Đại tá Nguyễn Thế Lực Phó giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk xác nhận với Tiền Phong tin này, cho biết ông đã giao nhiệm vụ cho 2 phòng PA81 (An ninh Kinh tế) và PA92 (An ninh Điều tra) chuẩn bị các bước cần thiết, để cuộc xin lỗi công khai diễn ra đúng pháp luật, thỏa đáng với người bị oan sai, minh bạch trước công chúng.
Đây là một trong vài vụ kêu oan và đòi trả lại các quyền lợi chính đáng dai dẳng nhất trên Tây Nguyên, thu hút sự chú ý của công luận, kéo theo sự chỉ đạo của hàng chục cơ quan chức trách từ trung ương đến địa phương suốt thời gian rất dài.
12 năm trước, báo Tiền Phong đã đăng bài “21 năm mang thân phận bị can vì chống tham nhũng”. Rồi sau đó tiếp tục đăng hàng chục tin bài nữa về vụ này, kiên trì đề nghị lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk phải chỉ đạo xử lý dứt điểm án oan, trả lại công bằng cho ông Sáu.
Ông Nguyễn Lâm Sáu tốt nghiệp đại học chuyên ngành thú y năm 1966 tại Liên Xô, công tác 10 năm tại nông trường Đông Hiếu (Nghệ An), rồi chấp hành lệnh của Bộ Nông nghiệp điều động vào xây dựng nông trường Ea Kao, tỉnh Đắk Lắk. Do phát hiện lãnh đạo nông trường có nhiều sai trái mà góp ý không được, ông đã công khai tố cáo một số cán bộ lợi dụng chức quyền tham nhũng và ức hiếp quần chúng.
Vì thế, ông bị vu khống, tố ngược. Ủy ban Thanh tra Nhà nước xác minh, công nhận nhiều nội dung ông tố cáo đúng. Nhưng bất ngờ ngày 14/11/1985, ông bị Công an khám nhà, thu 1 chai dầu cam đã hỏng, rồi bắt tạm giam ông vì tội “buôn bán hàng trái phép”.
9 ngày sau ông Sáu nhận được Lệnh tạm tha. Lệnh ghi: “Trong khi chờ kết thúc điều tra và quyết định di lý, căn cứ vào pháp luật hiện hành: Ra lệnh tạm tha. Bị can Nguyễn Lâm Sáu về địa phương phải trình lệnh này với địa phương và khi nào cơ quan pháp luật có giấy gọi, bị can phải đến đúng ngày, giờ quy định”.
Từ đó, ông Sáu mất quyền công dân. Cuộc sống của ông Sáu và gia đình ông sau đó gặp lắm chuyện gian nan, tủi buồn. Vợ ông mất sớm, ông Sáu một mình nuôi ba đứa con trong căn nhà nhỏ địa chỉ 60 Võ Văn Kiệt TP Buôn Ma Thuột bằng nghề “thú y dạo”, đồng thời nghiên cứu pháp luật, viết và phô tô hàng tạ đơn thư miệt mài gửi đến nhiều cơ quan địa phương, trung ương để đòi được xin lỗi, phục hồi quyền lợi, bồi thường oan sai.
Hàng chục cơ quan báo đài vào cuộc với hơn 40 bài đã đăng, phát. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã nhiều lần chỉ đạo tỉnh Đắk Lắk phải sớm giải quyết dứt điểm, thỏa đáng vụ khiếu nại dai dẳng này. Tại Đắk Lắk, UBND tỉnh và Công an tỉnh đã nhiều lần xem xét lại hồ sơ vụ này, chỉ do tồn tại nhiều bất đồng mà sự việc bị ngâm dầm mãi.
Rất tự tin với vốn kiến thức pháp luật “thuộc làu”, nhưng nay tuổi gần 80, sức khỏe ông Sáu đã kém hẳn. Con trai cả của ông là anh Nguyễn Lâm Chiến phải mời luật sư Vũ Văn Lợi, giám đốc công ty Luật Hòa Lợi, Đoàn Luật sư Hà Nội tiếp tục giúp ông Sáu đấu tranh.
Trao đổi với Tiền Phong, luật sư Lợi cho biết ông đã vào ra Đắk Lắk rất nhiều lần để làm việc với Công an tỉnh. Cái sai từ 33 năm trước của những người bắt giam oan ông Sáu đã rõ, các bên đều thừa nhận. Tuy nhiên họ đều đã chết hoặc đã về hưu, xử lý vấn đề thế nào cho thỏa đáng, có tình có lý, và cách thức xin lỗi tổ chức ra sao, là việc cần phải bàn thêm.
Đại tá Nguyễn Quốc Khánh trưởng phòng PA81- nơi 33 năm trước đã bắt giam oan ông Sáu cho biết phía ông Sáu cần hoàn tất thủ tục ủy quyền cho luật sư, rồi các bên sẽ xếp lịch để gặp nhau, làm việc cặn kẽ về các vấn đề liên quan.
Cảm ơn báo Tiền Phong bền bỉ theo dõi vụ này, ông Nguyễn Lâm Sáu chia sẻ trong cuộc làm việc sắp tới, ông đề nghị phải có biên bản làm việc rõ ràng, đúng các quy định pháp luật. “Thiệt hại đối với tôi và gia đình tôi là vô cùng lớn, bồi thường thế nào cho tương xứng với 33 năm mang thân phận bị can? Tôi muốn nhà chức trách phải bảo đảm người oan sai được nói không hạn chế thời gian, dù tôi cũng sẽ không nói dài quá làm gì! Tôi còn sức đâu nữa mà nói cho dài ?”- Ông Sáu bùi ngùi khẳng định.