Ngổn ngang nỗi lo đầu năm học: 'Ma trận' những khoản thu

0:00 / 0:00
0:00
TP - Tháng 9, những cuộc họp phụ huynh diễn ra tại hầu hết các trường học. Đây là thời điểm phụ huynh đối diện với “ma trận” các khoản thu. Chuyện thu - chi đầu năm gây bức xúc dư luận đã nhiều năm nhưng dường như chưa có lời giải.

Miền xuôi lo…

Anh Nguyễn Văn Dương (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) có 3 con sắp bước vào năm học mới, anh nhẩm tính mỗi cháu tốn hơn 3 triệu đồng. Trong đó tiền mua SGK, sách tham khảo, sách bài tập hơn 500.000 đồng; tiền bán trú mỗi tháng khoảng 800.000 đồng; bảo hiểm bắt buộc gần 700.000 đồng. Các khoản đồng phục, các loại quỹ, bảng tên, tiền vệ sinh, tiền cơ sở vật chất… hơn 1 triệu đồng nữa.

“Ba đứa là tui mất cả chục triệu đồng, chưa kể những khoản phụ huynh tự mua sắm thêm. Năm nào vào năm học mới cũng “chóng mặt” vì các khoản nộp cả”, anh Dương thở dài.

Chị Hoàng Hà Thu (quận Sơn Trà) cũng kêu trời. Riêng tiền quỹ tới 3 loại: quỹ Đội, quỹ hoạt động lớp, quỹ cha mẹ học sinh. Ngoài ra còn có tiền đóng cho các hoạt động tham quan, vui chơi giải trí.

Không đồng tình với những khoản trường “vẽ” thêm, chị Bảo Anh (quận Thanh Khê, Đà Nẵng) cùng nhiều phụ huynh trong lớp năm trước đã phản đối khi nhà trường thu 60.000 đồng mỗi học sinh để phục vụ công tác chuyển đổi số, mà cụ thể là nhắn tin thông báo các hoạt động trường, lớp, tình hình học tập của các em…

“Chúng tôi phản ứng vì khoản này không hợp lý. Bây giờ ai cũng dùng mạng xã hội, có group phụ huynh trên Facebook, Zalo..., mọi thông tin đều gửi lên đó được thì “vẽ” thêm làm gì? Vậy là trường phải hủy bỏ khoản thu vô lý ấy. Năm nay, nếu trường tiếp tục đưa những khoản không đáng để thu tiền, chúng tôi cũng tiếp tục phản đối!”, chị Anh quả quyết.

Để giảm áp lực kinh tế lên phụ huynh, từ năm học 2016 - 2017 đến năm học 2023 – 2024, tỉnh Đắk Lắk không tăng học phí đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập. Việc không tăng học phí phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh và đáp ứng nguyện vọng của nhân dân. Địa phương này có 49 dân tộc anh em, số lượng học sinh khá đông, nhất là khu vực vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Bước vào năm học mới, nỗi lo các khoản tiền đóng học cho con cũng đang trở thành “gánh nặng” của nhiều cặp vợ chồng thu nhập thấp ở Hà Tĩnh. “Con học trường công lập nên các khoản thu được kiểm soát hơn song mỗi năm học là phải chắt chiu, tích góp 8-10 triệu để chuẩn bị tiền đóng học đầu năm cho các con.

Dù khó khăn, vất vả nhưng vợ chồng tôi vẫn luôn cố gắng cho 2 con bằng bạn, bằng bè”, chồng chị Nguyễn Thị Minh (34 tuổi, xã Thạch Đài, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) chia sẻ.

Người mẹ trẻ cho biết ngoài tiền mua sách vở, đồng phục, học phí, tiền ăn bán trú… mỗi năm học còn phải đóng thêm nhiều khoản phụ thu khác như quỹ phụ huynh, tiền sửa bàn ghế, tiền gửi xe, tiền điều hòa... khiến cho những gia đình công nhân thu nhập thấp như vợ chồng chị phải thêm suy nghĩ.

