Ngôi nhà bằng gốm nung đỏ rực của ông Buôl - Ảnh: Kim Hà.
Chủ nhân của ngôi nhà độc đáo này là ông Nguyễn Văn Buôl (60 tuổi, ngụ phường 5, TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long), xuất thân trong gia đình có truyền thống làm gốm và có thâm niên hơn 30 năm trong nghề. Những năm gần đây, gốm xuất khẩu không còn thịnh vượng như trước, nhiều hộ cũng lần lượt bỏ nghề. Không muốn nhìn thấy tâm huyết bao năm qua của cha ông bị mai một, ông Buôl quyết tìm lối đi mới để vực dậy làng gốm quê mình.
Nghĩ thì dễ, làm mới khó. Từ lúc lên ý tưởng cho đến khi thực hiện được, đã ngốn thời gian của người nghệ nhân này gần chục năm. Theo ông Buôl, giữa sự đìu hiu của làng nghề, ông muốn chứng minh rằng nghề gốm luôn có sức hút riêng dù thời xưa hay thời nay. Bằng cách tự làm cho mình ngôi nhà theo phong cách Nam Bộ, ông Buôl đã biến gốm xuất khẩu thành gốm xây dựng, khai mở một chất liệu mới trong lĩnh vực này.
Ông Buôl chia sẻ: “Tôi thấy nguồn đất đỏ của Vĩnh Long mình có thể làm được những sản phẩm lớn như: Cột, bình 4 – 5m và nó giữ được kỉ lục quốc gia nên tôi nghĩ với kích thước như vậy thì mình có thể làm được cột, kèo, hoa văn để xây dựng một ngôi nhà theo kiểu Nam Bộ. Từ đó, tôi mới sáng tác ra, rồi làm nhà theo kiểu truyền thống là nhà 3 gian, 2 chái để gia đình sử dụng”.
Dù không học tập qua bất kì trường lớp nào về kiến trúc xây dựng nhưng để làm được căn nhà như mình mơ ước, người nghệ nhân này đã mài mò tự thiết kế bản vẽ, yếu tố kĩ thuật, đến sáng tác những hoa văn đầy tính nghệ thuật trên mỗi cây cột, cây kèo mang nét đặc trưng của văn hóa Nam Bộ.
“Làm ngôi nhà này tôi luôn bám theo văn hóa, lịch sử của vùng đất phương Nam. Chẳng hạn như các cây cột, kèo được tôi thiết kế hoa văn một ngôi làng, lễ hội về mùa xuân, quết bánh phồng ngày Tết; con cháu đến mừng tuổi, chúc thọ ông bà. Hay những câu chuyện sinh hoạt về nông thôn; lúa nước, con trâu đi cày, bắt cá trên đồng ruộng,... đều là những chủ đề làm nên tác phẩm gợi kỉ niệm. Nhìn vào đó, như nhìn thấy tuổi thơ của mình vậy. Còn những đầu giáo nối kèo với cột tôi cũng đưa các con vật gần gũi, mang ý nghĩa vui tươi vào trong nhà như: Tôm, cua, gà, cá, khỉ… để thêm phần sinh động” – Ông Buôl nói.
Cho đến những cây cột đều được làm bằng gốm - Ảnh: Kim Hà.
Hoa văn làng quê được người nghệ nhân "khắc họa" trên cột nhà - Ảnh: Kim Hà.
Đầu giáo hình cá bằng gốm được đấu nối giữa cột và kèo - Ảnh: Kim Hà.
Đầu giáo hình khỉ - Ảnh: Kim Hà.
Theo người nghệ nhân, với một căn nhà 300m2 nhìn về ngoài có vẻ đồ sộ nhưng giá thành xây dựng lại “tỉ lệ nghịch” với kích thước của nó. Bởi có khoảng 90% ngôi nhà đều làm bằng đất sét nung.
Bên cạnh đó, ngôi nhà đặc biệt của ông Buôl rất dễ thi công. Cột, kèo bên ngoài là gốm, bên trong là bê tông cốt thép chịu lực. Do là gốm nguyên khối đã được nung chín nên không thể cắt, dán được. Vì vậy, công đoạn thi công lại càng đơn giản hơn. Đối với cột, người thợ chỉ cần đào lỗ đóng cừ, rồi chồng từng khúc cột gốm lên và trộn xi măng đổ vào. Tương tự đối với kèo cũng như thế. Sau khi hoàn thành bộ khung sườn, cũng không cần phải tốn thêm tiền và thời gian thi công sơn, trét, tô,…bề mặt bên ngoài. Còn phần tường thì chỉ có xây lên, kẻ ron, rồi vệ sinh bức tường cho sạch là xong.
Vốn là chất liệu gần gũi với thiên nhiên, bền bỉ qua thời gian, thân thiện với môi trường, với sắc đỏ tự nhiên của gốm đất nung càng làm ngôi nhà thêm nổi bật. Để tạo điểm nhấn, ông Buôl còn mạnh dạn đầu tư trang trí nhiều món đồ cổ như: Bộ dụng cụ sinh hoạt đồng thau cổ, bộ sưu tập hơn 100 chiếc đèn cổ, bàn ghế khảm xà cừ,… Bởi với ông, ngôi nhà gốm này không chỉ là nơi ở, mà nó còn chứa đựng cả tình yêu, niềm đam mê với cái nghề mà ông đã gắn bó gần cả đời mình.
Đây cũng được xem là công trình khởi đầu trong hành trình vực dậy nghề gốm của ông Buôl. Thậm chí, người nghệ nhân này còn mong muốn sẽ xây nên những công trình từ gốm để phục vụ tham quan du lịch, đưa cái nghề của cha ông trở về đúng vị thế của nó.