Người đàn ông sống sót kỳ lạ sau 33 ngày bất tỉnh

Ông Nguyễn Xuân Trương chật vật bên chiếc xe lắc của mình đi bán vé số để làm từ thiện.
Ông Nguyễn Xuân Trương chật vật bên chiếc xe lắc của mình đi bán vé số để làm từ thiện.
Ông Trương leo lên cây dừa và rơi ở độ cao khoảng 6 m, đầu cắm trực diện xuống đất, hai chân chổng ngược lên trời và giữ nguyên tư thế như vậy.

Sống lại sau 33 ngày hôn mê

Cách đây 14 năm, một vụ tai nạn lao động kinh hoàng xảy ra trên địa bàn xã An Đức đã khiến ông Nguyễn Xuân Trương (tức Ba Trương hay chú Ba từ thiện, SN 1952, trú tại 78A/6, Long Phước, Long Hồ, Vĩnh Long) bất tỉnh tại chỗ. 

Theo những người dân có mặt chứng kiến tai nạn cho biết: "Ông Trương leo lên cây dừa và rơi ở độ cao khoảng 6 m, đầu cắm trực diện xuống đất, hai chân chổng ngược lên trời và giữ nguyên tư thế như vậy".

Lập tức, ông được chuyển đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch, tay chân co quắp, người mê man, tím tái. Nạn nhân bất tỉnh suốt 33 ngày đêm, có lúc người thân trong gia đình không còn tia hy vọng nào về sự sống của ông và nghĩ đến tình huống xấu nhất xảy ra.

 Nhưng thật kỳ diệu, ngay sau đó ông dần hồi sinh và nhận biết được tất cả mọi người xung quanh, tuy nhiên cơ thể ông bị liệt hoàn toàn.

Do gia đình ông Trương thuộc diện hộ nghèo nên tất cả chi phí điều trị đều nhờ vào sự cưu mang, đùm bọc của láng giềng và những tấm lòng hảo tâm của xã hội.

Khao khát sống sau cơn “thập tử nhất sinh”

Người dân Vĩnh Long không còn lạ lẫm gì với cái tên chú Ba Trương “khuyết tật” chuyên làm từ thiện. Dù đi tới mọi hang cùng, ngõ hẻm nào trong tỉnh thì ai ai cũng đều biết đến ông, nhất là những người nghèo thì càng ấn tượng về ông hơn. 

Họ xem ông như là một hình tượng của nghị lực sống phi thường, lúc nào cũng vô tư, lạc quan, yêu đời mà họ cần học tập noi theo.

Ông cho biết: “Sau tai nạn kinh hoàng đó, tôi vẫn may mắn tồn tại trên cõi đời này là sự phúc đức, là sự hi hữu bởi khi té ngã tôi được giữ nguyên tư thế (đầu cắm sâu xuống đất, chân tựa vào gốc dừa chổng vó lên trời), nếu cơ thể ngã xuống đất là bị gãy cổ chết ngay. 

Sau 33 ngày đêm chết lâm sàng, tôi tỉnh dậy và nghe được câu nói đầu tiên là: “Anh tỉnh lại rồi”. Tôi rơi nước mắt vì câu nói này. Lòng tôi se thắt lại, chạnh lòng với cảm xúc khó tả khi mọi người đang dõi theo từng tia hy vong sống của tôi. Lúc thập tử nhất sinh, tôi mới cảm nhận được niềm hạnh phúc tuyệt vời đó”.

Nguyện giúp đời đến hơi thở cuối cùng

Ông kể về gia đình: “Tôi là con thứ ba trong gia đình có 10 anh em. Nhà nghèo khó, không có đất sản xuất nên 11 tuổi tôi phải nghỉ học để phụ giúp cha mẹ và chăm các em nhỏ. Lớn lên trong cơ cực, nghèo đói, bệnh tật nên tôi càng hiểu thấu cái khổ đau của mọi người cùng hoạn nạn giống như mình”.

“Cha tôi khi đó bệnh tật triền miên, các em nhỏ nheo nhóc, cả nhà làm lụng cật lực mà vẫn không đủ miếng ăn. Nhưng tôi cứ động viên mọi người hãy lạc quan, vô tư và mãi thọ ơn những người đã giúp đỡ lúc khốn khó. Với tôi, đồng tiền chỉ là phương tiện, chỉ có tình cảm là sự gắn bó keo sơn. 

Vì thế, tôi nguyện làm từ thiện cả đời, cho đến hơi thở cuối cùng. Tôi sẽ làm bằng cái tâm và làm “hết công suất” để giúp xã hội bớt đi chút gánh nặng và cũng như trả ơn tình thương của xã hội đã dành tặng cho tôi trước đây”, ông chia sẻ thêm.

Sau đó, ông đi khắp các tỉnh miền Tây quyên góp làm từ thiện. Đến Bạc Liêu, Cà Mau ông xin khô, xin cá, đến Đồng Tháp, Tiền Giang thì ông vận động xin gạo, trái cây hay đến TP.HCM thì xin đường, sữa, áo quần...

Tuy không được may mắn cắp sách đến trường như chúng bạn nhưng bù lại trường đời đã dạy cho ông rất nhiều về cách sống, đức nhân hậu ở đời và giúp đỡ mọi người. Mặc dù là người khuyết tật, sức khỏe đang dần yếu đi nhưng ông vẫn vô tư và lạc quan yêu đời.

Theo Theo Zing
MỚI - NÓNG