Miền ngược càng lo

Gia đình chị Ka Dơng (29 tuổi, trú thôn 3 Đạ Sar, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng) chỉ dựa vào mảnh vườn trồng cà phê và đi làm thuê. Hiện nhà chị có 3 đứa con (1 đứa lớp 4, 2 đứa lớp 1) khiến chị phải lo lắng về các khoản đầu năm.

“Nguồn thu nhập của gia đình chỉ dựa vào vườn cà phê và làm thuê. Năm nay mới sắm sửa quần áo, sách vở, balo, dụng cụ học tập cho 3 đứa. Đặc biệt là 2 đứa sinh đôi vào lớp 1 rất tốn kém. Khả năng chúng tôi phải vay mượn họ hàng để đóng học phí cho 3 đứa con”, chị Dơng bộc bạch.

Bà Lê Thị Hạnh (52 tuổi, trú xã Ia R sươm, huyện Kông Pa, Gia Lai) chia sẻ, bà vừa hoàn thành các khoản học phí tổng cộng 600.000 đồng cho con gái vào lớp 6. Bà Hạnh cho hay, Krông Pa là huyện vùng III nên các khoản thu đầu năm không tăng.

Theo bà Hạnh, đây là mức thu khá ổn với các hộ người Kinh. Tuy vậy, so với người dân tộc thiểu số, đông con đây lại là một khoản khá lớn, nhiều hộ có tới 2 đến 3 đứa con đi học một lúc.

“Giờ đang là thời điểm giáp hạt nên khó khăn hơn với người dân tộc thiểu số. Tuy vậy, ý thức học tập của người địa phương rất tốt nên dù khó khăn, có thể phải vay mượn nhưng các phụ huynh cũng cố gắng hoàn tất các khoản học phí cho con mình”, bà Hạnh chia sẻ.

Trưa muộn, chị H’Grôn Bkrông (47 tuổi, buôn Cư Êbông, xã Ea Kao, thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) mới về tới nhà. Quần áo lấm lem chị H’Grôn cho biết, mấy hôm nay đi làm công thuê cho người ta với giá 200.000 đồng/ngày.

Ngổn ngang nỗi lo đầu năm học: 'Ma trận' những khoản thu ảnh 1

Chị H’Grôn Bkrông (trái) cùng con gái bóc vỏ hạt điều. Ảnh: Huỳnh Thủy

Dù vất vả, song khuôn mặt chị vui vẻ vì với chị có công việc là may mắn, nếu không 5 người trong gia đình không có gạo để ăn, cũng như không có tiền lo cho các con đi học.

Chị H’Grôn đang là mẹ đơn thân có 4 đứa con. Trong đó, 3 trẻ đang đi học (lớp 7, lớp 8, lớp 4). Ngoài ra, chị còn phải chăm sóc người anh trai bị tai nạn giao thông, nằm ở nhà. Trong khi đó, gia đình chị không đất canh tác, chỉ có căn nhà Đại đoàn kết được tặng năm 2021.

Nhắc đến chuyện sắm sửa cho con đi học, chị H’Grôn nói chưa sắm được gì. “Mình đi làm thuê, khi nào được 7-8 công họ mới đưa tiền. Lúc đó mình mới đi sắm dần nhưng cũng kẹt lắm. Hai ngày nay, mình nhận thêm việc tách vỏ lụa hạt điều về nhà làm. Mỗi kg hạt điều được trả công 5.000 đồng. Làm 3 kg sẽ đổi được 1 cân gạo”, chị H’Grôn nói và cho biết, mỗi khi vào năm học, lại bị choáng với các khoản chi như mua sách vở, dụng cụ học tập, đồng phục…

Chưa kể các khoản tiền đóng đầu năm như các loại quỹ, tiền học thêm… Vì khó khăn quá, chị H’Grôn không cho 2 đứa con học cấp THCS đi học thêm.

MỚI - NÓNG