Anh sinh ra trong một gia đình Việt kiều tại Tân Thế Giới (NouvelleCalédonie) - Pháp. Năm lên 5 tuổi, anh theo bố mẹ về Việt Nam. Chuyến hàng về nước của gia đình anh năm đó ngồn ngộn mang theo mấy chiếc xe máy “cá vàng”, xe Solex, ôtô Peugeot 304, 404....
Những món đồ mang về từ Pháp cùng với niềm đam mê sưu tầm suốt mấy chục năm nay mà anh có được bộ sưu tập khiến nhiều người chơi cổ vật Hà thành vẫn rỉ tai với nhau rằng, “cha Vinh “Tân Đảo” có bộ sưu tập vừa cổ, vừa...quái”.
Vinh “Tân Đảo” tâm sự: “Về học trong nước, đến tuổi trưởng thành, mình vào làm việc tại một xưởng may. Được một thời gian mình chuyển ra ngoài tự mở hàng sửa chữa máy khâu. Rồi mình lại đi buôn máy khâu. Thời đấy, ở Căm Pu Chia, máy khâu nhiều. Mình sang tận nơi mua về, phục hồi lại, rồi bán...”.
Đó là vào những năm 79, 80 của thế kỷ trước. Và rồi, như anh nói, “mối tình” với máy khâu vẫn...lãng đãng tận bây giờ. Mê chân máy hiệu Singer, khi trong túi có tiền là Vinh “Tân Đảo” lại đi lùng mua.
Bộ sưu tập chân máy Singer bây giờ của anh có đến mấy chục chiếc. Anh mở quán cà phê, những bộ bàn cũng được kê bằng chân máy khâu hiệu Singer. Khách đến nếu không tinh mắt, không để ý hay không được chủ nhà giới thiệu thì ít ai nhận ra sự độc đáo của quán ngồi uống cà phê trên bàn... máy khâu này.
Thời trẻ khởi nghiệp bằng nghề sửa chữa máy khâu, song anh tiếp tục học thêm về kỹ thuật máy nổ, rồi chuyển sang phục chế xe máy, ô tô cũ, cổ. Nhiều chiếc xe cũ nát, phủ bụi thời gian qua tay anh lại rùng rình chuyển bánh.
Vinh “Tân Đảo” kể: Một lần khi đang chạy chiếc Honda67 doa nòng 90 thì xe bị tụt hơi không chạy được do piston mài quá mỏng nên bị thủng... Dắt xe vào nghỉ chân tại một hàng giải khát, nhận ra chiếc thìa nhôm trong cốc nước có thể được việc, thế là anh tháo tung bộ hơi, cắt mẩu chuôi thìa tán trám lỗ thủng piston. Máy nổ, xe lại chạy băng trên xa lộ. Từ đó, mày mò phục chế những chiếc xe máy cổ trở thành niềm đam mê của anh.
Nhiều người Hà thành vẫn còn nhớ, vào những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, tại Hà Nội có một câu lạc bộ môtô. Câu lạc bộ chiêu nạp những nam nữ vận động viên yêu thích mô tô, tập luyện nhiều tháng ròng rồi đi biểu diễn.
Môtô họ sử dụng chính là của hãng I.J mà chủ yếu là I.J350 đời 56. Những vận động viên mô tô ngày đó người đứng, người ngồi, hoặc quỳ trên những chiếc xe I.J biểu diễn bay vút qua những mô đất, đường hào giao thông, tay cầm súng thể thao bắn vào mục tiêu trông giống hệt như những người lính Mông Cổ cưỡi ngựa khi xưa.
Đẹp, lãng mạn mà nhiều người Hà thành hôm nay vẫn nhớ tới dòng xe I.J. Cho đến những năm 84, 85 người Hà Nội thi thoảng vẫn còn được gặp những đoàn môtô lừng lững chạy qua các con phố hộ tống đoàn xe lãnh tụ hoặc đón đưa đoàn khách quốc tế, đó cũng chính là mô tô I.J.
Thèm có được con xe I.J đời 49, Vinh “Tân Đảo” đã từng lặn lội lên tận Bắc Kạn, mò vào bản xa để tìm gặp người lính già có chiếc xe này do được quân đội thanh lý, nhưng rong ruổi mãi mà nguyện vọng của anh vẫn không đạt được.
Chiếc xe I.J anh có là đời 56. Anh đã tìm thấy nó đang nằm bẹp trong một bãi sắt vụn ở Thanh Xuân. Như vớ được vàng, trong két bạc còn bao nhiêu, anh moi ra hết “đổ” vào con xe. May, chiếc xe nằm ở bãi sắt vụn, chủ của nó không biết được giá trị, mà thời đó - chừng những năm 80 cũng không ai để tâm sưu tập mà làm gì, nên anh chỉ phải trả tiền ở giá... sắt vụn.
