Người đã 'làm thế giới biết đến vẻ đẹp Việt Nam'

TP - Người hơn một lần ngồi ghế giám khảo cuộc thi hoa hậu của báo Tiền Phong, nhà thiết kế tiên phong và nổi tiếng nhất, hóa ra là ca thú vị giữa đồn đoán và sự thật. Minh Hạnh đồng thời cũng là họa sĩ và nhà báo, từng nắm tờ Việt Mốt.

NGƯỜI ÐA NĂNG LẠ VÀ QUEN

Lần đầu tôi nhìn thấy Minh Hạnh đã lâu lắm rồi, khoảng giữa thập kỉ 80 thế kỉ trước. Minh Hạnh khi ấy mới hai mấy còn tôi- đang đi học, không bao giờ nghĩ sẽ làm báo.

Tình cờ quen một số nhà báo miền Nam, tôi đến Nhà khách Trung ương ở phố Chu Văn An chơi với mấy ông này. Thấp thoáng trong đoàn một người trông “chất nghệ”, da trắng như mỡ đông. Dân Sài Gòn sao có thể trắng thế? Và gương mặt, đáng ngạc nhiên! Vốn quen thấy người đẹp nhan nhản quanh mình từ bé, tôi ít khi ngạc nhiên. Bèn hỏi ai mà đẹp thế kia? Nhà báo Nguyễn Trường Xuân- báo Công giáo và Dân tộc cho biết: Đó là Minh Hạnh, họa sĩ trình bày báo Phụ nữ Thành phố (Hồ Chí Minh).

Lần gặp thực sự, chục năm sau, chị đã thành nhà thiết kế thời trang nức tiếng. Vào mùa báo Tết, hai họa sĩ Đặng Minh Hạnh và Nguyễn Văn Vinh còn gây khó khăn cho đồng nghiệp trình bày báo phía Bắc, trong so sánh các ấn phẩm Tết với nhau. Những Sài Gòn Tiếp thị, Tuổi Trẻ, Lao Động… qua thiết kế mỹ thuật cầu kỳ của họ là giai phẩm đúng nghĩa, món quà để bà con Việt kiều mang về bên kia sau khi ăn cái Tết ở quê hương.

Tháng 11 này Minh Hạnh có cuộc thuyết trình về áo dài tại Nhật Bản và nước Nga. Nước Pháp tặng Huân chương Hiệp sĩ Văn hóa Nghệ thuật cho chị năm 2006, còn nước Ý tặng cũng huân chương này năm ngoái - gọi tắt là tấn phong tước hiệu “Hiệp sĩ”. Nhật thì trao giải thưởng Fukuoka danh giá năm 2015. Tổng thống Pháp và Ý đều dành lời có cánh cho người phụ nữ này dịp tấn phong. Còn những người trao giải Fukuoka giải thích lý do trao: “Minh Hạnh đã làm thế giới biết đến vẻ đẹp Việt Nam một cách rộng rãi”.

Thỉnh thoảng Minh Hạnh gửi giấy mời dự sự kiện do chị làm chủ soái. Tôi dự nhát gừng và không có ý định xáp lại bởi định kiến rằng: Người “gì cũng có” thế này hẳn bắc bậc kiêu kỳ lắm đây, đàn ông lượn vè vè bên cạnh còn phụ nữ phải cố để không ghen tỵ.

Người đã 'làm thế giới biết đến vẻ đẹp Việt Nam' ảnh 1  Minh Hạnh (phải) tại một sự kiện thời trang ở  Núi Nùng, Hà Nội 2018. Ðứng giữa là Ðại sứ Ý tại Việt Nam Cecilia Piccioni

 “Để hiểu nhau, tôi muốn anh hoài nghi tôi để rồi có ngày tin cho chắc chắn. Tôi không muốn anh vội tin tôi để đi đến hoài nghi”. Ai đó đã nói thế. Cho đến tận năm 2008 gặp lại chị ở Hội An trong vai trò giám khảo Hoa hậu Việt Nam, chúng tôi mới thôi lờ lớ lơ.

