Ngư phủ… hư

Ngư phủ… hư
TP - Gần đây nhiều chủ ghe đánh cá than phiền về tình trạng ngư phủ quậy, trốn không chịu ra khơi, có hành vi lừa đảo. Nghề cá càng khó khăn thì dường như hiện tượng này càng có nguy cơ lan rộng.

> Ngư dân khó từ bờ ra biển

Khó khăn sinh… lừa đảo

Anh Vũ Khường, ngụ tại xã Mỹ Lâm (Hòn Đất, Kiên Giang) quản lí ba cặp tàu đôi chuyên đánh bắt xa bờ nói: “Mấy năm nay xuất hiện loại “ngư phủ dịch vụ” có biểu hiện lừa đảo. Họ tìm đến các chủ ghe giới thiệu lao động đi biển, thường một nhóm khoảng 4-5 người. Sau khi làm quen, giới thiệu địa chỉ họ đặt vấn đề ứng tiền trước từ 2-3 triệu đồng mỗi người.

Tàu xuất bến họ cũng mang túi xách, ba lô lên tàu như mọi người nhưng sau đó tìm mọi cách trốn thoát. Có trường hợp vừa ra đến trạm biên phòng, lợi dụng thuyền trưởng đang trình giấy tờ thủ tục là họ tẩu thoát.

Nếu không thực hiện được thời điểm đó, họ tiếp tục theo tàu đi sau đó nhảy xuống biển, bơi vào các đảo gần bờ hoặc nhảy qua tàu khác”.

Phó chủ tịch Hội nghề cá – ông Trần Hon thừa nhận tình trạng trên, cho biết: “Gia đình tôi có 11 tàu đánh bắt xa bờ, mỗi tàu sử dụng 15-20 lao động, cũng là nạn nhân của “ngư phủ dịch vụ”, lai rai đầu năm tới giờ mất mấy trăm triệu đồng.

Mỗi đứa xin ứng vài triệu rồi trốn, bắt được nó giao cho công an thì cũng không xử được. Nó quanh co nói đủ lí do, hứa đi làm có tiền sẽ trả lại, rồi cũng phải thả ra thôi.

Có khi nó lừa tàu này xong rồi lại qua lừa tàu khác. Nguy hiểm nhất là ra giữa biển khơi rồi trở chứng cãi nhau với tài công, lấy bao ni-lông làm phao nhảy xuống biển.

Hồi đầu năm có bốn ngư phủ nhảy xuống biển trốn vào bờ thì có hai trường hợp mất tích. Họ liều thiệt mạng oan uổng, còn về phía mình thì gia đình nạn nhân lại đến gây rắc rối, phiền phức cho chủ tàu. Mà các trường hợp say rượu, đánh nhau, trốn tàu dẫn đến tử vong trên biển sẽ không được thanh toán bảo hiểm tai nạn”.

Ông Nguyễn Văn Mến (Tám Mến) – một chủ tàu ở phường Vĩnh Quang (TP.Rạch Giá) cho biết từ đầu năm đến nay cũng bị “dính” trên 100 triệu đồng do bị ngư phủ lừa.

“Ứng tiền buổi tối, sáng tàu chuẩn bị nhổ neo tìm hoài không thấy đứa nào. Chạy đến nhà thì ba mẹ nó bảo đi biển theo tàu khác rồi”, ông Mến nói.

Có khi ứng tiền xong rồi cả nhóm ngư phủ rủ nhau đi quán nhậu. Khi tàu chuẩn bị ra khơi chủ tàu đôn đáo đi tìm. Để đưa được mấy “ông” ngư phủ lên tàu thì chủ tàu phải xuống nước thanh toán tiền nhậu, có chầu lên tới 4-5 triệu đồng.

Nhưng cũng có trường hợp chủ tàu vừa trả xong tiền nhậu quay qua ngư phủ đã trốn chạy mất tiêu. Chủ tàu về nhà lục mấy túi xách của ngư phủ ra thì thấy toàn giấy báo và quần áo rách nhét căng phồng.

Có những chủ tàu bị lừa nhưng ngại không dám khai báo với cơ quan công an. Mới đây chủ tàu L.T mất một lúc 29 triệu đồng. Tài công và 12 ngư phủ sau khi ứng tiền lên tàu chạy một mạch từ Rạch Giá tới Sông Đốc (Cà Mau) rồi neo tàu, trốn sạch.

Tình trạng lừa đảo, ngư phủ trở chứng chỉ mới xảy ra vài năm gần đây. Nguyên nhân chính, theo các chủ tàu là do nghề cá ngày càng khó khăn khi ngư trường ngày càng cạn kiệt, giá xăng dầu tăng mạnh, các khoản chi phí cao… đã làm cho lợi nhuận thấp.

