22/3 là ngày cuối tuần đầu tiên mà cung đường Tà Năng – Phan Dũng vắng lặng khác thường, hầu như chỉ có bóng dáng các cảnh sát rừng thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Tà Năng.
Lực lượng này vừa tăng cường kiểm tra, quản lý bảo vệ và phòng chống cháy rừng vừa kiểm soát chặt chẽ khu vực cửa rừng, không để phượt thủ đi bộ băng rừng, tổ chức các hoạt động dã ngoại...
UBND huyện Đức Trọng cũng vừa chỉ đạo UBND các xã Tà Năng và Đa Quyn tăng cường quản lý hoạt động lưu trú tại địa phương, đặc biệt với công dân ngoại quốc và người từ vùng dịch đến tham gia trekking, dã ngoại.
Chính quyền các địa phương này phải phối hợp với Ban quản lý rừng phòng hộ Tà Năng kiểm soát chặt chẽ, không để diễn ra hoạt động tập trung đông người trên tuyến Tà Năng – Phan Dũng cho đến khi dịch Covid-19 bị đẩy lùi.
Tà Năng – Phan Dũng dài 50 km từ đại ngàn Tây Nguyên xuôi về miền biển Bình Thuận được mệnh danh là tuyến trekking đẹp nhất nước, thường thu hút khá đông du khách tham gia khám phá, trải nghiệm, nhất là vào những ngày cuối tuần, lễ, tết.
Hệ sinh thái ở vùng đất chuyển tiếp từ cao nguyên xuống miền biển độc đáo, đa dạng, trải qua nhiều loại địa hình như rừng rậm, rừng thưa, rừng thông, đồi cỏ…
Từ những dãy núi cao 1.700m “trượt” xuống vùng duyên hải miền Trung ở độ cao chỉ còn 500m so với mực nước biển nên địa hình rất hiểm trở với những dãy đồi cao tiếp nối.
Cũng nhờ địa hình này mà phượt thủ được ngắm thác Yavly (còn gọi là thác mây) hùng vĩ tung bọt trắng xóa như mây phủ kín một góc rừng, nổi bật giữa vách đá rêu phong và màu xanh của đại ngàn với nhiều cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi.
Cán bộ Sở VH-TT&DL Lâm Đồng cho hay, tuyến trekking này khá nguy hiểm: du khách dễ bị đi lạc trong rừng nếu không chú ý bám đoàn; có nguy cơ gặp tai nạn ở những đoạn đường hiểm trở nếu không tuân thủ nghiêm ngặt các chỉ dẫn. Đã có nhiều phượt thủ thương vong trên cung đường này. Khi xảy ra tai nạn, công tác cứu hộ cũng gặp nhiều khó khăn.