 Thực ra buổi đầu ở khách sạn The Nam Hải tráng lệ, tôi cũng chỉ chào lễ phép và tỏ ra có nhớ “từng gặp hơn một lần, từng được chị mời bữa cơm lam Pắc Bó đường Âu Cơ”. Dần dà, diễn biến, sự cố của cuộc thi này và sự gần cận do công việc - chị trong ban giám khảo, tôi thuộc ban tổ chức - mới làm thay đổi “thế giới quan, nhân sinh quan, giá trị quan”.

“BÔNG GU” (BON GÔUT) VÀ GÌ NỮA

 Người phụ nữ này sinh ra để nổi tiếng. Nhưng có người nói: "Minh Hạnh sẽ hoàn hảo nếu không độc đoán".  Đã trót làm nhà thiết kế tiên phong, sứ mệnh riêng chung đều như đá đeo, thì chả nhẽ vừa quyền biến vừa thường xuyên thỏa hiệp? Toàn những quyết định phải ra trong chốc nhát, muốn chùn lại cũng khó.

Có người khuyên tôi: “Nghe bà Hạnh vừa thôi, bản thân bà ấy chung thân chơi hai màu đen trắng, tóc đen sì xõa ngang vai. Thời trang đâu chỉ có thế”. Đã soi thì nên soi cho kỹ. Những áo và quần chỉ chơi màu đen và trắng đó chả chiếc nào na ná chiếc nào, đồ jeans cũng thế. Từng tiểu tiết trên đó đều đáng chú mục. Dù rằng cũng tiếc cho một phù thủy màu sắc, lo thiên biến vạn hóa cho mọi người trừ mình.

“Chị có nghĩ thiếu văn hóa là thiếu tất cả?” “Ðó là chân lý. Ðó là sự vĩnh cửu”.

NTK MINH HẠNH

trả lời phóng viên DPV

Có người bảo: “Giờ là thời của những nhà thiết kế trẻ. Minh Hạnh đã ngự ở hàng đầu lâu quá rồi, xuống được rồi”. Toni Morrison, Nobel Văn học 1993 nói về nghề viết: “Đó là công việc của sự tự trọng. Có những tác giả mà tác phẩm của họ không ai khác viết được. Không phải chuyện đề tài hay thể loại mà là cách họ viết- với cái tôi độc nhất vô nhị”. Công việc của nhà thiết kế được hiểu đơn giản hơn nhà văn nhiều, song một người cũng quan niệm đầy tự trọng về nghề như Minh Hạnh rất có thể có điểm chung với Morrison. Cũng áo dài, jeans, thổ cẩm, váy vóc dạ hội nhưng tôi khác đấy!

Nhớ lần xem duyệt Đêm phương Đông ở Festival Huế 2012. Một số đoàn nước ngoài cậy trang phục độc đáo, nhạc hay, diễn viên sinh động, cứ kéo rê ra. Minh Hạnh lạnh lùng: “Mỗi đoàn không quá 7 phút! Cắt hết, không ưu tiên ai!”. Các đoàn nhăn nhó, kêu ca nhưng rồi chịu cứng. Thì Đêm phương Đông hôm sau mới hoàn hảo được.

Lúc ấy và cả hôm trước hôm sau, toàn xem duyệt chương trình đinh, nhất là xem Minh Hạnh trường kỳ đạo diễn các lễ khai mạc bế mạc Festival Huế hoặc đại sự kiện thời trang ở Văn Miếu, Hoàng Thành Thăng Long, góc phố Ý, núi Nùng…, tôi thấy nghề thiết kế và đạo diễn khổ chẳng kém đi cày! Cả trên sàn diễn Quảng Châu (Trung Quốc) hoặc đường phố Paris (Pháp) - trình diễn những “sưu tập mang tên Việt Nam” mà tôi có dịp mục sở thị nữa. Minh Hạnh bảo: Nhà thiết kế ai cũng tuổi con Trâu hết!