Trước đây mỗi tháng đi biển thu nhập 7-8 triệu đồng mỗi người, nay có khi chỉ được vài ba triệu, thậm chí có chuyến trắng tay. “Càng làm ăn không hiệu quả thì ngư phủ càng… trở chứng, sinh lắm tật như ăn nhậu, bài bạc, đánh nhau trên biển; rồi chạy sang tàu nọ tàu kia.

Khi túng thiếu nảy sinh lừa đảo, làm liều. Số ngư phủ lừa đảo chỉ là một bộ phận nhỏ nhưng nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời nó sẽ thành “dịch bệnh” lây lan nguy hiểm ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động đánh bắt” - một chủ tàu cá tâm sự.

Lao động vô thừa nhận

Kỷ vật duy nhất sau 30 năm đi biển của ông Võ Văn Đực là một khúc… xương cá
Kỷ vật duy nhất sau 30 năm đi biển của ông Võ Văn Đực là một khúc… xương cá.
 

Qua tìm hiểu, các chủ tàu cá cho biết quan hệ lao động làm thuê giữa ngư phủ và chủ tàu xưa nay chỉ thỏa thuận miệng với nhau, lấy chữ tín làm trọng mà không có sự ràng buộc pháp lí nào, cũng không có hợp đồng lao động.

Anh đến tuổi trưởng thành không có việc làm, có người giới thiệu và cứ vậy bước lên tàu. Ban đầu thử việc chủ tàu nuôi cơm, sau đó được tính điểm ăn chia.

Thông thường là 50/50, nghĩa là mỗi chuyến tàu cá bán ra, sau khi trừ chi phí sẽ được chia đôi, chủ tàu 50, còn lại 50 chia cho tất cả những người trực tiếp đánh bắt trên biển. Khi tàu rời cảng thì quan hệ chủ tàu với ngư phủ không còn nữa, toàn quyền thuộc về tài công (thuyền trưởng).

Trên tàu cá tài công quyền lực cao nhất, sau đó đến tài cải (máy trưởng), rồi đến kỹ thuật, anh nuôi và cuối cùng là ngư phủ.

Chức vụ là vậy nhưng khi chia sản phẩm thì căn cứ vào tổng số điểm do tài công chấm qua lao động thực tế hàng ngày trên biển. Anh nuôi cũng bị trừ điểm khi nấu cơm sống, cơm nhão hay làm thức ăn không ngon.

“Cái nghề ngư phủ nó cực nhọc lắm, nguy hiểm lắm và cũng bạc bẽo vô cùng. Lênh đênh trên biển hàng tháng trời vừa vào đất liền được vài hôm với vợ con lại lên tàu ra khơi. Làm ngư phủ suốt đời vẫn tay trắng. Càng ngày đánh bắt càng khó khăn. Tôi đi biển từ đầu năm tới giờ chia được 20 triệu, trừ chi phí còn cầm về nhà được 3 triệu bạc” - ngư phủ Võ Văn Đực (Năm Đực) kể.

Ông Đực đi biển từ lúc 20 tuổi, nay đã 30 năm làm nghề ngư phủ nhưng vẫn sống trong một căn nhà chật hẹp trên đường Mạc Cửu, TP Rạch Giá. Đứa con trai đầu lòng bị ảnh hưởng chất độc da cam, nay 27 tuổi vẫn ngồi một chỗ. Đứa con gái 25 tuổi ở nhà vá lưới, chồng cũng là ngư phủ ở chung cùng nhà. Đứa con trai út đi làm thợ mộc tận Bình Dương.

Vợ ông bị ung thư qua đời mười mấy năm nay. Ở tuổi 50, ông Đực sắp phải giã từ biển cả do tuổi cao, sức yếu. Ông chưa biết sẽ sống bằng nghề gì khi trở về đất liền với hai bàn tay trắng.

Như hàng chục vạn ngư phủ khác, ông Đực chẳng có một chế độ gì sau khi đã gởi trọn sức trai trẻ của đời mình cho biển cả. Kỷ vật duy nhất trong đời đi biển mà ông Đực đưa cho tôi xem là một khúc xương cá lớn, chẳng biết cá gì, đường kính trên 20cm, vớt được ở vùng biển gần giáp với biển Malaysia. Ông nói có người trả 700 ngàn đồng nhưng không bán.

Việt Nam hiện có khoảng 1,3 triệu lao động khai thác hải sản với hơn 130 ngàn tàu cá các loại. Lực lượng lao động này là khâu trọng yếu làm nên hàng tỷ USD kim ngạch xuất khẩu hàng năm. Thế nhưng những công dân trên biển này xưa nay ít được quan tâm.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG