Một người “thấp bé nhẹ cân” thi lấy giấy phép lái xe A1 ở TP.HCM - Ảnh: Ngọc Hải. |
Liên quan đến thông tin ông Trần Quý Tường, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế, nói ngày 26.8 cơ quan này mới gửi văn bản đề nghị các bộ, ngành giới thiệu người tham gia ban soạn thảo cho dự thảo thông tư liên tịch “Quy định tiêu chuẩn sức khỏe người lái xe, khám sức khỏe định kỳ đối với người lái xe ô tô và quy định về cơ sở y tế khám sức khỏe của người lái xe”, trả lời PV Thanh Niên hôm qua 25.8, ông Phạm Thành Lâm, Phó cục trưởng Cục Y tế GTVT (Bộ GTVT), khẳng định: “Bộ Y tế nói chưa thành lập ban soạn thảo là chưa đúng. Quyết định thành lập ban soạn thảo do Bộ trưởng Y tế ký đã ban hành đầu tháng 8.2013, trong đó tôi là một thành viên đại diện cho Bộ GTVT”.
Cũng theo ông Lâm, quyết định của Bộ Y tế thành lập hai bộ phận: tổ biên tập và ban soạn thảo. Ban soạn thảo gồm Bộ Y tế, Bộ GTVT, Bộ Công an, Tổng cục Đường bộ, các viện, cơ quan ban ngành tham gia góp ý cho dự thảo thông tư. Tổ biên tập có sự tham gia của các bộ liên quan, trong đó có Bộ Y tế, Bộ GTVT (thạc sĩ Phạm Đức Thụ - Cục Y tế GTVT, Bộ GTVT là thành viên). Tổ biên tập làm xong các quy trình, thống nhất các nội dung mới đưa ra ban soạn thảo. Sau đó, sẽ có cuộc họp do một thứ trưởng Bộ Y tế chủ trì, có kết luận ý kiến của ban soạn thảo thì tổ biên tập sẽ tiếp tục chỉnh sửa. Dự kiến, đến năm 2014 phải hoàn chỉnh dự thảo để trình hai bộ trưởng Y tế và GTVT.
“Tổ biên tập đã họp chính thức một lần và dự thảo thông tư ngày 7.8 được đưa ra sau cuộc họp này, nhưng chưa trình lên ban soạn thảo”, ông Lâm khẳng định và cho biết theo quy trình, sau khi có dự thảo chính thức mới đưa ra lấy ý kiến người dân.
Sẽ điều chỉnh tiêu chí
Trả lời câu hỏi tại sao nhiều quy định bất hợp lý như “ngực lép” không được lái xe (của Quyết định 33 do Bộ Y tế ban hành năm 2008), từng bị dư luận phản ứng dữ dội lại được sử dụng lại trong dự thảo ngày 7.8, ông Phạm Thành Lâm khẳng định: “Dự thảo này không phải dùng lại của năm 2008. Trong Quyết định 33 năm 2008 của Bộ Y tế có những điều khoản đúng, có những điểm chưa hợp lý, chính vì thế mới phải thành lập ban soạn thảo để chỉnh sửa lại”.
Về tiêu chí “ngực lép”, ngực nở hay lực kéo tay thuận, tay không thuận..., theo ông Lâm tiêu chí này được xây dựng cụ thể hóa cho từng loại phương tiện khác nhau. Nguyên tắc trong quá trình khám sức khỏe nói chung bao giờ cũng có kiểm tra đo lồng ngực (tiêu chí cứng), nhưng đưa vào chỉ số bao nhiêu phải bàn thảo tiếp. “Thông tư này chưa chính thức, đang trong giai đoạn biên tập và trưng cầu ý kiến các chuyên gia để có tiêu chí chuẩn mực nhất, có các điều kiện sức khỏe phù hợp với thể trạng của người VN”, ông Lâm khẳng định và cho biết, trong một số cuộc họp tới đây của ban soạn thảo sẽ mời báo chí tham dự góp ý kiến.
> Lại đề xuất 'ngực lép' không được lái xe
Dự thảo mới ở cấp Cục Liên quan đến việc đùn đẩy trách nhiệm xây dựng nội dung dự thảo quy định “ngực lép” không được lái xe, ngày 25.8, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên cho biết việc soạn thảo Thông tư liên tịch quy định tiêu chuẩn sức khỏe người lái xe hiện đang ở cấp cục giữa hai bộ Y tế và GTVT, lãnh đạo Bộ Y tế chưa nhận được báo cáo cụ thể, nhưng dự kiến sẽ sớm có buổi làm việc với đơn vị đầu mối soạn thảo thông tư là Cục Quản lý khám chữa bệnh về việc này. “Tinh thần chung là các quy định sẽ phải đơn giản hóa”, bà Xuyên nói. |