Người đã 'làm thế giới biết đến vẻ đẹp Việt Nam' ảnh 2 Minh Hạnh đã bền bỉ quảng bá tôn vinh những "sưu tập mang tên Việt Nam" ra thế giới hai chục năm nay. Ảnh: Quang Huy
Có người nói: “Gia đình anh Nghĩa (nhà báo Lê Văn Nghĩa - chồng Minh Hạnh) khó mà bình yên. Vợ tài sắc thế cơ mà". Tôi chưa thấy ai quan niệm về tình yêu nghiêm túc như Minh Hạnh.

Có người bảo: “Ai không chui từ ống tay áo của Minh Hạnh thì dù thực tài cũng khó nổi, khó được tắm trong sự kiện thời trang lớn”. Tôi chưa gặp những người không thuận nghề đó. Nhưng tôi đã chứng kiến chị chăm chút đàn em từ những tiểu tiết của nghề cho đến món quà mang về nhân chuyến đi nước ngoài hoặc nhân dịp vào Nam ra Bắc, năm hết Tết đến. Một bận chị ra Hà Nội, tôi hỏi: “Chị có nhu cầu gì em đáp ứng, Tết nhất đến nơi rồi”. Thế rồi chị đòi một món “giết tiền” của người ta, đó là chai mắm tôm thật đặc biệt, gói bọc kỹ lưỡng để qua mắt hải quan. Bún đậu mắm tôm Hà Nội là một trong những món khoái khẩu của Minh Hạnh.

Minh Hạnh là thế. Đòi hỏi cao ở người khác về sự hiểu biết, văn hóa, nghệ tinh, tấm chân tình, còn vật chất thì chị là người cho đi không nhận lại. Điều này có dễ kiếm tìm ở cái thế giới hỗn mang showbiz? Nói chung, chẳng dễ ở bất cứ giới nào, nơi nào.

Khi một phóng viên hỏi vị chủ tịch lâu năm của Liên hoan phim Cannes rằng ông chắc có nhiều bạn trong giới nghệ sĩ, ông đáp: “Nghệ sĩ làm gì có bạn, họ chỉ biết mình. Như Gerard Depardieu chẳng hạn, sẽ nhìn bạn như thể bạn là hạt cát, là vệt nước trên bàn. Trong khi tôi quan niệm bạn bè phải là người chia sẻ tất cả: cuộc đời, tiền bạc…”.

Minh Hạnh với tôi là một ví dụ thú vị giữa đồn đoán và sự thật. Có những đồn đoán đúng và sai. Có những sự thật hôm nay thế này, mai đã khác. Nhưng có một điều chắc chắn: tôi luôn tiếc đã bỏ lỡ ít nhất 10 năm để hiểu hơn về người phụ nữ đặc biệt này. Một trong những người sang trọng nhất từng đồng hành với cơ quan trong vai trò giám khảo hoa hậu, xuất hiện trên các ẩn phẩm Tiền Phong với tư thế chuyên gia văn hóa (không chỉ văn hóa thời trang). Và tư cách người của công chúng đầy hấp lực lâu bền.

"Ðạn bắn không thủng"

Minh Hạnh ngồi ghế giám khảo cuộc thi hoa hậu do báo Tiền Phong tổ chức không dưới 5 lần. Trưởng BTC kiêm Trưởng BGK (20 năm liền) Dương Xuân Nam nhận xét Minh Hạnh là vị giám khảo khó tính, đầy chính kiến và “bông gu” (bon gôut, tiếng  Pháp nghĩa là có gu) - cũng như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và minh tinh Trà Giang. Còn Trưởng BTC Hoa hậu Việt Nam 2010 Ðoàn Công Huynh gọi Minh Hạnh là một người “đạn bắn không thủng” nghĩa là không ai “mua” nổi.

MỚI - NÓNG