Đây là hành động thách thức mới nhất của người biểu tình đối với Nhà vua, sau khi đã phá vỡ những điều cấm kỵ trong việc chỉ trích hoàng gia ở quốc gia vẫn áp dụng luật khi quân rất nghiêm ngặt.
Hôm nay, vài trăm người biểu tình tuân hành đến trụ sở của Trung đoàn bộ binh số 11, một trong hai lực lượng được chuyển về dưới quyền chỉ huy của Nhà vua từ năm 2019.
“Quân đội phải thuộc về nhân dân, không phải vua. Trong hệ thống dân chủ, nhà vua không chỉ huy quân đội”, Parit “Penguin” Chiwarak nói với các phóng viên trong lúc đang biểu tình.
Người biểu tình cho rằng Hoàng gia đã hậu thuẫn để quân đội đóng vai trò quá lớn trong chính trị trong nhiều năm qua.
Parit là một trong nhiều người biểu tình đang bị cáo buộc tội danh theo luậ khi quân, sau khi anh có những bài phát biểu trong nhiều cuộc tập trung trước đây.
Phong trào biểu tình bắt đầu từ tháng 7 với yêu sách là Thủ tướng Prayuth Chan-o-cha phải từ chức và viết hiến pháp mới, nhưng nay mở rộng sang cả yêu sách giảm bớt quyền lực của Nhà vua.
Bộ Ngoại giao Thái Lan nói trong một thông cáo rằng nước này tuân thủ pháp quyền, nhưng quyền tự do bày tỏ phải nằm trong khuôn khổ.
“Trong mọi trường hợp vi phạm pháp luật, giới chức sẽ có hành động để bảo đảm tuân thủ quy trình pháp luật liên quan mà không có sự phân biệt”, Bộ Ngoại giao Thái Lan nói.
Thủ tướng Prayuth gạt bỏ đòi hỏi từ chức, còn Hoàng gia chưa có ý kiến gì từ khi phong trào biểu tình nổ ra. Nhưng Nhà vua Maha Vajiralongkorn nói rằng người biểu tình đều được yêu thương “như nhau”, bất kể hành động của họ.