Người của thời băng nhạc huy hoàng

0:00 / 0:00
0:00
Nhạc sĩ Lê Đức Cường và vợ chồng ca sĩ Chế Linh
Nhạc sĩ Lê Đức Cường và vợ chồng ca sĩ Chế Linh
TP - Những album ghi dấu ấn của Tuấn Vũ như “Hoa biển”, “Giọt lệ đài trang” hay album thành công nhất của “huyền thoại” làng ca nhạc hải ngoại Ngọc Lan… đều có sự đóng góp lặng lẽ của nhạc sỹ - nhạc công Lê Đức Cường. Ông chính là người sáng lập Trung tâm băng nhạc “Người đẹp Bình Dương” từng một thời náo động…

Lê Đức Cường sinh năm 1954, hơn giọng ca “Mưa trên biển vắng”, cố danh ca Ngọc Lan 2 tuổi. Vị nhạc công, nhạc sỹ này sinh ra và lớn lên ở Bình Dương. Ông không được đào tạo bài bản về âm nhạc nhưng say mê âm nhạc ngay từ khi còn ở trong nước: “Ngày mới về Sài Gòn học năm nhất Luật, tôi đã náo nức đi xem Đại Nhạc Hội trẻ với 3 mục đích chính: một là để chiêm ngưỡng chị Thanh Lan hát nhạc Pháp; hai là để được nghe anh Elvis Phương hát bài “Tôi muốn” - một thời vang danh. Ba là để được xem 10 ngón tay vàng Trung Nghĩa - đệ nhất solo guitar”. Lê Đức Cường sang Mỹ khi còn trẻ. Năm 1985, ông sáng lập trung tâm băng nhạc “Người đẹp Bình Dương” gợi nhắc quê hương: “Tên trung tâm còn lấy cảm hứng từ bộ phim chiếu rạp ‘Người đẹp Bình Dương’, có sự tham gia của mỹ nhân Thẩm Thúy Hằng, làm mưa làm gió một thời”, ông nói.

Ban đầu “Người đẹp Bình Dương” chỉ chuyên thu âm, khi ấy lĩnh vực thu âm ở Nam Cali (Mỹ) dành cho cộng đồng người Việt còn ít sự cạnh tranh, nên Lê Đức Cường có cơ hội làm việc với nhiều nghệ sỹ. Trong số đó, có những người đã trở thành “sao”, thành “huyền thoại”… như Ngọc Lan, Tuấn Vũ, Chế Linh, Mạnh Quỳnh… Ông đã sống và làm việc ở thời các trung tâm băng nhạc tại hải ngoại hoạt động sôi nổi, album ca nhạc bán rào rào, sức ảnh hưởng bay ngược về trong nước, chinh phục khán giả trong nước một cách ngoạn mục.

Người của thời băng nhạc huy hoàng ảnh 1

Cuốn băng nổi tiếng nhất của danh ca Ngọc Lan

Tuấn Vũ ân tình và rộng rãi!

Lê Đức Cường dành tình cảm đặc biệt cho Tuấn Vũ. Ông kể: Hai người gặp nhau ở Bắc Cali (Mỹ). Sau đó, Tuấn Vũ xuống Nam Cali để phát triển sự nghiệp ca hát. Một thời gian sau, Lê Đức Cường cũng dọn xuống Nam Cali vì nơi đây là cái nôi nghệ thuật của người Việt tại hải ngoại. Khi xuống Nam Cali, người nhạc công nghèo có mang theo dàn máy. Trước đó, ở Bắc Cali Nguyễn Đức Cường đã mở phòng thu, đã thu cuốn băng số 3 của Kim Ngân (mỹ nhân một thời giờ rơi vào cảnh lang thang, bệnh tật đang được dư luận chú ý- PV). Trong lúc đi dạo, Lê Đức Cường gặp lại Tuấn Vũ: “Cả hai đều mừng nhưng người mừng hơn chính là tôi, vì tôi mới chân ướt, chân ráo đến Nam Cali, lạc lõng bơ vơ. Tuấn Vũ lúc đó chưa nổi danh nhưng đã đi hát ở mấy phòng trà khoảng một năm rồi”.

