Vào thời điểm nhiều người chúc tụng nhau năm mới 2022 thì tôi bắt gặp thuyền trưởng Nguyễn Thanh Vũ vẫn chui dưới khoang máy của con tàu vừa “đi gối thời gian giữa 2 năm” về quê nhà.
Chuyến biển hãi hùng
Siêu bão Rai (bão số 9) vào Biển Đông vào ngày 18/12/2021. Trước đó, hàng ngàn tàu cá lao thục mạng vào đất liền và có khi đáp vào điểm bờ gần nhất để sau bão thì bật trở ra đánh cá. Có tàu cập vô đảo Lý Sơn, có tàu ghé Đà Nẵng, Bình Định… Nhưng đoàn tàu 13 chiếc làm nghề đánh lưới chuồn ở thôn Tân Thạnh, xã Nghĩa An, thành phố Quảng Ngãi thì bám trụ lại, dạt ra giữa Biển Đông thả trôi ở tọa độ được các ngư dân canh nằm ở ngoài rìa của bão. Bão tan ngư dân ở lại đánh bắt cá và trở về quê nhà khi tờ lịch đã chuyển sang năm 2022.
Tàu cá của ngư dân Nguyễn Thanh Vũ bình an về đất liền ảnh: Hà Anh |
Chiều 4/1/2022, phải thuyết phục mãi các thuyền trưởng trong đoàn tàu chạy tránh siêu bão Rai ở ngoài quần đảo Hoàng Sa mới đồng ý “gặp để nói giúp bà con ngư dân việc bị sóng phủ ướt hết mọi thứ, Icom, định vị, máy dò, nhắn tin đều tắm nước biển…”. Hơn 100 ngư dân đi bạn trên 13 tàu cá không về xã Nghĩa An, mà neo ở tận xã Bình Châu và cảng Tịnh Hòa. Có lẽ không ai muốn đưa chiếc tàu này về quê hương, vì người thân sẽ lạnh người khi được nhìn thấy khung cảnh đổ nát và lạ mắt trong chiếc tàu gỗ.
Thuyền trưởng Nguyễn Thanh Vũ cho biết sau khi thoát khỏi siêu bão Rai, đoàn thuyền cá lại chia nhau tiếp tục rong ruổi hành trình đánh bắt trên Biển Đông. Hàng chục tấn hải sản cập bờ vào những ngày đầu năm mới 2022 không chỉ là thành quả lao động, mà còn được đánh đổi bằng những giờ khắc kiên cường chống lại tử thần giữa đại dương bão tố mà chỉ những ngư dân dạn dày quả cảm nhất mới có thể làm được.
Ráp nối câu chuyện của các ngư dân, tôi hình dung được, hơn 100 con người đã 1-2 lần thoát chết trong siêu bão Rai ở giữa Biển Đông. Vào chiều tối 18/12, sóng cao 5-6 mét, tại tọa độ nơi các tàu cá thả trôi (18 độ, 63 phút vĩ độ bắc - 117 độ, 30 phút kinh đông) biển động cấp 9, cấp 10. Tất cả các tàu đều thả neo dù nổi để cầm cự, nếu đứt neo dù hoặc tàu chết máy thì cả tàu bỏ mạng. Và quả thật trong ngày 18 và 19/12 hàng loạt tàu đều bị đứt hoặc vỡ tung neo dù.
Thuyền trưởng Nguyễn Thanh Vũ mô tả khung cảnh hãi hùng, đó là tàu tự dưng chao đi, lắc mạnh, anh em hô hoán lên “đứt dòm (neo dù)!”. Vậy là mọi người lao ra mũi tàu. Ngư dân khi ra khỏi ca bin thì đi lom khom và tay bám chặt vào 2 sợi dây được buộc làm hành lang an toàn. Trên tàu có 2 neo dù được xem như thần hộ mệnh, khi chiếc dù thứ nhất vỡ tung thì mọi người tung chiếc dù dự phòng và cũng là chiếc dù cuối cùng. Kể từ giây phút tung chiếc dù thứ 2, mọi người đều lo lắng, thót tim. Nhiều người thầm cầu khẩn chiếc dù thứ 2 sẽ không bị sự cố. Và kể từ thời điểm thay dù, những cú lắc mạnh của con tàu luôn làm mọi người đứng tim.
Thuyền trưởng Đặng Võ ảnh: Hà Anh |
Sóng phủ từ trên nóc tàu dội xuống; sóng khỏa tràn qua boong tàu, hất bay các nắp hầm. Sóng nhồi con tàu nhừ tử, đồ đạc trong ca bin văng tứ tung và liên tục di chuyển như trò chơi trẻ con.
Giữ máy tàu như trái tim
Ngư dân Đặng Võ, thuyền trưởng tàu QNg 92488 TS là người giữ vai trò chỉ huy, định hướng cho cả nhóm tàu, thường xuyên động viên anh em bình tĩnh, mỗi đêm tàu bị trôi hơn 20 hải lý thì sáng sớm phải nong tàu. Nong là thuật ngữ ngư dân chỉ việc nổ máy cho tàu chạy trở lại vị trí cũ. Nhưng trong 3 ngày chịu sóng cấp 9 cấp 10, ngư dân kéo mức ga 700 thì tàu cũng chỉ tiến được 2 hải lý/giờ.
Ông Võ cũng là người mang gánh nặng tâm tư nhất. Trên tàu 9 ngư dân thì có 3 cha con ông Võ. Trong lúc sóng đánh tàu lắc lư như đưa võng, người con trai lớn là Đặng Quốc Tịnh liên tục bò lom khom ra mũi tàu để kiểm tra dây neo. Chiếc dây neo được cuộn trong bọc quần áo mấy lớp, vì dây neo liên tục bị cứa vào mũi tàu, có lúc cháy khét dưới nước mưa.
Lên chiếc tàu cá QNg 92288 TS của thuyền trưởng Nguyễn Thanh Vũ, tôi gặp một hình ảnh kỳ lạ, đó là chiếc máy Mitsubishi trên tàu được che bằng một tấm nilon giống như mái nhà đang hứng mưa. Tôi thắc mắc về việc chiếc máy có công suất 450 mã lực nằm dưới hầm tàu, phía trên là mái tàu, sau đó tới sàn ca bin, có khi phải xuống tiếp một sàn ca bin thấp để ngư dân đi bạn nằm ngủ rồi mới tới hầm máy, nhưng tại sao và nước ở đâu lại xối xuống hầm máy, tới mức ngư dân phải làm mái che? Thuyền trưởng Vũ xua tay và nói, “chỗ nào cũng ướt, nước đổ từ nóc xuống; nước tạt vào từ 2 bên cửa, khắp tàu, chỗ nào cũng ngập nước suốt 3 ngày 3 đêm, thời gian trước và trong siêu bão.
Thuyền trưởng trên những chiếc tàu từng thoát siêu bão Rai giải thích việc việc che áo mưa cho máy tàu. Vì máy tàu là trái tim, nếu tim ngừng đập thì mọi người sẽ nằm lại ở vùng rìa siêu bão.