Ngư dân sẽ được vay tiền sắm tàu hiện đại

Năm 2012, ngư dân sẽ được vay tiền hiện đại hóa tàu cá Ảnh: P.A
Năm 2012, ngư dân sẽ được vay tiền hiện đại hóa tàu cá Ảnh: P.A
TP - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám, kiêm Tổng cục trưởng Thủy sản, cho biết, Bộ NN&PTNT và Bộ Tài chính sẽ phối hợp soạn thảo chính sách hỗ trợ cho ngư dân đóng tàu, hiện đại hóa tàu cá, nhất là tàu xa bờ trong năm 2012.

Tổ chức lại nghề cá

Sẽ có chính sách gì giúp ngư dân vay vốn đầu tư cho mua sắm tàu và sản xuất, thưa Thứ trưởng?

Nhu cầu về vốn cho ngư dân, chủ tàu đánh bắt xa bờ là rất lớn. Hiện Chính phủ có nghị định 41 về tín dụng cho tam nông, trong đó có thủy sản, nhưng vừa qua, kể cả năm 2012, ngư dân rất khó tiếp cận vốn này.

Tới đây, Chính phủ giao cho Bộ Tài chính phối hợp Bộ NN&PTNT soạn thảo chính sách hỗ trợ cho ngư dân đóng tàu, hiện đại hóa tàu cá, nhất là tàu xa bờ.

Tuy nhiên, chính sách này phải nghiên cứu kỹ, vì trước đây chúng ta có chính sách 393 (năm 1997) cho đánh bắt xa bờ, nhưng sau đó không hiệu quả, phải dừng lại. Khai thác thủy sản là khai thác tài nguyên có tái tạo, do vậy, phải biết nguồn lợi thủy sản còn bao nhiêu, từ đó mới định hướng phát triển từng loại nghề, số lượng tàu bao nhiêu là hợp lý.

Nếu cứ ra chính sách chung chung cho phát triển đánh bắt xa bờ, khi tốt họ đóng tàu ra khơi ào ạt, nhưng khi nguồn lợi cạn dần, họ phải nằm bờ, hoặc vào ven bờ để khai thác thì dễ mất vốn.

Vậy chúng ta sẽ tổ chức lại sản xuất bắt đầu từ đâu?

Tổ chức lại sản xuất, việc trước tiên là điều tra nguồn lợi. Dự án điều tra tổng thể nguồn lợi hải sản đã triển khai từ 2008. Dự kiến năm nay sẽ có kết quả bước đầu, từ đó giúp việc hoạch định phát triển các nghề, số lượng tàu khai thác, theo hướng bền vững. Tiếp đó, hằng năm sẽ có những nghiên cứu để cập nhật biến động từng loài một.

Khi có kết quả về tổng điều tra, sẽ giúp dự báo khai thác kịp thời, chính xác hơn cho bà con ngư dân. Các địa phương được phân cấp quản lý vùng lộng (24 hải lý) trở vào, còn vùng ngoài do T.Ư quản lý. Địa phương phải tổ chức khai thác, quyết định số tàu bao nhiêu cho hợp lý, đảm bảo tính bền vững.

Đầu tư khai thác cá ngừ

Những đối tượng nào sẽ tập trung khai thác thời gian tới?

Năm 2012, Bộ dự kiến trình Chính phủ đề án đột phá đầu tiên cho con cá ngừ đại dương (loại mắt to vây vàng) và cá ngừ nổi nhỏ (cá ngừ vằn). Theo dự báo ban đầu, tiềm năng loại cá này còn rất lớn. Hiện mỗi năm nước ta xuất khẩu khoảng 80 nghìn tấn, trong đó khai thác ở 3 tỉnh trọng điểm Khánh Hòa, Bình Định, Phú Yên chỉ hơn chục nghìn tấn, còn lại chủ yếu là nhập khẩu.

Hiện đã có mô hình liên doanh của Cty ở Phú Yên và 5 DN của Nhật Bản, tổ chức theo chuỗi, từ khai thác, bảo quản, chế biến, xuất khẩu. Giá ban đầu của liên doanh này đặt ra ổn định từ 12 đến 20 USD/kg. Đây là một mức giá ước mơ của nghề khai thác.

Từ việc tổ chức lại sản xuất với cá ngừ, dần dần sẽ rút kinh nghiệm, tổ chức, khai thác với các đối tượng khác như loại nhuyễn thể, cá đáy, cá nổi nhỏ… khác.

Hiện nguồn nhân lực cho nghề khai thác cá thiếu trầm trọng, điều này sẽ được giải quyết ra sao?

Chúng tôi đã nhận thấy điều này, và đang giao các đơn vị trong Bộ xây dựng đề án phát triển nhân lực ngành thủy sản. Hiện đào tạo nhân lực theo cơ chế thị trường. Trường ĐH Thủy sản Nha Trang trước đây thuộc Bộ Thủy sản, nhưng nay thì không, nên giao nhiệm vụ rất khó. Tuy nhiên, cái khó nữa là đầu ra.

Trước đây, nghề thủy sản có các doanh nghiệp đánh cá, chế biến, các trung tâm, đơn vị sự nghiệp quốc doanh, mới có nhu cầu về nhân lực. Còn hiện nghề khai thác chủ yếu là tư nhân, mà với quy mô nhỏ như hiện nay thì ít người cần thuê lao động kỹ thuật cao. Thứ nữa, các địa phương, dù có nhu cầu cao nhưng cũng chưa có chính sách dạng cử tuyển để bổ sung thêm nhân lực.

Đây là bài toán khó không chỉ của thủy sản mà nhiều ngành nghề nông nghiệp khác. Do vậy, cần phải có chính sách hỗ trợ đặc thù, và rất cần một chính sách 30a (chính sách với các huyện nghèo) với ngành thủy sản nói chung và khai thác nói riêng.

Cảm ơn ông.

Năm 2012 sẽ có chính sách hỗ trợ bảo quản sau thu hoạch, đây là chính sách trọng tâm trong thời gian tới. Tiếp đó là chính sách hỗ trợ tổ đội sản xuất trên biển, trước hết là thiết bị thông tin liên lạc, tàu dịch vụ, gắn thiết bị quan sát tàu cá bằng vệ tinh…

Khi đội tàu hiện đại, chúng ta có thể ra nước ngoài khai thác, thậm chí tham gia các đội tàu viễn dương, chứ không đánh bắt vùng biển nước ta. Dù còn nhiều khó khăn, nhưng với các chính sách mới, hỗ trợ của các cơ quan chức năng trên biển, bảo vệ ngư dân tốt hơn, ngư dân yên tâm hơn ra khơi”.

Thứ trưởng Vũ Văn Tám
Thứ trưởng Vũ Văn Tám.

Thứ trưởng Vũ Văn Tám

Phạm Anh
thực hiện

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
TPO - Ngày 13/12, Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Định cho biết đã thông báo tổ chức giao thông tạm thời qua cầu Thị Nại, TP. Quy Nhơn. Thời gian xếp xe thử tải bắt đầu từ lúc 8h đến 22h ngày 15/12. Đây là cầu vượt biển đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam, hiện là cầu vượt biển dài thứ 2, sau cầu Tân Vũ - Lạch Huyện ở Hải Phòng.