Người của thời băng nhạc huy hoàng ảnh 2

Nhạc sĩ Lê Đức Cường và ca sĩ Tuấn Vũ

Tuấn Vũ đối với Lê Đức Cường như người bạn thân, giọng ca “Cô bé ngày xưa” hồi ấy có tật nói nhanh và hay vấp chữ: “Anh, anh, anh ở đâu? Anh nhớ cho em số điện thoại nhe, em sẽ qua thâu băng ủng hộ anh”. Người nghệ sỹ đang bơ vơ thấy ấm lòng trước câu nói của Tuấn Vũ song vẫn nghĩ Tuấn Vũ chỉ xã giao. Ai ngờ, Tuấn Vũ nói lời giữ lời. Ít lâu sau, nam ca sỹ gọi điện cho Lê Đức Cường: “Chỉ chỗ em, em muốn gặp anh, nói chuyện”. Cuốn “Hoa biển” ra đời như thế. Theo ông Lê Đức Cường, 4, 5 cuốn băng đầu tiên đều do Tuấn Vũ tự bỏ tiền túi ra thực hiện. Trong cuốn “Hoa biển” có sự góp mặt của Hương Lan, Giao Linh, trong đó Giao Linh - Tuấn Vũ song ca bài “Một loài chim biển” như một mẫu mực, hiếm cặp đôi nào sau đó vượt qua: “Hồi làm ‘Hoa biển’ Tuấn Vũ còn non nghề, chụp hình làm bìa chưa đẹp. “Hoa biển” là cuốn thứ 2 của Tuấn Vũ nhưng được xem là cuốn đầu tiên vì ít người biết tới cuốn số 1. Cuốn đầu tiên Tuấn Vũ làm từ hồi phong trào băng nhạc còn chưa mạnh. Ở cuốn “Hoa biển” Lê Đức Cường vừa thu âm, vừa chơi đàn.

Tuấn Vũ lần lượt bỏ tiền thực hiện 4 cuốn băng tại phòng thu của Lê Đức Cường, cho đến cuốn “Tìm mãi thương yêu” (Tuấn Vũ 5) thì sự nổi tiếng đã gõ cửa: “Cuốn đó bán được nhiều lắm, Tuấn Vũ chụp hình mặc áo vest cũng đẹp lắm!”, nghệ sỹ gốc Bình Dương nhớ lại. Ông giải thích thêm: Sở dĩ Tuấn Vũ nổi tiếng còn vì cuốn băng “Tìm mãi thương yêu” được anh bán bản quyền cho Trung tâm Đời. Chủ trung tâm Đời chính là tác giả “Áo lụa Hà Đông”, thi sĩ Nguyên Sa: “Nguyên Sa chính là người đặt biệt danh “Phượng Hoàng” cho Tuấn Vũ. Trong “Tìm mãi thương yêu” Tuấn Vũ hát “Nếu hai đứa mình” tình cảm lắm. Nguyên Sa thấy Tuấn Vũ có triển vọng tốt nên đã mua lại cuốn băng này để phát hành, lời lắm. Nguyên Sa còn làm chủ bút, nên Tuấn Vũ được lăng- xê mạnh”. Một trung tâm khác, Trung tâm Làng Văn, đánh hơi thấy Tuấn Vũ ăn khách đã mời “Phượng Hoàng” ký độc quyền. Họ ứng trước một số tiền để Tuấn Vũ mua xe: “Thời đó, các ca sỹ nghèo, chỉ có Tuấn Vũ và Linda Trang Đài có BMV chạy. Từ ngày Tuấn Vũ độc quyền cho Làng Văn, Lê Đức Cường không còn dịp gặp gỡ. Khoảng 2 năm sau, hai người gặp lại nhau, lúc này Trung tâm băng nhạc “Người đẹp Bình Dương” đã kinh doanh có lãi, Lê Đức Cường mời Tuấn Vũ về Trung tâm của mình. Họ lại cho ra đời album “Giọt lệ đài trang” và một số cuốn khác: “Băng của Tuấn Vũ lúc nào cũng bán chạy, ai làm Tuấn Vũ cũng bán chạy cả, không riêng gì tôi”, ông chủ “Người đẹp Bình Dương” nhớ lại thời huy hoàng của băng nhạc.

