Ngủ gật giúp khỏe người!

Ngủ gật giúp khỏe người!
TPO - Tin vui: Ngủ gật buổi chiều tại văn phòng hoàn toàn tự nhiên và không ai coi là dấu hiệu lười biếng. Tin buồn: hiện chỉ được thực thi tại Mỹ.

Chất lượng lao động của chúng ta phần lớn phụ thuộc và thực tế: chúng ta có ngủ đẫy giấc. Từ lâu các nhà khoa học đã chứng minh, chỉ cần một đếm mất ngủ, năng suất lao động đã giảm 13%. Trên phạm vi toàn cầu – giới nghiên cứu cảnh báo – đồng nghĩa với tổn thất nhiều tỷ USD.

Nhằm hạn chế tổn thất, một số doanh nghiệp Mỹ đã khuyến khích nhân viên có thể làm giấc ngủ ngắn trong giờ làm việc. Các tập đoàn truyền thông Hearst, Newsweek và Time Warner đã mua vé tháng cho nhân viên tại Yelo Spa sang trọng ở Manhattan, nơi 20 chợp mắt giá 15 USD; nửa giờ ngủ trưa kèm matxa chân – 40 USD. Những “hộp” nhỏ xíu tràn ngập không khí ấm cúng và âm thanh dễ nghe (ru ngủ) đảm bảo không gian riêng tư cho con người mệt mỏi.

Ngủ gật giúp khỏe người! ảnh 1

Trái lại, ngoài không gian cho mẹ trẻ cho con bú và phòng tập thể hình, hãng Nike và Google còn bố trí cho đội ngũ nhân viên của mình những căn phòng yên tĩnh, nơi có thể cầu nguyện hoặc chợp mắt tối đa 30 phút.

Nhiều hãng hàng không dân dụng, trong đó có Continental và British Airways, cho phép phi công được phép ngủ trên những tuyến bay dài. Tất nhiên chỉ một phi công (đối tượng mệt mỏi nhất) được phép ngủ và phi công thứ hai làm thay trong thời gian đó.

MetroNaps, nhà sản xuất ghế đặc biệt có tên EnergyPod ở New York đã chớp nhoáng tận dụng mốt ngủ trong giờ. Đó là cấu trúc kết hợp giữa khoang ngủ trên tầu vũ trụ và ghế ngả lưng thoải mái. Vòm che di động plastic cách ly hoàn toàn “túi ngủ” khỏi môi trường ồn ào, còn chuông báo thức đủ nghe cùng động tác rung động nhẹ nhàng sẽ khởi động sau giấc ngủ 20 phút. Đến giữa năm 2010 MetroNaps đã có phòng cho thuê tại Mỹ, Đức, Vương quốc Anh và Australia. Trong số khách hàng của hãng có các tập đoàn Procter & Gamble, Cisco System…

Sự thật ngay tại Mỹ vẫn còn không ít doanh nghiệp vẫn chưa ban hành quy chế cho phép ngủ trong giờ làm việc, song lãnh đạo thường bỏ qua tình trạng nhân viên lỡ quen với nếp sinh hoạt như thế. Nhất là khi họ làm việc tại văn phòng nhiều hơn 16 tiếng/ngày. Vậy nên nhân viên mệt người có thể thoải mái ngủ trên bàn làm việc, trên sàn phòng họp hoặc trong xe hơi của mình đậu tại bãi gửi xe liền kề.

Ngủ trưa và bóng đèn Edison

Đa số người Mỹ mỗi ngày ngủ ít hơn 7 tiếng và gần 20% sau đó khổ sở vì lý do thiếu ngủ. Đó không chỉ là nỗi đau của Mỹ. Đã nhiều năm nghiên cứu ảnh hưởng của giấc ngủ đến hoạt động của con người, nhà khoa học Đức, GS Till Roenneberg (Trung tâm nghiên cứu Thời Sinh học, ở Munchen) cảnh báo, đã gần 100 năm đa số nhân loại, nhất là dân các thành phố lớn thường xuyên thiếu ngủ. Hậu quả thật nặng nề: con người mệt mỏi học tập sa sút, trí nhớ suy giảm và năng suất lao động thấp.

Tuy nhiên, để cảm thấy khỏe hơn, chỉ cần giấc chợp mắt hơn chục phút. Nhà phát minh thiên tài Thomas Edison đã không nhầm, khi khẳng định, ông đã tìm ra bóng điện nhờ giấc ngủ trưa. Bởi giấc ngủ ngắn tạo điều kiện để não bộ đưa ra những quyết định sáng suốt, cải thiện phong độ, hóa giải stress và cải thiện năng lực sáng tạo. Năm 2007 tại Hy Lạp đã kết thúc chương trình nghiên cứu về tác dụng của giấc ngủ trưa kéo dài sáu năm với sự tham gia của trên 23 ngàn người, tuổi từ 20 đến 86, cả hai giới. Kết quả đáng báo động: giấc chợp mắt giữa ngày giảm thiểu thậm chí một phần ba nguy cơ tử vong vì các bệnh tim, nhất là trong nam giới trẻ. Các chuyên gia thuộc Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) cung cấp thêm thông tin: sau giấc ngủ trưa năng lực tập trung tăng gấp đôi, thậm chí cả với đối tượng hoàn toàn khỏe mạnh.

Tuy nhiên không nên đánh giá quá cao tác dụng của giấc ngủ trưa trong mọi bối cảnh: dĩ nhiên nó có thể đẩy lùi cảm giác buồn ngủ, tuy nhiên không thể lấy lại đầy đủ năng suất trí tuệ sau một đêm mất ngủ. Thậm chí ngược lại – giấc ngủ trưa sau một đêm mất ngủ có thể dẫn đến hiệu ứng ngái ngủ, tức tình trạng choáng ngợp và mất phương hướng. Trạng thái này thường duy trì trong thời gian gần 30 phút sau tỉnh ngủ và là thời điểm không thích hợp để thuyết trình về kết quả tài chính của doanh nghiệp. – Não bộ con người không thể tăng tốc từ zero lên 100 km/giờ trong 7 phút – GS Charles Czeisler (Đại học Harvard), nhà khoa học đã nhiều năm nghiên cứu nhịp sinh học con người giải thích.

Vài năm trước, khi người ta cố gắng đo đạc hiệu ứng ngái ngủ, kết quả cho thấy: năng lực nhận biết khi ngái ngủ cũng ở mức độ thấp như sau tửu lượng đáng kể. Giai đoạn ngái ngủ tồi tệ nhất trôi qua sau mười phút, song hiệu ứng của nó có thể kéo dài đến hai tiếng.

Theo Tiến Đôn
Tri Thức Trẻ

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG