21 năm chưa được giải oan

21 năm chưa được giải oan
TP - Sau khi báo Tiền phong đăng bài “21 năm mang thân phận bị can vì chống tham nhũng”, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk đã đích thân tiếp “bị can” Nguyễn Lâm Sáu, hứa giải quyết những yêu cầu chính đáng của ông trước Tết Đinh Hợi. Nhưng đến nay vẫn chưa có yêu cầu nào của ông Sáu được giải quyết.

Như Tiền phong đã thông tin, nhiều năm sau vụ ông Nguyễn Lâm Sáu (44 Nguyễn Thị Định, TP Buôn Ma Thuột) bị bắt giam 1 tuần dù cơ quan điều tra không có chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của ông từ ngày 14/11/1985, gia đình ông liên tiếp xảy ra hàng loạt tai họa: Ông Sáu mất việc, nhà bị đốt cháy, bị lấn chiếm đất thổ cư, sạt nghiệp, vợ đau buồn ngã bệnh qua đời...

Tất cả những tai ương đó, khởi nguyên từ chuyện ông Sáu dám đối đầu đấu tranh chống tham nhũng tiêu cực ở Nông trường Ea Kao. Từ đó đến nay, ông Nguyễn Lâm Sáu kiên trì liên tục gửi mấy trăm đơn thư khiếu nại đòi danh dự và quyền lợi công dân khắp các cơ quan chức năng từ địa phương tới Trung ương nhưng vẫn vô vọng.

Ngay sau khi báo Tiền phong đăng bài về nỗi oan và hành trình 21 năm gian khổ kêu oan của ông Sáu, Thanh tra tỉnh Đắk Lắk đã cử cán bộ đến nhà ông tìm hiểu.

Tiếp đó, ngày 31/10/2006 lãnh đạo Công an tỉnh có thư mời ông lên trụ sở làm việc. Sau khi nghe ông Sáu trình bày cặn kẽ sự việc, yêu cầu được giải oan và đòi bồi thường các thiệt hại mà gia đình ông đã gánh chịu, Phó Giám đốc CA tỉnh Đắk Lắk - thượng tá Nguyễn Văn Định đã thay mặt Công an tỉnh xin lỗi ông Nguyễn Lâm Sáu về việc làm sai trái của những cán bộ liên quan, đồng thời hứa kiến nghị UBND tỉnh sớm có giải pháp đáp ứng nguyện vọng chính đáng của ông Sáu.

Ngày 16/1/2007 tại trụ sở tiếp dân, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Lữ Ngọc Cư nghe ông Nguyễn Lâm Sáu giãi bày, cũng thay mặt chính quyền địa phương nhận lỗi, khẳng định tỉnh sẽ giải quyết thỏa đáng vụ việc xong trước Tết Đinh Hợi.

Ngày 29/8/2006, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk ký Công văn số 2547 “Về việc xử lý đơn của ông Nguyễn Lâm Sáu”, đã yêu cầu: Chánh thanh tra tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh kiểm tra xem xét lại những nội dung khiếu nại và tường trình nêu trong đơn của ông Nguyễn Lâm Sáu để xử lý theo thẩm quyền, sớm có văn bản trả lời cho công dân; đồng thời báo cáo kết quả về UBND tỉnh trước ngày 30/9/2006.

Biết được chỉ đạo trên, ông Sáu vui mừng rơi nước mắt...

Thế nhưng thấm thoắt thêm một năm nữa trôi qua, ông Sáu vẫn chưa nhìn thấy “cái văn bản trả lời cho công dân” ấy của CA tỉnh Đắk Lắk ở đâu. 

Tiếp sức ông Sáu, phóng viên Tiền phong gõ cửa vòng quanh để tìm hiểu tiến trình giải quyết. Hóa ra các sở ngành đều có quan tâm chứ không quên nhiệm vụ Chủ tịch UBND tỉnh giao.

Chiều 12/9/2007, UBND phường Khánh Xuân lần thứ hai mời ông Sáu và những cá nhân liên quan tới việc lấn chiếm đất thổ cư của ông qua phường làm việc. Sau một hồi đổ lỗi, kẻ đang sở hữu trái phép đất của ông Sáu tuyên bố ông Sáu muốn có đất của mình phải bỏ tiền ra mua lại.

Phường kết luận: Vấn đề phức tạp, nhiều năm cấp tỉnh đã không giải quyết được, phường thử sức mà không xong sẽ lại chuyển hồ sơ lên trên.

Bao giờ mới được giải oan?

Chiều 13/7/2007, trao đổi với PV báo Tiền phong, Phó Chánh Thanh tra Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết: Cuộc họp ngành nào cũng nhắc nhở đốc thúc việc ông Sáu. Tuy nhiên Thanh tra phải truy cho được căn nguyên vụ bắt giam oan trước đây, tìm đối tượng quy kết trách nhiệm, mà sự việc thì xảy ra quá lâu rồi, hồ sơ lưu lạc thất tán. Còn những quyền lợi cần trả lại cho ông Sáu những ngành khác cũng vẫn đang nghiên cứu...

Nghe ra, ông Sáu vuốt mái đầu chỉ còn lơ phơ vài sợi tóc, kêu trời! Ông bảo: Ông đâu có đòi truy cứu chuyện cũ. Ông chỉ cần Nhà nước cấp một tờ giấy mang giá trị minh oan cho danh dự công dân của ông, bồi thường thiệt hại do việc ông bị bắt giam oan, mất việc vô cớ theo tinh thần Nghị quyết 388 của Quốc hội.

Đúng sai đã rõ, chủ trương chính sách Nhà nước ban hành đủ cả, sao cán bộ không theo đó mà làm?! Hai mươi hai năm ông gánh trên thân phận mình tờ Lệnh tạm tha, ghi rõ “Bị can Nguyễn Lâm Sáu về địa phương phải trình lệnh này, khi nào cơ quan pháp luật có giấy gọi, bị can phải đến đúng giờ quy định”, cũng là hai mươi hai năm ròng rã ông bạc đầu nghiên cứu pháp luật và tự viết hàng nghìn lá đơn kêu oan. Liệu ông còn phải mang “thân phận bị can” đến bao giờ?

MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.