Ngổn ngang tái cơ cấu

Ngổn ngang tái cơ cấu
TP - Đánh giá hiệu quả của đề án tổng thể tái cơ cấu (TCC) kinh tế, nhiều chuyên gia nhận định: Sau nhiều năm thực hiện, mọi thứ còn “ngổn ngang”, thậm chí “lúng túng” trong thực hiện. Mỗi tỉnh làm kinh tế một kiểu dẫn tới phân tán nguồn lực.

> Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước: Khó thực hiện vì cơ chế xin cho, xin chia
> 20 sếp tập đoàn nhà nước thu nhập tiền tỷ

“Mỗi tỉnh một nền kinh tế”

Sau 2 năm thực hiện TCC đầu tư công, TS Nguyễn Đình Cung, quyền Viện trưởng CIEM cho rằng, về cơ bản vẫn mang tính tình huống, ngắn hạn; chủ yếu xử lý tình trạng đầu tư dàn trải, thiếu đồng bộ. Chưa thiết lập một thể chế mới để quản lý và nâng cao hiệu quả đầu tư nhà nước trong hiện tại và tương lai.

Tuy đầu tư công có giảm (từ 39% giai đoạn 2006-2010, xuống còn 30,5% năm 2012), nhưng gần đây đang có xu hướng nới lỏng, tăng vốn đầu tư nhà nước, phân tán, kém hiệu quả. “Chính phủ đang có phần thiên về xu hướng mở rộng đầu tư nhà nước; tăng cầu khu vực nhà nước để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng”, TS Cung nói.

Theo ông Cung, hiện 63 tỉnh vẫn là 63 nền kinh tế khác nhau, dẫn tới phân tán nguồn lực; đầu tư phong trào sẽ còn tiếp diễn (như việc có thêm 2 sân bay cấp tỉnh được bổ sung vào quy hoạch).

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, việc giảm tỷ trọng đầu tư công/GDP trong 2 năm qua chủ yếu do những khó khăn của kinh tế vĩ mô, khan hiếm nguồn lực hơn là do nỗ lực TCC đầu tư.

“Việc nâng trần bội chi ngân sách năm 2014, phát hành thêm trái phiếu Chính phủ cho thấy đầu tư công vẫn chưa thật sự muốn TCC. Như vậy, rất khó thay đổi được vấn đề đầu tư công ở nước ta”, bà Lan khẳng định. Theo chuyên gia này, hiện phổ biến tâm lý các bộ ngành và địa phương vẫn muốn có các dự án đầu tư do chính mình đề xuất và quản lý.

Mục tiêu của TCC đầu tư công là giảm đầu tư nhà nước, tăng đầu tư tư nhân. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đầu tư tư nhân lại liên tục giảm do khó khăn chung và chưa có nhiều giải pháp tháo gỡ. Thời gian qua, có tới 200.000 doanh nghiệp ngưng hoạt động, 69% số doanh nghiệp hoạt động thua lỗ.

Đụng đâu cũng vướng lợi ích nhóm

Với TCC các ngân hàng thương mại, nhiều người quan tâm vẫn là xử lý nợ xấu và các ngân hàng yếu kém. Tuy vậy, vẫn còn nhiều vấn đề được đặt ra cho quá trình này. Theo TS Nguyễn Đình Cung, Cty Quản lý Tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) đã hoạt động và mua lại nợ xấu, nhưng thông tin chính thức về kết quả TCC ngân hàng vẫn còn ít và thường chưa được kiểm chứng.

“Không ít ý kiến nghi ngại về thành công “TCC tự nguyện” của các ngân hàng. “Kinh nghiệm cho thấy, không thể sử dụng những con người gây ra vấn đề để xử lý vấn đề họ gây ra”, TS Cung khẳng định. Ngoài ra, vấn đề sở hữu chéo dưới nhiều hình thức khác nhau vẫn chưa được hạn chế, minh bạch và kiểm soát hiệu quả. Điều này làm giảm hoặc vô hiệu hóa các quy định tiêu chuẩn an toàn của tổ chức tín dụng.

TS Cung cho rằng, cách xử lý nợ xấu hiện nay chỉ loại bỏ bớt nợ xấu ra khỏi các tổ chức tín dụng bằng biện pháp kế toán, chuyển “nợ xấu” thành “chưa xấu”, chứ chưa loại bỏ ra khỏi nền kinh tế.

Vì vậy, gánh nặng chi phí tài chính của các doanh nghiệp (nhất là doanh nghiệp còn nợ) vẫn chưa có dấu hiệu giảm. Các doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận được tín dụng ngân hàng, dù có cơ hội kinh doanh tốt (hoặc tiếp cận được, nhưng với chi phí cao hơn bình thường).

“Thị trường tín dụng chưa hoạt động bình thường, chưa thể hiện được đầy đủ chức năng trung gian trong phân bổ hợp lý và sử dụng hiệu quả nguồn vốn tín dụng”, TS Cung nói.

Theo chuyên gia Lê Đăng Doanh, việc TCC tổ chức tín dụng hiện nay quá trì trệ, nhưng đụng đến đâu cũng vướng lợi ích nhóm, thiếu thực lực. “Có gì để đảm bảo không gây ra nợ xấu nữa, khi không xem xét về chính sách quản lý, giám sát các ngân hàng”, TS Doanh nói.

TS Võ Trí Thành cho rằng, hiện TCC ngân hàng có 4 vấn đề lớn cần giải quyết: Minh bạch, cơ chế giám sát, quản trị theo thông lệ quốc tế tốt nhất, tái cấu trúc lại ngân hàng trong đó có vấn đề nợ xấu. “Việc xử lý nợ xấu của VAMC không thể dùng tiền ngân sách, chỉ có 2 cách là dùng trái phiếu đặc biệt và hình thành thị trường mua bán nợ. Tuy nhiên, việc hình thành thị trường mua bán nợ cũng còn rất nhiều vấn đề”, TS Thành nói.

Về bức tranh kinh tế năm 2014 – 2015, theo bà Phạm Chi Lan: Phụ thuộc vào việc TCC nền kinh tế ra sao. “Phải giảm đầu tư công, tạo cơ chế để khu vực tư nhân có thể phát triển. Đấy mới là yêu cầu chính của TCC. Nếu được vậy, bức tranh kinh tế sẽ ngày càng sáng”, bà Chi Lan nói.

Năm nội dung chủ yếu của đề án tổng thể TCC kinh tế: TCC thị trường tài chính; đầu tư; doanh nghiệp nhà nước; ngành kinh tế kỹ thuật và dịch vụ; kinh tế vùng.
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.