Phòng triển lãm viện Goethe Hà Nội, gà đậu khắp nơi. Mỗi con đính một cái mác ở chân. Một trong số đó ghi: “Ngày làm 10h 05/05 - Sự mạo hiểm của Rarden - Real Madrid sa thải HLV đội trẻ - Chữa khỏi nhanh bệnh đàn ông!!! - Calcio phục hưng - TÂM HOÀN CHÂU được sự chấp nhận của các tập đoàn - Dành cho người béo phì ĐT tư vấn: 0838822562”. Những gạch đầu dòng trên rút từ những mẩu báo tạo nên con gà đó.
Việc bày đàn gà giấy bồi 133 con gồm gà trống, gà mái và gà con- nhằm nói lên điều gì? Tác giả: “Thông điệp đang có sẵn đây, mọi người cứ hỏi thông điệp đằng sau làm gì. Thông điệp của nó là đẹp hoặc không đẹp. Tại sao tôi chọn con đường thị giác mà lại cứ phải thông qua văn học”.
Dù sao văn học cũng được áp dụng trong việc tiếp thị gà. Mỗi chú gà có hồ sơ trên trang dinhcongdat.com, gồm ảnh và văn bản. Chẳng hạn bên cạnh ảnh Gà con 66, tác giả viết: “Mấy con gà đầu tiên khi Đạt bắt đầu làm có sự vụng dại và xộc xệch nhưng trông rất duyên bởi nó có sự nức nở nâng niu. Nhớ con gà đầu tiên khi hoàn thành là con gà trống có tên là Tapi... gì đấy, tiếng Pháp là cái thảm. Lúc làm xong bưng khắp nhà ngạo nghễ như mấy cậu người H’Mông cắp gà đi chợ. Gặp ai trong nhà cũng hỏi đẹp không và bắt mọi người khen một cách trơ trẽn.
Mấy con gà đầu tiên Đạt làm từ đầu đến cuối (khoảng 20 con) chân cẳng thậm chí còn nẹp thêm lạt cho nó vững. Về sau kinh nghiệm hơn thì gà qué cũng bớt đi nhiều công đoạn, nhưng vẫn duyên và đặc biệt cân đối và căng khối. Nó đầy đặn, mạnh mẽ nhưng đôi khi mất duyên kiểu ngô ngố. Mỗi người sẽ thích một kiểu khác hẳn nhau, với cá nhân Đạt vẫn thích cái gì đấy mạnh mẽ, đầy đủ và tinh tươm”.
Đạt chưa định giá cho gà nhưng đã khối người đặt hàng! Đó là những khách quen mà anh gọi là fan. Anh cho hay, họ chỉ chờ anh hở ra cái gì mới để mua. Có khách xác định mỗi năm phải mua của Đạt một cái gì đó, dù có phải đáp máy bay từ Mỹ về, tiền vé đắt hơn tiền tượng.
Đầu năm ngoái, Đạt làm triển lãm đồ chơi bằng gỗ. Trẻ con đến, cho chơi thoải mái, gãy thì thôi. Người ta kêu: “Tao là fan của mày nhưng mà đắt quá Đạt ạ!” Đạt: “Mày không mua đồ của tao mà mua đời sống của nó, mua cả một câu chuyện đằng sau nó. Nó được bán giống như là cái bàn cái ghế thì câu chuyện của tao chết, tao thất bại à?!”.
Vậy là người hâm mộ yên chí cắp nách đem về con trâu 2.000 đô, được chế biến có thể từ một mẩu gỗ mục nào đó.
Vật liệu đầu vào cho loạt đồ chơi cho người lớn đó, Đạt nhập với giá mấy trăm nghìn/tạ. Đinh Công Đạt: “Vật liệu rẻ, kỹ thuật đơn giản- làm nghệ thuật chứ có phải thi Olympic xem ai ra mồ hôi nhiều nhất! Phải tính cách nào nhàn nhất chứ. Không cần thiết chứng tỏ mình là nghệ sĩ khỏe, hay đau khổ nhất Việt Nam. Tôi là nghệ sĩ nhàn nhất Việt Nam- nghe thích hơn”.
Bồi giấy là một nghệ thuật thủ công truyền thống lâu đời, mà nhiều khán giả đến triển lãm của Đạt phát hiện ra họ cũng có thể làm được. Theo Đạt: “Không phải mọi người đến xem gà. Gà giấy không thể đẹp bằng gà thật. Mà họ đến đây để khám phá cái có thể họ đã đánh mất. Nhiều người dẫn con cháu đến, và có lẽ rất lâu rồi gia đình họ mới có dịp chơi với nhau”.
Sang năm Đạt sẽ làm cá bằng pha lê và mica. Trên trần phòng triển lãm sẽ đặt 500 bóng đèn, dưới nền 500 bóng nữa- sáng đến độ khán giả phải đeo kính râm, đồng thời mặc áo rét vì nhiệt độ phòng sẽ là -5oC. Không phải vì anh lo cá ươn mà muốn khán giả chuẩn bị một tâm thế khác hẳn khi bước vào không gian nghệ thuật.