Ngư lôi Trung Quốc: May mắn và sao chép

Ngư lôi Yu-6 có đường kính 533mm, có thể tấn công cả tàu ngầm và tàu nổi. Ảnh: Sinodefense
Ngư lôi Yu-6 có đường kính 533mm, có thể tấn công cả tàu ngầm và tàu nổi. Ảnh: Sinodefense
TPO - Việc một ngư dân Trung Quốc năm 1978 nhặt được ngư lôi Mỹ Mk 46 Mod 1 ở Biển Đông là bước ngoặt trong lịch sử thiết kế ngư lôi Trung Quốc.

Hiện nay, hệ thống ngư lôi phóng từ tàu ngầm của Trung Quốc là sự pha trộn của công nghệ Liên Xô, Mỹ và công nghệ thương mại có sẵn (COTS), theo tạp chí Mỹ National Interest.

Kỹ năng “dịch ngược”

Từ Yu-4, phiên bản Trung Quốc phát triển từ thiết kế chưa hoàn thiện của Liên Xô đến Yu-6 (sử dụng bộ vi xử lý Intel để điều khiển các thành phần dẫn hướng), hệ thống ngư lôi của Hải quân Trung Quốc (PLAN) cho thấy kỹ thuật “đảo ngược” đáng kể của họ.

Từ ngư lôi của nước ngoài, Trung Quốc dỡ tung ra, tìm hiểu thiết kế, lắp ráp, chế tạo theo quy trình ngược lại (từ thành phẩm đến linh kiện ban đầu). Rồi từ đó, Trung Quốc tự sản xuất ngư lôi theo mẫu nước ngoài và có thể có cải tiến.

Nhưng Trung Quốc có thực sự cải tiến thiết kế mà họ dựa vào và tích hợp hiệu quả công nghệ COTS hay là chỉ đơn giản là làm theo thiết kế mà họ “dịch ngược” được?

Ngư lôi Trung Quốc: May mắn và sao chép ảnh 1 Tàu chiến Mỹ diễn tập bắn ngư lôi Mk 46. Ảnh: US Navy.

Ngư lôi đầu tiên mà PLAN trang bị cho tàu ngầm chống tàu ngầm (ASW) Yu-3. Là nột phần của chương trình phát triển đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, PLAN cần có ngư lôi ASW. Việc thiết kế bắt đầu vào năm 1964, thử nghiệm trên biển bắt đầu vào năm 1972 và sản xuất hàng loạt từ năm 1984.

Hầu hết công nghệ và thiết kế là nội địa. Loại ngư lôi Trung Quốc này không có điểm gì nổi bật, tốc độ 35 hải lý/giờ và chỉ sử dụng dẫn hướng bị động. Đặc điểm nổi trội duy nhất là ngư lôi có thể quay vòng lại để tiếp tục đeo bám mục tiêu nếu bắt hụt lần đầu. Sau đó, ngư lôi được cải tiến vào năm 1991 và sử dụng cả dẫn hướng bị động và chủ động. Tóm lại, ngư lôi Trung Quốc lúc đó thua xa ngư lôi phương Tây và Liên Xô những năm 80.

Yu-4 có thể được coi là ngư lôi phóng từ tàu ngầm chống tàu  (ASuW) hiện đại đầu tiên của Trung Quốc. Câu chuyện bắt đầu vào năm 1958 khi Liên Xô ký thoả thuận với Trung Quốc về chuyển giao công nghệ có thể sử dụng để chế tạo ngư lôi điện. Liên Xô chuyển giao thiết kế và bí quyết chế tạo ngư lôi điện SAET-50 cho Trung Quốc. Tuy nhiên, việc chuyển giao này không được hoàn tất vì chiến tranh Xô-Trung xảy ra.

Vì thế, các kỹ sư Trung Quốc tìm cách chế tạo ngư lôi điện từ công nghệ chưa hoàn thiện, nhưng họ gặp phải nhiều vấn đề, gồm không ít vụ nổ trong quá trình kiểm tra, thử nghiệm. Vì vậy, dự án bị dừng tới năm 1966 rồi được tái khởi động.

