mỏ, xây dựng, cơ khí, tiểu thủ công nghiệp… để tập làm quen để có kiến thức mà viết bài. Anh cũng tập cho chúng tôi bập vào mảng chống tiêu cực tham nhũng qua một loạt bài của Ban Công nghiệp khi ấy mà anh là chủ công khiến Tiền Phong nổi tiếng trong làng báo như Chúng tham ô và ăn cắp; Chuyện tiêu cực ở Công ty xây dựng số I… Anh cũng biết biến báo với Ban Biên tập những lếch thếch nhiêu khê của cái anh vợ con ở xa chuyên thường xuyên vắng mặt như tôi để có cơ được bình xét là lao động tiên tiến.
Loáng thoáng trong một cuốn dạng như hồi ký sau này của anh Lê Văn Ba, bạn đọc có dịp tường thêm về diễn biến của bài thơ Mùa xuân nhớ Bác của Phạm Thị Xuân Khải đã xuất hiện trên mặt báo ra sao! Đọc những dòng ấy, thêm bồi hồi về thời điểm Tổng Biên tập Đinh Văn Nam cho gọi Trưởng ban Lê Văn Ba và Xuân Nam cùng tôi lên để giao cái việc lạ lẫm bỡ ngỡ. Nào là vào trường Tổng hợp điều tra về tác giả bài thơ. Làm cả chân liên lạc viên giữa Tòa soạn và Ban Tổ chức Trung ương. Được gặp cả ông Trưởng ban Lê Đức Thọ để nghe ông dặn dò… Rồi bài thơ được in lên báo, chúng tôi lại phải tất tả làm cái việc tổ chức hội thảo (khi đó gọi là diễn đàn tuổi trẻ) để hưởng ứng bài thơ ra sao nữa…
Rồi anh chuyển từ Tiền Phong sang Đại Đoàn kết và sau đó là Phó Tổng Biên tập Người Cao Tuổi. Ký ức tuổi hoa niên nằm khám Hỏa Lò; hồi ức thời làm báo trong vùng tạm chiếm, những thứ ấy cộng với rung cảm nhân văn trời cho đã vụt biến nhà báo Lê Văn Ba thành một nhà văn hóa lịch lãm tinh tế.
Năm tháng suông nhạt thậm chí vô vị với ai đó, nhưng với Lê Văn Ba, ông đã tận dụng, tận thu ráo riết quỹ thời gian hạn hẹp của người cao niên. Tôi đang nói đầu tiên là cảm giác bất ngờ ngạc nhiên. Và sau đó là sững sờ khâm phục bởi chỉ trong ít năm, ông đã cho ra hơn chục đầu sách tày tặn bắt mắt. Kể chuyện nhà tù Hỏa Lò. Thơ văn trong nhà tù Hỏa Lò. Nhà tù Hỏa Lò trường học yêu nước và cách mạng. Nhà văn Việt Nam trong nhà tù quân xâm lược… Lê Văn Ba như thứ từ điển sống về văn hóa Hà Nội, những biên khảo người và việc của một giai đoạn riêng có, đặc thù của Hà Nội.
Có một chuyện cũng phải kể ra đây là hiện có mấy ngàn trang bản thảo của một Tổng tập có tên Văn học nghệ thuật Hà Nội 1950 - 1954. Mười mấy năm trước các nhà văn Hoàng Công Khanh, Giang Quân, Vân Long, Kiều Liên Sơn, Lê Văn Ba, Hoài Việt đã ngồi với nhau thẫn thờ ký vào một biên bản nhất trí giao bản thảo cho nhà văn Lê Văn Ba giữ vì bản thảo đã chuẩn bị xong cho cuốn Tổng tập nhưng không in được vì chưa… có tiền!
Như nhiều người đã biết, mấy vị trong Ban Biên tập ấy đã lần lượt trở thành người thiên cổ mà Tổng tập ấy vẫn chưa được in… Và bây giờ đến lượt ông già tuổi 88 nhà văn Trần Khắc - Lê Văn Ba!
Có lẽ Hội Nhà văn Việt Nam từng có 2 ca lạ. Thi sĩ Việt Phương năm 2010 trở thành hội viên ở tuổi 82 và nhà viết biên khảo, hồi ức Lê Văn Ba năm 2008 được kết nạp vào Hội ở tuổi 74.