Người đàn ông suốt 10 năm không dám bỏ khẩu trang giờ đã dám ... cười

GS.TS Trần Thiết Sơn cùng các đồng nghiệp tiến hành ca phẫu thuật tái tạo lại khuôn mặt biến dạng cho ông Hà Sỹ S. Ảnh BSCC
GS.TS Trần Thiết Sơn cùng các đồng nghiệp tiến hành ca phẫu thuật tái tạo lại khuôn mặt biến dạng cho ông Hà Sỹ S. Ảnh BSCC
TPO - Hành trình hơn 10 năm tìm lại khuôn mặt người của ông Hà Sỹ S. đã trải qua nhiều khó khăn, gian khổ, thậm chí nhiều tuyệt vọng và trong suốt hành trình 10 năm đó, gần như ông không dám ăn cơm cùng con cháu vì các cháu cứ nhìn thấy gương mặt biến dạng của ông là khóc, sợ. Nhưng cuối cùng đã “cán đích” với món quà vô giá.

Hơn 10 năm trước, từ một nốt ruồi, những tổn thương lan dần ra khắp vùng má phải, ông Hà Sỹ S. (58 tuổi) đi khám và được chẩn đoán bị ung thư da tế bào đáy, nhưng ông S không điều trị triệt để. Đến nay, khối u lan rộng toàn bộ má phải, co kéo khiến môi, má, đầu mũi biến dạng, buộc phải phẫu thuật tái tạo lại khuôn mặt.

Sau khi hội chẩn với các chuyên khoa khác như răng hàm mặt, ung thư, vào ngày 26/5 vừa qua, GS.TS Trần Thiết Sơn, Trưởng bộ môn Phẫu thuật tạo hình (ĐH Y Hà Nội) - Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ & Bàn tay (Bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec Times City) và các đồng nghiệp tiến hành tái tạo lại khuôn mặt cho bệnh nhân Hà Sỹ S bằng kỹ thuật vi phẫu. Ngoài một ê-kíp gây mê hồi sức gồm tám người, có bảy phẫu thuật viên của Trung tâm Phẫu thuật Tạo hình thẩm mỹ và Bàn tay chia làm bốn kíp thực hiện trong thời gian tám tiếng.

Trước khi phẫu thuật, khuôn mặt bệnh nhân bị biến dạng, ăn uống và khó thở do khối u lan rộng.

Các bác sĩ đã tiến hành cắt bỏ khối u, đồng thời các phẫu thuật viên cũng lấy một vạt da đùi của người bệnh. Vạt da này được phẫu tích và chia thành ba mảnh riêng biệt cho việc tái tạo từng bộ phận. Các khuyết lớn vùng má, môi, mũi được tái tạo bởi một vạt da có nối vi phẫu.

Theo GS Trần Thiết Sơn, việc tái tạo lại mũi, môi, má phải đáp ứng được yêu cầu phục hồi lại cấu trúc ba chiều của cơ quan bị mất. Ít vạt da nào có thể đáp ứng được yêu cầu này nếu không thực hiện được việc làm mỏng vạt da dưới kính hiển vi.

“Việc tái tạo cùng một lúc ba cơ quan trên mặt cũng hiếm gặp. Do vậy, đây là một thành công của các bác sĩ trong việc sử dụng một loạt kỹ thuật hiện đại trong phẫu thuật tạo hình vào việc tái tạo một bộ phận sau khi cắt bỏ vùng ung thư như kỹ thuật tạo vạt chùm, kỹ thuật làm mỏng vạt và kỹ thuật vi phẫu mạch máu mà ít nước trên thế giới chưa thực hiện được”- GS.TS Trần Thiết Sơn nói.

Bệnh nhân hồi phục nhanh sau phẫu thuật và đã ra viện sau 7 ngày điều trị. Theo các bác sỹ, khoảng 3-4 tuần sau, các tổn thương có thể hoàn toàn phục hồi.

Trong ngày đón bố về từ bệnh viện, anh Hà Huy Phương, con trai ông S. không giấu nổi giọt nước mắt xúc động: “Quá tuyệt vời. Như một phép màu vậy! Không thể nào nói hết được hạnh phúc của gia đình. Từ nay, bố chúng tôi đã có thể vứt bỏ chiếc khẩu trang, tự tin, gần gũi với mọi người, với con cháu, vui vẻ tuổi già”.

Thành công từ ca phẫu thuật phức tạp này đã mang đến niềm tin, hy vọng cho biết bao bệnh nhân mắc ung thu da đáy tại Việt Nam trước cơ hội tiếp cận các kỹ thuật y khoa tiên tiến trên thế giới.

Ung thư da tế bào đáy:

- Là loại u ác tính gồm những tế bào giống với tế bào ở lớp đáy của thượng bì. Nguồn gốc thực sự của ung thư tế bào đáy còn chưa rõ ràng.

- Các đối tượng có nguy cơ cao như nông dân, ngư dân, công nhân các nông lâm trường…

- Đây là loại ung thư da hay gặp nhất, chiếm khoảng 75% các loại ung thư da.

Ung thư tế bào đáy tiến triển chậm, tổn thương có thể lan rộng, xâm lấn tổ chức xung quanh gây biến dạng và làm rối loạn chức năng của một số cơ quan bộ phận như mũi, miệng và mắt. Nếu phát hiện sớm và điều trị kịp thời, có thể cắt bỏ tổn thương.

MỚI - NÓNG