Ngôi chùa tháp cổ gần 800 năm tuổi lưu giữ bảo vật quốc gia
TPO - Chùa Phổ Minh có lịch sử lên đến gần 800 năm, nằm trong Quần thể Khu Di tích Lịch sử văn hóa Đền Trần (cách Đền Trần hơn 200 m). Đây là một trong những ngôi chùa cổ, lưu giữ nhiều bảo vật thời nhà Trần.
Chùa Phổ Minh còn được gọi là chùa Tháp, tọa lạc ở thôn Tức Mạc, xã Lộc Vượng, thuộc tỉnh Nam Định. Chùa thờ tượng Trúc Lâm Tam Tổ (Trần Nhân Tông nhập Niết bàn, Pháp Loa và Huyền Quang). Căn cứ vào văn bia sắc phong cũng như các thư tịch cổ, ngôi chùa được xây dựng từ thời Lý, đến năm 1262 nhà Trần mở rộng với quy mô bề thế hơn. Chùa được coi là đại danh lam của nước Việt xưa gắn liền với những nhân vật lịch sử thời Trần.
Công trình kiến trúc có giá trị nhất, giữ vai trò chủ đạo của chùa là tháp Phổ Minh. Tháp được xây dựng vào năm 1305, dưới thời vua Trần Anh Tông, là bảo vật tượng trưng một thời Hào khí Đông A nhà Trần. Đây là ngôi chùa có tháp bằng gạch lớn nhất, cổ nhất và còn nguyên vẹn nhất ở Việt Nam cho đến ngày nay.
Tháp Phổ Minh cao 19,51 m, có 14 tầng, càng lên cao, tháp càng thu hẹp dần và kết thúc bằng một khối đá hình bông sen. Hai tầng dưới làm bằng đá mỗi chiều dài 5,2 m. Các tầng còn lại xây bằng gạch bắt mạch để trần. Theo tính toán của các nhà khoa học, tháp nặng tới 700 tấn. Hình ảnh ngôi tháp được in trên tờ tiền mệnh giá 100 đồng chính là tháp Phổ Minh.
Xung quanh 4 mặt ngôi tháp có xây dựng tường bao. Các tường đều thiết kế lối ra vào tháp, được trang trí bằng những đôi rồng đá.
Theo sử sách ghi lại, vào năm 1308, Phật hoàng Trần Nhân Tông băng hà ở am Ngọa Vân trên ngọn Tử Phong - Yên Tử (theo Đại Việt Sử Ký toàn thư, kỷ Anh Tông). Vua nối ngôi là Trần Anh Tông đã sai người làm kiệu bát cống bằng đá và xây tòa tháp lên trên, sau đó đặt 7 trong số 21 viên xá lị của ngài vào hòm đá quý, đưa vào trong tháp Phổ Minh ở trước cửa chùa.
Sau này, khoảng đến năm 1987, một số tầng tháp phía trên bị rễ cây xâm thực gây nứt rạn và được ngành văn hóa tu sửa. Thời điểm tu sửa, họ phát hiện tại vị trí tầng 11, 12 của tháp có một quách bằng đá vây quanh một hộp đồng. Theo nhân dân truyền tụng thì đây có thể là hộp đựng xá lỵ của Phật hoàng Trần Nhân Tông.
Kiến trúc chùa Phổ Minh gồm Cổng Tam quan, Tiền đường, Thiêu hương, Thượng điện, tháp Phổ Minh, hành lang, nhà tổ, phủ Mẫu… Ngoài ra, trong khuôn viên chùa còn có hai cây muỗm cổ thụ, được công nhận là cây di sản Việt Nam.
Các công trình kiến trúc trong chùa được chạm khắc tinh xảo mang đậm dấu ấn của thời Trần. Chùa Phổ Minh cũng là nơi lưu giữ được nhiều cổ vật giá trị, góp phần quan trọng vào việc nghiên cứu về kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội của nước ta dưới triều Trần.
Bộ tượng Trúc Lâm tam tổ - là bảo vật quốc gia đang được chùa lưu giữ, thờ tự tại thượng điện. Bộ tượng có niên đại từ thế kỷ XVII, hiện trạng còn nguyên vẹn, được tạo tác bằng chất liệu gỗ, sơn son, thếp vàng, khắc họa 3 vị Tổ của thiền phái Trúc Lâm gồm Đệ nhất Tổ Phật hoàng Trần Nhân Tông, Đệ nhị Tổ Pháp Loa và Đệ tam Tổ Huyền Quang. Mỗi pho tượng có trọng lượng khoảng 150 kg.
Chính giữa thượng điện là tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông dài 1,6 m, tạc liền khối, tư thế nhập niết bàn. Mặt tượng vuông, sống mũi thẳng, mắt nhắm, miệng mỉm cười, tai to dài, tóc xoắn ốc tròn. Tay trái chống đầu, tay phải duỗi thẳng. Thân tượng mặc áo Phật, trùm sát chân. Hai cánh tay, một phần vai và thân để trần.
Đức Vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông là người đã sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm, đưa chùa Phổ Minh trở thành một trung tâm tôn giáo lớn của quốc gia Đại Việt.
Phía bên trái tượng Trần Nhân Tông là tượng Huyền Quang ngồi, chân đi hài, tóc cạo, mặt vuông, mũi cao, lông mày lưỡi mác, mắt nhìn thẳng, miệng mỉm cười, tai to nhưng không chảy. Bên phải là tượng Pháp Loa ngồi thiền, tóc cạo, mặt cân đối, mũi cao, tay dài, thần thái từ bi, phúc hậu. Thân tượng khoác áo cà sa. Chân áo xếp cánh hoa sen.
Với những giá trị đặc biệt về lịch sử và kiến trúc nghệ thuật của di tích, năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật đền Trần và chùa Phổ Minh là Di tích quốc gia đặc biệt.