Người lái xe chỉ cần ngồi trong xe hoặc đứng gần phương tiện của mình cũng có thể bị truy tố nếu cảnh sát chứng minh được rằng họ đang lái xe dưới sự ảnh hưởng của cồn.
Hồi tháng 9 vừa qua, thủ môn Hugo Lloris, 31 tuổi, đội trưởng đội tuyển quốc gia Pháp vừa đoạt vô địch World Cup, hiện đang đầu quân cho đội bóng Tottenham Hotspur của Anh bị phạt 50.000 bảng Anh (tương đương 65.130 USD) và cấm thi đấu 20 tháng vì lái xe tại London trong tình trạng say rượu.
Mức phạt lái xe say rượu cao nhất ở Anh là phạt tiền gần 100.000 USD (hơn 2 tỷ đồng) và treo bằng 20 tháng. Đó là trường hợp của ngôi sao truyền hình Ant McParrtlin, 42 tuổi, khi ông lái xe trong lúc say rượu và đâm nát ba chiếc xe hơi, làm bị thương một bé gái 4 tuổi hồi tháng 4 vừa qua. Ngôi sao này thừa nhận cuộc sống của anh đã thay đổi hoàn toàn, sự nghiệp dang dở.
Năm 2017, hãng taxi công nghệ Uber tại Mỹ đối mặt khoản tiền phạt 1,13 triệu USD vì dung túng cho tài xế lái xe trong tình trạng say rượu. Tờ New York Times đưa tin, Cơ quan Bảo vệ người tiêu dùng của bang California, Mỹ phát hiện hãng này vi phạm luật “không khoan nhượng” vì không xử lý nhiều trường hợp khách hàng khiếu nại về tình trạng lái xe say rượu. Theo tài liệu của Cơ quan Bảo vệ người tiêu dùng California, năm 2017, hãng này nhận được 2.047 khiếu nại, nhưng mới chỉ sa thải 574 lái xe. Mức phạt đề nghị này được cho là lớn nhất từ trước tới giờ tại Mỹ.
Tại Đức, những người lái xe chuyên nghiệp tuyệt đối không được uống rượu bia (bao gồm lái xe khách, xe tải). Những người mới lái xe trong vòng hai năm hoặc người lái xe dưới 21 tuổi cũng không được lái xe sau khi uống rượu bia. Thậm chí, người đi xe đạp cũng bị giới hạn nồng độ cồn trong máu là 0,16%. Nếu vượt quá mức 0,16%, người đi xe đạp cũng bị phạt giống như người đi ô tô. Mức phạt thấp nhất là 500 euro (gần 14 triệu đồng) và một tháng treo bằng. Nếu tái phạm thì mức phạt sẽ nặng hơn rất nhiều (thường gấp đôi, ba, bốn lần).
Năm 2016, Aida Hadzialic, 29 tuổi, Bộ trưởng Giáo dục Thụy Điển, bị phạt 5.000 USD khi lái xe trong tình trạng say rượu. Cảnh sát dừng xe của bà khi bà đi xem hòa nhạc trở về với nồng độ cồn trong máu vượt quá mức cho phép. Bà gọi đây là một sai lầm lớn nhất trong cuộc đời mình và ngay lập tức đệ đơn xin từ chức. Trước đó, năm 2014, bà trở thành người Hồi giáo gốc Bosnia- Herzegovina đầu tiên làm bộ trưởng tại Thụy Điển.
Hyderabad ở miền Nam Ấn Độ là một trong những thành phố có hình thức phạt nghiêm khắc nhất Ấn Độ đối với các lái xe say rượu. Tính đến cuối tháng 4/2018, ngoài mức phạt tiền, có tới 95 trường hợp lái xe bị phạt tù từ 2 đến 10 ngày vì lái xe trong tình trạng say rượu. Cảnh sát giao thông của Hyderabad cho biết, trong số những người vi phạm này, có 8 trường hợp bị tước bằng lái xe vĩnh viễn, 41 trường hợp bị treo bằng lái. Không những thế, những người bị bắt vì lái xe khi say rượu sẽ còn gặp nhiều rắc rối khi xin việc trong các cơ quan nhà nước hoặc khi xin cấp hộ chiếu, visa.