Xe đã cũ, rỉ nhưng theo anh thì con tem có chữ “chế tạo tại Liên Xô” gắn ở đuôi xe cứ lung linh như kim cương. Mang về, anh tân trang lại toàn bộ, tìm bộ đồ lính chiến, chiếc mũ kiểu... Điện Biên Phủ cho đồng bộ. Cưỡi con xe này chạy phạch phạch khắp phố phường, giờ đây cho khênh lên trưng bày tận tầng hai, mỗi ngày anh lại trèo lên đó ngắm nghía.
Vinh “Tân Đảo” còn đang là chủ sở hữu nhiều chiếc xe hiếm thấy khó tìm ở thời buổi này như xe Trường Giang đời 1938 - 1941. Theo anh, ở Hà Nội hiện tại chỉ có hai chiếc xe này. Anh có chiếc motobecan sản xuất năm 1951, độc đáo bởi phanh bên trái, số nằm bên phải. Hay như chiếc BMW đời 1938 - 1941, 750 phân khối của Đức.
Mò mẫm, đến nay Vinh “Tân Đảo” đang là chủ nhân của hơn 30 chiếc xe môtô, xe gắn máy mà chúng đều xếp vào hàng xe cổ. Anh còn có chiếc xe Volkswagen1303 đời chót. Chiếc xe này anh mua được năm 1987 của một thương gia người Irắc với giá 5 cây vàng. Nhiều người gạ mua lại của anh chiếc xe này với giá 12 cây vàng nhưng anh nhất quyết không bán.
Vinh “Tân Đảo” quả quyết, ở Hà Nội hiện không ai có chiếc Volkswagen 1303, còn ở Sài Gòn nếu cộng cả của anh thì mới được 5 cái. Anh cho biết, những chiếc xe môtô của anh như I.J, Trường Giang được xuất hiện trong nhiều bộ phim do các Hãng phim thuê phục vụ một số cảnh quay như: Người Mỹ thầm lặng, Miền đất hứa...
Vinh“Tân Đảo” chơi đồ cổ, ngoài thú chơi, anh còn “buộc” nó phục vụ cho cuộc sống hàng ngày. Những vật dụng sinh hoạt đang sử dụng trong nhà anh hiện nay từ chiếc điện thoại, máy nghe nhạc, đồng hồ quả lắc, máy ảnh, chân nến, quạt điện, hay hệ thống lò sưởi đều có tuổi rất... cổ.
Chiếc máy ảnh nhãn hiệu Kodak anh đang dùng được sản xuất từ năm 1920, dù đã trải qua hơn tám thập kỷ nhưng khi lắp phim chuyên dụng, anh vẫn bấm máy ngon lành.
Cổ như bộ dàn JEAC mà giới thượng lưu dăm thập kỷ trước thường dùng, tìm mua về từ chiếc nút vặn, đến cần gạt tăng âm, monitor, rồi bằng tay nghề của một người thợ, anh lắp ráp thành bộ dàn nghe nhạc “xịn”.
Khách quý đến, dù yêu cầu hoặc không, anh thường bật máy lên để cùng thưởng thức. Hay như bộ máy quay đĩa Victor - Talking với chiếc loa bằng đồng như bông hoa loa kèn chĩa lên trời, bạn bè đến anh lại hì hụi lấy ra cho chạy thử.
Nhà Vinh “Tân Đảo” dùng chiếc điện thoại rời, ống nói một nơi, ống nghe một nẻo, được sản xuất những năm đầu khi phát minh ra điện thoại. Ai đến nhà muốn nghe anh đều cho thử. Gia đình anh cũng đang sử dụng chiếc bàn là đốt nóng bằng than củi, radio của Nga, quạt trần Marelli hai cánh phíp...
Chơi nhiều loại xe cổ nhưng Vinh “Tân Đảo” không phải là người không biết đến những dòng xe hiện đại. Anh hiện đang “cưỡi” con “khủng long” Shadow750 thuộc series 2001. Chiếc Shadow750 này nằm trong top model của dòng xe phân khối lớn tại Việt Nam hiện nay. Chiếc Shadow của anh đã cùng đội xe câu lạc bộ môtô thể thao Hà Nội tháp tùng nhiều giải đua xe đạp trong nước.
Thú chơi xe cổ và phong cách riêng chơi đồ cổ còn được Vinh “Tân Đảo” thể hiện ở quán cà phê “Xe Cổ” của mình nằm cuối phố Hàng Bún. Đây được coi như một địa chỉ giao lưu cho những ai đam mê xe cổ, đồ cổ và cũng là nơi gặp mặt thường xuyên của các thành viên câu lạc bộ môtô thể thao Hà Nội.
Vinh“Tân Đảo” hiện còn đang cất giữ nhiều chiếc xe cổ trong một ngôi nhà ở làng Phủ Diễn. Tại đây, những chú “ngựa sắt” cứ một, hai tháng lại được anh đổ xăng, nổ máy chạy vài vòng cho “sống lại”.
Anh đang có ý định thiết kế nhà vườn 1000m2 này thành một bảo tàng tư nhân trưng bày xe cổ, vật dụng gia đình cổ để đón khách đến tham quan, thưởng thức miễn phí, làm nơi giao lưu, gặp gỡ cho những ai yêu thích cổ vật.