“Giải cứu” Chế Linh

Trước đây Chế Linh từng là giọng ca độc quyền của Trung tâm Làng Văn. Vì Chế Linh ở Canada nên mỗi lần về Cali là thu luôn mấy chục bài. Làng Văn chỉ trả cho Chế Linh một phần tiền mặt còn lại ký ngân phiếu. Sau Chế Linh ngại không muốn lấy ngân phiếu nên mở tiệm bán băng nhạc, trừ vào ngân phiếu. Nhưng ông không ngờ, bị “ép”, người ta không đưa tiền cho ông nữa, chỉ đưa băng đĩa, danh ca không thể bán được nhiều nên bị kẹt vốn.

Một lần, Chế Linh đến gõ cửa Lê Đức Cường nhờ giúp đỡ: “Em tạm thời đưa băng gốc cho anh, để anh ra điều kiện buộc trung tâm phải trả tiền cho anh, anh mới đưa băng lại”. Lê Đức Cường không dám làm việc này, vì ông mới làm việc cho Làng Văn một tháng. Hơn nữa để mất sản phẩm của Làng Văn thì các ca sỹ khác sẽ không dám vào thu âm, họ cũng lo bị mất băng gốc. Nhưng khi vợ Chế Linh năn nỉ, bà nói, bà là người Bình Dương. Chẳng lẽ không giúp đồng hương? Lê Đức Cường nghĩ ra kế: Ông giả vờ đi rửa mặt, trong lúc đó, Chế Linh và vợ nhanh chóng mang những cuốn băng gốc đi.

Khi hai vợ chồng danh ca đi khỏi, Lê Đức Cường gọi điện cho bà chủ Làng Văn thông báo mất những cuốn băng gốc. Bà chủ nổi giận. Sau đó cả Chế Linh, bà chủ Làng Văn phải tới gặp cảnh sát, Lê Đức Cường cũng đến làm chứng. Chế Linh nói rõ ràng: Thanh toán tiền thì ông trả lại sản phẩm. Mọi chuyện sau đó cũng êm thấm. Lê Đức Cường kết luận: “Bản chất nghệ sỹ đích thực, tính tình hiền hòa, không “ác” với ai”.

Âm thầm viết bài hát tặng “huyền thoại” làng nhạc

Lê Đức Cường chính là người viết lời Việt cho ca khúc nhạc ngoại: “Xuân yêu thương”. Đây là một trong những ca khúc “tủ” của Đàm Vĩnh Hưng: “Xuân đã đến bên em/Dáng xuân tuyệt vời/ Xuân đã đến bên người/Xin người hãy cùng em vui xuân”. Lê Đức Cường cho biết, ông chỉ viết “Xuân yêu thương” trong khoảng 15-20 phút, không hơn: “Hồi đó, tôi làm nhạc new way cho Trung tâm Thanh Lan. Trong số 10 bài tôi đặc biệt ưng bài này nên quyết định phải giữ bài này làm kinh doanh chứ không bán cho người khác, nên mới đặt lời Việt. Người hát “Xuân yêu thương” đầu tiên là ca sỹ Kiều Nga, tôi cũng phát tài nhờ bài đó”.

