Người đàn ông bị kích động, nằm tư thế cò súng, cứng gáy vì liên cầu lợn dù không ăn tiết canh

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Ngày 19/9, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết ghi nhận 2 ca mắc liên cầu khuẩn lợn. Đáng chú ý, trong đó có 1 trường hợp không ăn tiết canh lợn, không giết mổ lợn vẫn nhiễm khuẩn liên cầu.

Bệnh nhân N.T.M (60 tuổi, làm ruộng, ở Giáp Ngọ, xã Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ) đã rơi vào tình trạng kích động, khó tiếp xúc, nằm ở tư thế cò súng, cứng gáy. Tình trạng này diễn ra sau khi bệnh nhân xuất hiện triệu chứng sốt cao, đau đầu, đau mỏi toàn thân hơn 1 ngày trước đó.

Bệnh nhân được gia đình đưa tới Bệnh viện Quân y 103. Tại đây, kết quả xét nghiệm cho thấy, bệnh nhân dương tính với Streptococcus suis (nhiễm liên cầu khuẩn lợn). Đáng lưu ý, 14 ngày trước khi khởi phát bệnh, bệnh nhân không ăn lòng lợn, tiết canh, không tham gia giết mổ lợn, gia đình cũng không chăn nuôi lợn. Tuy nhiên, ông là người thường xuyên nấu ăn trong gia đình.

Trường hợp thứ 2 là bệnh nhân nam (48 tuổi, ở thôn Bãi, xã Cao Viên, huyện Thanh Oai) bất ngờ sốt cao, vào khám và điều trị tại trạm y tế trên địa bàn nhưng không đỡ. Sau đó, bệnh nhân đau đầu nhiều, giảm nhận thức nên được chuyển đến Bệnh viện Quân y 103 điều trị. Tại đây, bệnh nhân được xét nghiệm dịch não tủy, nuôi cấy Streptococcus suis dương tính. Kết luận bị nhiễm khuẩn liên cầu lợn.

Trong số 2 bệnh nhân vừa phát hiện liên cầu lợn có 1 trường hợp bệnh nhân không ăn tiết canh, không giết mổ lợn nhưng vẫn nhiễm bệnh. Nhiều khả năng, bệnh nhân có thể ăn phải thịt lợn nhiễm bệnh chưa nấu chín kỹ hoặc khi chế biến thức ăn có tiếp xúc với thịt lợn nhiễm bệnh.

Vi khuẩn liên cầu lợn có thể lây sang người do tiếp xúc trực tiếp (qua các vết thương ở da và niêm mạc). Cụ thể, vi khuẩn lây truyền qua tổn thương trên da của người giết mổ, chế biến hoặc ăn thịt lợn bệnh chưa được nấu chín. Những người dễ khởi phát bệnh do liên cầu lợn chủ yếu là các đối tượng bị suy giảm miễn dịch như người già yếu, đã từng phẫu thuật cắt lách, nghiện rượu, có bệnh mạn tính trong người. Streptococcus suis có thể gây nhiều bệnh lý như nhiễm độc tiêu hóa, viêm màng não, viêm phổi, xuất huyết, viêm khớp và viêm cơ tim. Nặng hơn, người bệnh có thể bị sốc nhiễm khuẩn, rối loạn đông máu suy hô hấp và suy đa tạng, dễ dẫn tới tử vong. Trong đó, viêm màng não là thể bệnh khá thường gặp.

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cảnh báo, bệnh này diễn biến cực kỳ nhanh chóng, gây sốc nhiễm khuẩn, hôn mê và suy đa tạng. Người nhiễm bệnh liên cầu lợn gồm 3 thể nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ hoặc kết hợp cả hai. Tùy từng thể mà bệnh diễn biến nặng hay nhẹ, có trường hợp ngay từ đầu nhiễm khuẩn đã nặng.

MỚI - NÓNG