TPO - Những ngày này, ngư dân ven biển tỉnh Quảng Ngãi lại hối hả vào vụ mùa cào ốc gạo (ốc lể, ốc ruốc). Chỉ sau một đêm, mỗi ngư dân ra khơi có thể “đút túi” vài triệu đồng.
Ốc gạo, hay còn gọi là ốc ruốc, ốc lể, được ví như một món quà quý giá mà thiên nhiên ban tặng cho ngư dân ở các vùng ven biển Quảng Ngãi. Cứ đến độ tháng Giêng là ốc gạo xuất hiện, và kéo dài đến hết tháng 3 Âm lịch hằng năm. Vào độ này, nghề cào ốc ruốc đã mang lại thu nhập khá cao mỗi ngày cho nhiều người dân ven biển.
Ngư dân bắt đầu đi cào ốc từ 2 giờ sáng, đến trưa từ 11 - 12 giờ thì cho ghe vào bờ để bán ốc. Ảnh: Nguyễn Ngọc
Ốc gạo tập trung nhiều nhất ở vùng bãi ngang ven biển Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Đặc biệt, ở xã Đức Minh (Mộ Đức) là nơi nổi tiếng với đặc sản ốc gạo, vào mùa ốc, gần 100 hộ dân lại chuyển từ nghề đánh bắt cá sang cào ốc vì có nguồn thu nhập từ ốc cao hơn.
Theo đó, công việc cào ốc bắt đầu từ 2 giờ sáng, ngư dân mang dụng cụ, chạy thuyền máy ra cách bờ biển 3 - 5 km để cào ốc. Đến tầm 11 - 12 giờ trưa, họ chở ốc cào được vào bờ bán cho thương lái.
Theo đó, công việc cào ốc bắt đầu từ 2 giờ sáng, ngư dân mang dụng cụ, chạy thuyền máy ra cách bờ biển 3 - 5 km để cào ốc. Đến tầm 11 - 12 giờ trưa, họ chở ốc cào được vào bờ bán cho thương lái.
Dụng cụ bắt ốc là cây sào sắt dài 8m, nặng 30 kg, một đầu gắn vợt để cào xuống cát. Ảnh: Nguyễn Ngọc
Ngư dân Năm Đô (trú thôn Tân Nam, xã Đức Minh, huyện Mộ Đức) cho biết, ốc gạo sống trong cát ở vùng biển có độ sâu khoảng 7 - 10m. Dụng cụ bắt ốc là cây sào sắt dài 8m, nặng 30 kg, một đầu gắn vợt để cào xuống cát. Mỗi ghe cào ốc có từ 2 đến 3 người. Người làm nhiệm vụ lái ghe, những người còn lại điều khiển vợt cào ốc. Cào từ 2 giờ sáng đến trưa là vào bờ bán ốc. Mỗi tàu cào được 300 - 500kg ốc gạo mỗi ngày.
Ốc nhanh chóng được chuyển từ ghe lên bờ. Ảnh: Nguyễn Ngọc
“Năm nay số lượng ốc giảm hơn mọi năm, tuy nhiên được cái ốc to nên thương lái thu mua với giá cao hơn rất nhiều làn so với mọi năm. Nhờ vậy, anh em cũng có thu nhập kha khá sau mỗi chuyến đi. Trung bình, thuyền tôi cào được trên 300 kg ốc, nhờ vậy mỗi anh em cũng kiếm được vài triệu đồng”, ông Đô bày tỏ.
Nghề cào ốc gạo tương đối vất vả, nặng nhọc, do đó đòi hỏi các ngư dân phải có sức khỏe tốt, không phải ai cũng có thể làm được. Ngư dân Thiều Văn Quyết (trú thôn Tân Nam, xã Đức Minh, huyện Mộ Đức) cho hay: “Phải đi từ 2 giờ sáng, điều khiển sào cào ốc rất cực nhọc, có hôm về tay không bưng nổi chén cơm để ăn. Đổi lại nghề này cho thu nhập cao, suốt 3 tháng mùa ốc có người kiếm được vài chục đến cả trăm triệu đồng”.
Bình quân mỗi ghe cào từ 300 – 500 kg/ngày. Ảnh: Nguyễn Ngọc
“Vụ ốc ruốc năm nay tuy không được mùa như mọi năm. Thế nhưng, giá mua hiện tăng đến mức khó tin ốc nhỏ từ 1 - 1,5 triệu đồng/bao (bao 100 kg), ốc lớn 4 - 4,5 triệu đồng/bao, cao nhất từ trước đến nay. Bình quân mỗi thuyền 2 - 3 người/chiếc, cào được 3 - 5 bao. Sau khi trừ chi phí ngư dân chia được 2 - 4 triệu đồng/người/ngày”, ông Quyết nói.
Nghề cào ốc gạo tương đối vất vả, nặng nhọc, nhưng cho thu nhập rất cao. Ảnh: Nguyễn Ngọc
Chị Nguyễn Thị Mai một thương lái thu mua ốc gạo cho biết, ốc sau khi được thu mua chủ yếu là vận chuyển đi tiêu thụ ở Quảng Nam, Đà Nẵng, Huế. Ốc càng lớn có giá càng cao, đặc biệt ốc gạo không bán theo ký mà tính theo bao. Hiện giá ốc mỗi bao tùy theo loại ốc nhỏ hay lớn đang được thu mua với giá từ 1 - 4,5 triệu đồng.
“Kích cỡ bao đựng ốc được quy định trước, một bao đầy nặng khoảng 100kg. Năm nay ốc rất to nên có giá gần gấp đôi năm ngoái”, chị Mai cho biết.
Trung bình một người tham gia cào ốc gạo thu nhập từ 2 – 4 triệu đồng mỗi ngày. Ảnh: Nguyễn Ngọc
Ngoài thị trường trong tỉnh, ốc gạo còn được vận chuyển đi tiêu thụ ở Quảng Nam, Đà Nẵng, Huế… Ảnh: Nguyễn Ngọc
Ngư dân bãi ngang xem ốc gạo là "lộc biển" mang lại nguồn thu nhập cao cho họ. Ảnh: Nguyễn Ngọc
Từ nhiều năm qua, ốc gạo được xem là “lộc biển” của hàng trăm ngư dân ở vùng biển ở xã Đức Minh, huyện Mộ Đức. Tuy không to như các loại ốc biển khác, ốc gạo có hình tròn và bé như nút áo. Phần thịt bên trong chỉ nhỉnh hơn que tăm. Bù lại thịt ốc sau khi chế biến có vị ngọt thanh, béo nên được nhiều người ưa chuộng, đặc biệt là giới trẻ.