Nhưng Lê Đức Cường chưa từng nhận tiền bản quyền từ ca khúc ăn khách này: “Tôi không đăng ký bản quyền nên không được gì. Khi viết lời Việt tôi không đề tên tôi. Song Trung tâm Thúy Nga khi sử dụng ca khúc “Xuân yêu thương” đã đề lời Việt của Lê Đức Cường, trong khi tôi chưa từng kể cho họ nghe tôi viết “Xuân yêu thương” ra sao”, ông nói. Thế nên không ngạc nhiên khi gần đây có người đã nhận vơ “Xuân yêu thương”. Lê Đức Cường có đủ bằng chứng để bảo vệ quyền tác giả, song ông không làm: “Tôi thấy phức tạp, phải bỏ tiền mời luật sư nọ kia. Lôi thôi lắm”.

Không chỉ có “Xuân yêu thương” Lê Đức Cường không đăng ký bản quyền. Còn một ca khúc khác, ông viết xong, mời ca sỹ thu âm nhưng không ghi tên tác giả, đó là ca khúc “Kỷ niệm trong tôi”: Người đã khuất xa rồi/Những ân tình như áng mây mờ/Nhưng kỷ niệm còn mãi trong tôi/Ôi tháng năm giờ đã phai tàn”. Người hát “Kỷ niệm trong tôi” đầu tiên chính là ca sỹ Ngọc Bích, sau đó Ngọc Lan hát. Cho đến khi Ngọc Lan về bên kia thế giới, vẫn không hay đây là ca khúc viết về người đẹp. Lê Đức Cường biết Ngọc Lan từ thuở Ngọc Lan chưa nổi tiếng: “Năm 1985, tôi gặp Ngọc Lan tại đại hội khiêu vũ lớn. Lần đầu tiên tôi đàn cho Ngọc Lan hát. Nhưng đêm ấy, khán giả cổ vũ Kim Ngân nồng nhiệt, không quan tâm nhiều đến Ngọc Lan. Cô ấy bày tỏ cùng tôi tâm trạng chán chường”. Người sáng lập “Người đẹp Bình Dương” gắn bó với Ngọc Lan từ năm 87-90. Album thành công nhất của nghệ sỹ “hồng nhan bạc mệnh”, chính là cuốn “Tình ta” do Nguyễn Đức Cường vất vả thu âm, vì người đẹp quá cầu toàn, hát đi hát lại, lại thường chỉ đến thu vào ban đêm.

Ngọc Lan ưa những lời nói ngọt ngào, hay khóc và có ý thức giữ dáng. Nhạc sỹ kể: “Có hôm vào thu âm thấy Ngọc Lan như thiếu năng lượng. Cô ấy xé màng bọc thức ăn mà tay run run”. Ông công khai thừa nhận: Cảm mến Ngọc Lan. “Hồi chưa nổi tiếng Ngọc Lan đi chiếc Toyota Camry. Ở phòng thu của tôi có bãi đỗ xe rộng lại có mấy hàng cây. Tôi hay đứng nhìn lưu luyến khi cô từ phòng thu đi về. Sau đó, tôi viết bài “Kỷ niệm trong tôi”. Cho tới giờ này ở hải ngoại, có MC lên chương trình lớn còn giới thiệu đây là bài hát nhạc ngoại, lời Việt Lê Đức Cường. Nhưng đây là ca khúc của tôi, từ nhạc đến lời, tôi đã từng thu âm”. Trước khi Ngọc Lan tạm biệt “Người đẹp Bình Dương”, nàng còn hát miễn phí cho Lê Đức Cường 2 bài để cảm ơn ông chủ phòng thu tận tình.

Lê Đức Cường còn có công lăng-xê Mạnh Quỳnh. Năm 2000, “Người đẹp Bình Dương” ngừng khai thác tiếng hát Mạnh Quỳnh, Nguyễn Đức Cường quyết định “nghỉ hưu”. Ông đã trở về Việt Nam 11 năm nay, dừng chân ở Vũng Tàu, quê hương người vợ đã khuất, đã sát cánh bên ông trong thời kỳ hoạt động kinh doanh nghệ thuật sôi nổi nơi xứ người.

MỚI - NÓNG