Ngân hàng thương mại Siam hôm nay phải đóng cửa các chi nhánh tại Bangkok sau khi trở thành địa điểm bị các nhóm biểu tình nhắm đến.
Tài sản của Nhà vua Vajiralongkorn trở thành một trong những trọng tâm chính của người biểu tình. Những thay đổi về pháp luật khiến Nhà vua Vajiralongkorn sau khi lên kế vị năm 2016 có quyền quản lý tài sản của Cục tài sản hoàng gia, bao gồm những bất động sản có giá trị cao ở Bangkok và cổ phần tại nhiều công ty lớn, trong đó có Ngân hàng thương mại Siam. Cục tài sản hoàng gia cũng củng cố quyền quản lý tài sản bằng cách thôi cho bộ trưởng tài chính làm chủ tịch cơ quan này.
Người biểu tình đòi bỏ những thay đổi đó để tạo ra sự phân chia rõ ràng giữa tài sản cá nhân của Nhà vua với những tài sản khác của hoàng gia mà họ cho rằng cần do bộ tài chính kiểm soát. Người biểu tình cũng muốn giảm chi ngân sách quốc gia cho hoàng gia để phù hợp với tình hình kinh tế đang bị ảnh hưởng vì ngành du lịch điêu đứng.
Cuộc tập trung là để ủng hộ việc “đòi lại những tài sản đáng lẽ thuộc về nhân dân”, Free Youth, một trong các nhóm biểu tình, viết trên Twitter.
Văn phòng hoàng gia từ chối bình luận, còn Cục quản lý tài sản hoàng gia cũng không đưa ra ý kiến nào về vấn đề này.
Thủ tướng Prayut Chan-o-cha đang có quan điểm cứng rắn hơn với người biểu tình. Tuần trước, ông tuyên bố các lực lượng an ninh sẽ “áp dụng mọi luật hiện có để đối phó với người biểu tình vi phạm luật và phớt lờ quyền và sự tự do của những người khác”.
“Tình hình biểu tình vẫn đang leo thang và có thể dẫn đến xung đột và bạo lực hơn. Nếu chúng tôi để điều này tiếp tục diễn ra, nó sẽ gây tổn hại cho quốc gia, nền quân chủ được yêu quý, hòa bình và ổn định của người dân”, ông Prayuth nói.
Phong trào biểu tình diễn ra nhiều tháng nay ở Thái Lan kêu gọi cần có xã hội công bằng và dân chủ hơn, đòi hoàng gia có trách nhiệm giải trình lớn hơn và chấm dứt đảo chính quân sự. Họ đòi Thủ tướng Prayuth, người lên nắm quyền sau cuộc đảo chính năm 2014, từ chức, và viết lại bản hiến pháp đang giúp ông Prayuth duy trì quyền lực sau bầu cử.
Tháng trước, Nhà vua Maha Vajiralongkorn chỉ định một cấp dưới thân cận, cựu tư lệnh lục quân Apirat Kongsompong, làm Phó Cục trưởng Cục quản lý tài sản hoàng gia.
Tuần trước, quốc hội Thái Lan bỏ phiếu thông qua lộ trình thành lập một ủy ban viết lại hiến pháp, nhưng bác bỏ bất kỳ sửa đổi nào đối với phần liên quan đến chế độ quân chủ.