Năm mẫu Yu-4 gốc được giới thiệu với PLAN vào năm 1971 nhưng không được phiên chế vì quá ồn và độ hợp nhất chưa cao. Cuối cùng, năm 1984, phiên bản Yu-4A và Yu-4B được phiên chế. Yu-4B có tốc độ khoảng 40 hải ký/giờ, tầm hoạt động 15 km và đầu đạn 220 kg.

Yu-4B “xịn” hơn SAET-50 và SAET-50M, nhưng chưa bằng SAET-60M - loại ngư lôi Liên Xô hoàn tất từ năm 1969. So với ngư lôi Mỹ hồi thập niên 80, Mk 48 (tốc độ 55 hải lý/giờ), ngư lôi Trung Quốc là “rùa bò”. Nhưng Yu-4B lại vượt mặt Mk 37 - ngư lôi điện cuối cùng của Hải quân Mỹ.

Vì Yu-4 tương đối lạc hậu nên loại ngư lôi này chủ yếu “ngồi ghế dự bị” trong Hải quân Trung Quốc. Có tin cho rằng, Yu-4B được biến thành thuỷ lôi loại CAPTOR.

Ngư dân nhặt được ngư lôi Mỹ

Việc một ngư dân Trung Quốc năm 1978 nhặt được ngư lôi Mỹ Mk 46 Mod 1 ở Biển Đông là bước ngoặt trong lịch sử thiết kế ngư lôi Trung Quốc. Trong khi Mk46 bị copy trực tiếp thành Yu-7 (phóng từ máy bay), công nghệ của ngư lôi Mỹ cũng được dùng trong các thiết kế ngư lôi phóng từ tàu ngầm.

Đáng chú ý, các kỹ sư Trung Quốc đã nhanh chóng ứng dụng công nghệ Otto Fuel II của Mk46 để các đơn vị đẩy ngư lôi nhỏ gọn hơn nhưng mạnh hơn.

Yu-5 là ngư lôi Trung Quốc đầu tiên tích hợp công nghệ Fuel II technology. Đây cũng là ngư lôi Trung Quốc đầu tiên dùng công nghệ dẫn hướng dây dẫn, cho phép điều khiển ngư lôi tới điểm gần mục tiêu một cách chính xác hơn.

Hệ thống tìm kiếm mục tiêu của Yu-5 cũng được cải thiện, tích hợp công nghệ điện tử của Mỹ và Nhật Bản.

Ngư lôi Trung Quốc: May mắn và sao chép ảnh 2 Tàu ngầm vừa phóng ngư lôi Mk 48 Mod 6. Ảnh: Raytheon.

Đáng chú ý, Yu-5 cũng là ngư lôi ASW phóng từ tàu ngầm đầu tiên được trang bị cho tàu ngầm diesel-điện của PLAN.

Yu-5 được coi là ngư lôi cách mạng của đội tàu ngầm PLAN khi nó được phiên chế vào đầu thập niên 90. Sau đó, Yu-5 liên tục được hiện đại hoá. Ngư lôi này có tầm hoạt động 30 km, tốc độ tối đa 50 hải lý/giờ, nhanh gần bằng Mk 48 ADCAP những năm 90.

Yu-6 là ngư lôi phóng từ tàu ngầm mới nhất của Trung Quốc. Nó kết hợp cả hai tính năng ASW và AsUW, tương tự Mk 48 của Mỹ, đồng thời có tốc độ cao hơn, công nghệ tìm kiếm tốt hơn.

Ước tính, hơn 2/3 công nghệ dùng trong Yu-6 là công nghệ mới đối với Trung Quốc. Ngư lôi này sử dụng công nghệ Otto Fuel II giống Yu-5 và chip 80468 của Intel để dẫn hướng. Vỏ ngư lôi là vật liệu tổng hợp loại mới.

Trung Quốc hoàn tất phát triển Yu-6 vào năm 2005. Với tốc độ 65 km/giờ, nó nhanh hơn Mk 48 Mod 6 ADCAP. Tuy nhiên, phiên bản Mk 48 mới nhất mạnh hơn về sonar thấp và khả năng chống phản công.

MỚI - NÓNG