Người bán ba ba quý có thể bị phạt tiền

Người bán ba ba quý có thể bị phạt tiền
TP - Người đàn ông bán con ba ba Nam Bộ nằm trong danh mục động vật quý hiếm với giá 180 triệu đồng hôm 16-10 ở Hà Nội có thể bị phạt tiền, đại diện Văn phòng Luật sự Việt Triều cho biết.

Ba ba khổng lồ được bán trao tay tại chỗ 180 triệu
> Ba ba khổng lồ là loài cua đinh

Người nhà nước không cản - Bán!

Việc bán con ba ba nặng hơn hai yến của một cư dân ven bờ sông Hồng xảy ra sau khi người bắt nó không cưỡng được số tiền lớn mà một người Trung Quốc mời chào và, nhất là, không thấy bóng dáng người nhà nước nào đến ngăn cản. Đúng ra, có một tổ chức phi chính phủ hoạt động trên lĩnh vực bảo vệ động vật hoang dã có đến. Họ tiếp cận ngay khi nghe tin ngư dân Nguyễn Bá Toàn tình cờ bắt được một con ba ba Nam Bộ nặng 22 kg ở chân cầu Chương Dương (Hà Nội) hôm thứ tư tuần trước, 12-10.

Chị Nguyễn Phương Dung, Giám đốc Chương trình, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) – cho hay, con rùa mai mềm dài 105 cm rộng 60 cm đó thuộc loài ba ba Nam Bộ. Nó, tên khoa học là Amyda cartilaginea, được bảo vệ bởi một loạt văn bản quốc tế và quốc gia.

Thấy đây là loài quý hiếm, ENV đã gọi cho cơ quan chức năng để tìm cách giải cứu khẩn cấp cá thể rùa nói trên. Nơi đầu tiên liên lạc là Phòng Quản lý Nguồn lợi & Môi trường Thủy sản thuộc Cục Khai thác & Bảo vệ Nguồn lợi Thủy sản TP Hà Nội. Nghe thông báo vụ việc và đề nghị có biện pháp xử lý, đầu dây bên kia trả lời trách nhiệm thuộc Chi cục Kiểm lâm Hà Nội. Đầu dây Chi cục Kiểm lâm Hà Nội cũng trả lời tương tự, vì là loài thủy sinh, bên thủy sản sẽ phải giải quyết. “Khi tôi gọi điện, họ trả lời rồi dập máy rất nhanh”, anh Nguyễn Văn Quân, Trưởng phòng Bảo vệ ĐVHD của ENV, kể.

Kêu gọi cơ quan chức năng Hà Nội vào cuộc không thành công, nhân viên bảo tồn ENV cùng hai cán bộ công an phường Bồ Đề (Quận Long Biên) xuống vận động gia đình ông Toàn trả con ba ba về với tự nhiên. Ông Toàn yêu cầu ENV phải trả tiền vì ông đã “bắt được động vật quý hiếm”. Một bộ phận người hiếu kỳ có mặt ở đó cũng có cùng thái độ phản đối quyết liệt, thậm chí uy hiếp các nhân viên bảo tồn.

ENV lúng túng chưa biết phải nhờ cậy đến ai nữa thì, đến thứ sáu 16-10, vẫn là ngày các cơ quan nhà nước làm việc, ông Toàn, người tự nhận chủ nhân của con ba ba, bán cho một thương nhân Trung Quốc sau mấy ngày nâng giá vùn vụt.

Ông Hoàng Thanh Vân, Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Hà Nội, nói ông không hề biết gì về vụ việc, cũng không được ai báo. Tuy nhiên, ông Vân xác nhận, những loài nằm trong danh mục bảo vệ phải được đưa về Trung tâm Cứu hộ Động vật Hoang dã Sóc Sơn, rồi báo cáo Thành phố để xử lý. Trả lời Tiền Phong, ông Ngô Bá Oanh, Giám đốc Trung tâm Cứu hộ Động vật Hoang dã Sóc Sơn của Hà Nội, cho hay ông không nhận được bất cứ đề nghị nào tiếp nhận con ba ba Nam Bộ trong tuần qua.

Ông Toàn có thể bị phạt tiền

Ba ba Nam Bộ nằm trong Sách Đỏ của Liên minh Bảo tồn Quốc tế (IUCN) năm 2007 với mức cảnh báo VU – sẽ nguy cấp trong tương lai. Nó còn có mặt trong Phụ lục II của Công ước Quốc tế Buôn bán các Động-Thực vật Nguy cấp (CITES) năm 2009. Rùa Núi Vàng và Rùa Trung Bộ, những loài đặc hữu chỉ tìm thấy ở Việt Nam và giá hàng triệu đồng một cân mà không có bán, cũng nằm trong Phụ lục II của CITES. Đây là nhóm động vật mà việc buôn bán chúng cần được kiểm soát để tránh nguy cơ tuyệt chủng.

Ban hành kèm Phụ lục II của Công ước CITES, có một văn bản pháp luật của Chính phủ Việt Nam quy định rất rõ trách nhiệm của cơ quan công quyền. Quyết định 74/2008/QĐ-BNN ngày 20-6-2008 nêu đích danh Cục trưởng Cục Kiểm lâm có trách nhiệm thi hành quyết định, tức là phải thụ lý những vụ ba ba Nam Bộ.

Mục b, Khoản 9, Điều 3 của Nghị định 99/2009/NĐ-CP về Xử phạt Vi phạm Hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản có quy định “hành vi vi phạm hành chính đối với các loài trong Phụ lục II (Công ước CITES)” thì bị xử lý “như đối với thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA, IIB” của Nghị định 32/2006/NĐ-CP.

Còn Khoản b, Điểm 9, Điều 19, của Nghị định 99/2009/NĐ-CP quy định, người có hành vi săn, bắn, bẫy, bắt; nuôi, nhốt; giết trái quy định của pháp luật động vật rừng hoặc bộ phận của chúng thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm nhóm IIB có giá trị từ 160.000.000 đồng thì bị phạt từ 400.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng.

Với những quy định rõ ràng như vậy, theo Luật sư Nguyễn Việt Triều – Trường Văn phòng Luật sư Việt Triều, Hà Nội, ông Toàn hoàn toàn có thể bị phạt tiền.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG