Nguyễn Việt Tuấn (33 tuổi, Viện Khoa học Công nghệ TDTT, Trường ĐH Thể dục thể thao Đà Nẵng) là chàng trai đã đem ngôi nhà đầy ắp niềm vui này về đây.
Nhiều lần đến trung tâm nằm ở ngoại ô, nhìn các em nhỏ thỏa thuê vui chơi, sinh hoạt trong không gian rộng rãi trong lành, tách biệt với xô bồ phố thị, anh Tuấn tự hỏi sao không để những em nhỏ thiếu may mắn cùng về đây? Anh đánh liều đề xuất với lãnh đạo Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố Đà Nẵng và được đồng ý. Không chần chừ, đầu năm 2019 anh thực hiện ngay ý tưởng được mọi người cho là khó khả thi của mình.
Từ khoảng sân của cơ sở, anh cùng các tình nguyện viên bố trí nhiều trò chơi như ô ăn quan, nấu cơm niêu, ném lon, ném vòng… “Lúc mới bắt đầu mình cũng lo chi phí đâu để thực hiện, nhưng cuộc sống không dài, chẳng thể lưỡng lự, do dự mãi. Thế là ngoài công việc chính, mình đi làm thêm rất nhiều như chụp ảnh, cố vấn…để kiếm tiền. Bạn bè nghe tới ý tưởng này cũng đã hỗ trợ làm mình có động lực hơn”, anh tâm sự.
Mỗi ngày một ít vật liệu mang về xây lắp, khoảng sân im ắng trước đây giờ đã như một khu trò chơi dân gian. Đầu tháng 6/2019, hàng chục em nhỏ khuyết tật cùng gia đình tới “khai trương”.Nhiều em ở thành phố, lần đầu biết đến việc nấu cơm niêu lem nhem khói không giấu nổi sự tò mò, phấn khích. Có em lại mê tít trò ném vòng, ném lon. Trần Thị K.Th., bạn trẻ bị đa tật dù là nữ nhưng lại thích đá banh, ném chai vì được chơi chung với mọi người và nhận được nhiều lời cổ vũ. Th. bày tỏ mong muốn được chơi những trò chơi này thường xuyên hơn nữa.
Sở dĩ anh Tuấn chọn các trò chơi dân gian vì muốn các em có thể thoải mái hoạt động ngoài trời, không gian rộng rãi, tương tác với mọi người tốt hơn, đặc biệt loại bỏ hoàn toàn các thiết bị điện tử. “Nhiều phụ huynh có quan điểm sai lầm rằng con mình bị khuyết tật, chậm chạp thì không thể nô đùa, vận động như các cháu khác. Thành ra họ chỉ tập trung chữa trị mà quên mất con mình cũng cần phải có một tuổi thơ được vui chơi, đùa nghịch. Điều đó vô tình dựng thêm bức tường để các em khó hòa nhập”, anh nói.
Ngoài không gian vui chơi còn có một quầy bán nước dựng bằng tranh, tre, các bạn tình nguyện viên hướng dẫn những bạn trẻ khuyết tật cách pha chế. Anh Tuấn coi đây như mái nhà, không chỉ chào đón những bạn trẻ khuyết tật mà tất cả trẻ em muốn tìm nơi giải trí gần gũi thiên nhiên, tránh xa xô bồ phố thị đều có thể tới. “Tới đây tất nhiên phải đóng phí. Phí là một nụ cười! Chỉ cần thấy nụ cười của các em là tôi “lãi” rồi”, anh hài hước.
Mong các em tự thay đổi cuộc đời
Từng tốt nghiệp ngành Tâm lý học, làm nhiều dự án liên quan đến trẻ khuyết tật, hơn ai hết chàng Tiến sĩ trẻ này hiểu được nỗi niềm của trẻ lẫn phụ huynh. Rất nhiều em không muốn mình là gánh nặng cho gia đình, xã hội song khó tự mình thay đổi số phận. Có lần ba bạn trẻ khuyết tật biết pha chế đồ uống thật lòng: “chú ơi, con làm được, nhưng con không có cơ hội để làm” khiến anh thêm trăn trở. Không dừng lại ở sân chơi, anh “tham lam” xin trung tâm làm thêm dự án tạo sinh kế cho các em.
“Mình sẽ để các bạn tự trồng rau, nuôi gà, chỉ cho các bạn cách đón tiếp và hướng dẫn người tới tham quan, sau đó sẽ kết nối đưa du khách về đây. Nhiệm vụ của các em là giúp họ tận hưởng một ngày ra ngoại ô có thể thăm vườn, hái rau, nấu nướng theo kiểu thật dân dã”, anh chia sẻ. Ngoài “tour” này, anh đang tập trung hướng các bạn trẻ khuyết tật làm sản phẩm thủ công khác như túi đựng thiết bị điện tử, đồ dùng thân thiện môi trường…tránh những sản phẩm trước đây đã từng làm đem lại hiệu quả thấp. Anh cũng sẽ là người đi chào hàng và đưa đơn hàng để các bạn trẻ kiếm thêm thu nhập. Anh nói: “Ai cũng chỉ hòa nhập khi khẳng định được giá trị của bản thân. Mình không muốn các bạn tự ái, mặc cảm và sống thụ động. Chỉ mong các bạn có thêm một khoản thu, dù ít dù nhiều miễn là bản thân mình làm ra để cuộc sống dễ dàng hơn”, anh tâm tình.
Ông Tô Năm, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP. Đà Nẵng cho hay, ban đầu ông khá bất ngờ trước ý tưởng và sự nhiệt tình của anh Tuấn. “Để làm bạn đồng hành với các em cần nhân lực, trí lực và cả vật chất.Vì vậy chúng tôi luôn động viên, khuyến khích Tuấn. Bởi điều Tuấn làm mang lại rất nhiều ý nghĩa cho trẻ kém may mắn. Vừa giúp các em có sân chơi, có cơ hội hòa nhập và sau này còn có thêm sinh kế để thay đổi cuộc đời mình”, ông nói.