GS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, thực tế thời gian qua, do các bệnh viện chưa công nhận kết quả xét nghiệm của nhau dẫn đến tình trạng bệnh nhân cứ đến viện là phải làm xét nghiệm, chuyển viện lại phải làm xét nghiệm từ đầu. Thậm chí nhiều bệnh nhân vừa làm xét nghiệm ở bệnh viện tỉnh nhưng hôm sau chuyển lên tuyến Trung ương vẫn bị chỉ định đi làm lại xét nghiệm đó.
Điều này không chỉ gây lãng phí, tốn kém về tiền bạc mà còn gây ra phiền hà, bức xúc, làm mất rất nhiều thời gian cho một lần đi khám chữa bệnh. Đấy là chưa kể một số nơi có tình trạng lạm dụng xét nghiệm, chỉ định xét nghiệm bừa bãi để trục lợi người bệnh, trục lợi quỹ BHYT.
Điều này không chỉ gây lãng phí, tốn kém về tiền bạc mà còn gây ra phiền hà, bức xúc, làm mất rất nhiều thời gian cho một lần đi khám chữa bệnh. Đấy là chưa kể một số nơi có tình trạng lạm dụng xét nghiệm, chỉ định xét nghiệm bừa bãi để trục lợi người bệnh, trục lợi quỹ Bảo hiểm Y tế.
Cũng vì thế, việc liên thông xét nghiệm giữa các bệnh viện tới đây không chỉ được Bộ Y tế, các bệnh viện, cơ quan Bảo hiểm Xã hội mà đặc biệt là người dân hết sức quan tâm, kỳ vọng. PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế cho biết, hiện bình quân mỗi năm tại các bệnh viện nước ta thực hiện khoảng 475 triệu lượt xét nghiệm, tốc độ gia tăng hàng năm khoảng 10%. Như vậy, chỉ cần giảm được 1% số xét nghiệm thì mỗi năm đã giảm được khoảng 4,75 triệu lượt xét nghiệm không cần làm lại. Nếu tính trung bình mỗi xét nghiệm có giá 50.000 đồng thì đã tiết kiệm được khoảng 237,5 tỷ đồng.
Dù lợi ích từ việc liên thông kết quả xét nghiệm giữa các bệnh viện là rất rõ ràng song người bệnh cũng chưa thể vội mừng bởi theo lộ trình mà Bộ Y tế đề ra, trước mắt số lượng và các trường hợp kết quả xét nghiệm được liên thông còn rất hạn chế. Một mặt, do chất lượng xét nghiệm giữa các cơ sở y tế và giữa các tuyến chưa đồng đều nên để đảm bảo độ chính xác, tới đây các bệnh viện chỉ sử dụng, công nhận kết quả xét nghiệm của bệnh viện khác có phòng xét nghiệm đạt mức chất lượng tương đương hoặc cao hơn.
Điều đó có nghĩa các bệnh viện tuyến Trung ương đa phần chỉ công nhận kết quả xét nghiệm mà người bệnh đã thực hiện ở các bệnh viện cùng tuyến Trung ương hoặc hạng đặc biệt, còn kết quả xét nghiệm được thực hiện tại tuyến huyện, tuyến tỉnh thì khi chuyển lên cơ bản vẫn phải làm lại. Trong khi trên thực tế, đa phần bệnh nhân chuyển viện là từ tuyến dưới lên tuyến trên chứ tỷ lệ chuyển ngang giữa các bệnh viện cùng tuyến không nhiều.
Mặt khác, trước mắt Bộ Y tế sẽ thí điểm mỗi chuyên ngành chỉ có khoảng 2-3 xét nghiệm được liên thông, sau đó từng bước mở rộng, xây dựng danh mục các xét nghiệm có thể liên thông. Hơn nữa, theo nguyên tắc, việc liên thông kết quả xét nghiệm chỉ áp dụng cho một số xét nghiệm có thể liên thông được, khi kết quả xét nghiệm đó có giá trị trong một thời gian nhất định chứ không phải tất cả các xét nghiệm đều được công nhận.
Cuối cùng, trong quá trình thực hiện liên thông kết quả xét nghiệm, quyền chỉ định xét nghiệm cuối cùng thuộc về bác sĩ, tức kết quả xét nghiệm nào có thể công nhận ngay, xét nghiệm nào phải làm lại do bác sĩ trực tiếp quyết định. Đây là nguyên tắc rất cần thiết để đảm bảo độ tin cậy của xét nghiệm cũng như hiệu quả trong điều trị, tuy vậy cũng nảy sinh băn khoăn nếu không có cơ chế giám sát chặt chẽ, tình trạng lạm dụng chỉ định xét nghiệm vẫn khó giảm.
Theo Bộ Y tế, liên thông xét nghiệm thực chất là việc cơ sở khám chữa bệnh này công nhận và có thể sử dụng kết quả xét nghiệm của cơ sở khám chữa bệnh khác trong một số trường hợp xét nghiệm đó có giá trị sử dụng và trên cơ sở tình trạng người bệnh.
Bước đầu từ ngày 1-7 tới đây, 38 phòng xét nghiệm bệnh viện tuyến Trung ương sẽ liên thông kết quả xét nghiệm; trước ngày 1-1-2018 sẽ liên thông kết quả xét nghiệm giữa các bệnh viện hạng I và tương đương; đến năm 2020 thực hiện liên thông với các bệnh viện trong cùng một địa bàn tỉnh, thành phố; và đến năm 2025 sẽ triển khai liên thông xét nghiệm ở tất cả các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc.