'Người đi dép cao su' về Bác được dàn dựng mới lạ

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Vở "Người đi dép cao su" của nhà văn Kateb Yacine không chỉ ca ngợi hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, mà còn là biên niên sử của Việt Nam, là bản trường ca ngợi ca đất nước và con người ở dải đất hình chữ S. Vở diễn của Nhà hát Kịch Việt Nam đem đến sự mới lạ, hấp dẫn.

Vở kịch Người đi dép cao su của nhà văn Kateb Yacine được công diễn nhân dịp kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ hữu nghị Việt Nam - Algeria. Từ kịch bản dài hơn 300 trang, Nhà hát Kịch Việt Nam chọn dàn dựng một phần, nhằm tri ân tình cảm của nhân dân Algeria và nhà văn Kateb Yacine đối với nhân dân Việt Nam và lãnh tụ Hồ Chí Minh.

'Người đi dép cao su' về Bác được dàn dựng mới lạ ảnh 1

Một cảnh trong vở Người đi dép cao su do Nhà hát Kịch Việt Nam dàn dựng. Ảnh: NHKVN.

Phát biểu khai mạc tối công diễn 24/4 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, NSƯT Xuân Bắc - Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam bày tỏ niềm vinh dự và tự hào khi nhà hát lần đầu tiên dàn dựng vở Người đi dép cao su.

"Chúng tôi tự hào khi được góp một phần nhỏ, làm tăng thêm tình hữu nghị giữa Việt Nam và Algeria. Nhà hát Kịch Việt Nam cũng tự hào giới thiệu với khán giả hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh ở góc nhìn mới đầy sáng tạo", NSƯT Xuân Bắc bày tỏ.

'Người đi dép cao su' về Bác được dàn dựng mới lạ ảnh 2

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông (phải) chúc mừng Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Algeria tại Việt Nam Abdelhamid Boubazine (giữa) và NSƯT Xuân Bắc.

Với sự đồng cảm sâu sắc của người đứng cùng hàng ngũ với các dân tộc thuộc địa, bị áp bức, Kateb Yacine khắc họa hình tượng vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam ở góc độ một con người đời thường. Đó là con người bình dị mà lớn lao. Tác phẩm Người đi dép cao su cũng phản ánh phẩm chất cao quý, tinh thần quật cường của một dân tộc dám đứng lên đấu tranh giành tự do, độc lập.

Kịch bản của Kateb Yacine không có phần thắt nút, mở nút. Lời thoại các nhân vật là văn xuôi nhưng được ngắt ra thành những dòng thơ. Nhìn chung, kịch bản Người đi dép cao su của Kateb Yacine không tuân theo quy tắc kịch truyền thống.

'Người đi dép cao su' về Bác được dàn dựng mới lạ ảnh 3

Tác phẩm lần đầu tiên công diễn ở Việt Nam. Ảnh: NHKVN.

Người đi dép cao su không chỉ ca ngợi hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, mà còn là một biên niên sử của Việt Nam, là bản trường ca ngợi ca đất nước và con người ở dải đất hình chữ S qua hàng nghìn năm lịch sử.

'Người đi dép cao su' về Bác được dàn dựng mới lạ ảnh 4

Hình tượng Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong Người đi dép cao su. Ảnh: NHKVN.

Kịch bản dài 304 trang, với 1.800 câu thoại, hàng trăm nhân vật có tên và không có tên. Chia sẻ với Tiền Phong, TS. NGƯT Lê Mạnh Hùng nói rằng do điều kiện có chừng mực nên lựa chọn, biên tập mạch chính tác giả viết về Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Với dung lượng gần một tiếng đồng hồ, Người đi dép cao su cuốn hút khán giả ở sân khấu tối giản, cách chuyển cảnh nhịp nhàng.

Với sự kết hợp giữa sân khấu ước lệ truyền thống của dân tộc với kịch phương Tây, đạo diễn thành công thể hiện diễn trình lịch sử đấu tranh của dân tộc bằng nghệ thuật sân khấu, từ thời Hai Bà Trưng, Bà Triệu đến thời đại Hồ Chí Minh để từ đó làm nổi bật hình ảnh "Người đi dép cao su".

Nghệ sĩ Minh Hải tiếp tục được tin tưởng giao thể hiện hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh, nghệ sĩ trẻ Quang Đạo thể hiện hình ảnh Bác thời trẻ. NSƯT Trịnh Mai Nguyên trở lại với hình tượng quen thuộc trên sân khấu - vai Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Sau hai đêm công diễn 23, 24/4, Người đi dép cao su trở lại vào ngày Sinh nhật Bác Hồ 19/5.

MỚI - NÓNG