> Hành trình về VN của viên ngọc bích lớn nhất thế giới
> Viên ngọc bích lớn nhất thế giới về Việt Nam
Myanmar có trữ lượng ngọc bích lớn, nhưng đang bị khai thác lãng phí. Ảnh: Business Insider. |
"Năm ngoái, tôi tìm được cục ngọc bích trị giá 50 triệu kyat", Reuters dẫn lời anh Tin Tun kể về lần sục sạo khu vực mỏ ngọc bích vùng tây bắc Myanmar. Khoản tiền tương đương 50.000 USD ấy quá đủ để người đàn ông 38 tuổi này mua đất và xây nhà ở vùng quê. Tuy nhiên, những người như anh Tin Tun rất hiếm khi tìm được cục ngọc bích như vậy, khi kho đá quý này của Myanmar đang bị khai thác trên quy mô công nghiệp để cung cấp cho khách hàng Trung Quốc.
Năm ngoái, nhiều cuộc biểu tình diễn ra trước mỏ đồng Letpadaung tại vùng tây bắc Myanmar, dẫn tới đợt trấn áp bạo lực của cảnh sát. Hai công ty khai thác mỏ là UMEHL và Myanmar Wanbao thu lợi chính, còn chính phủ Myanmar chỉ được 4%. Thỏa thuận này bị sửa đổi vào tháng 7 năm nay để xoa dịu cơn giận dữ của người dân. Giờ đây, chính phủ thu 51% lợi nhuận, còn UMEHL và Myanmar Wanbao nhận tương ứng 30% và 19%. |
Theo các chuyên gia kinh tế, gần một nửa lượng ngọc bích của Myanmar được bán qua đường "không chính thức", nghĩa là được bán qua biên giới sang Trung Quốc mà chỉ bị đánh thuế rất ít hoặc không, nghĩa là Myanmar thất thu nhiều tỷ đô-la mỗi năm.
Myanmar khai thác hơn 43.000 tấn ngọc bích trong năm tài khóa 2011-2012. Nếu chỉ được bán với mức giá 100 USD/kg thì lượng ngọc bích này cũng mang về 4,3 tỷ USD. Nhưng số liệu doanh thu chính thức từ xuất khẩu ngọc bích chỉ là 34 triệu USD.
Trong khi đó, Trung Quốc không báo cáo công khai sản lượng ngọc bích nhập khẩu từ Myanamar, vì ngọc bích được tính gộp vào đá và kim loại quý, với tổng trị giá 293 triệu USD năm 2012.
Sự lãng phí tài nguyên này nói lên thách thức không nhỏ ở Myanmar, một nước nghèo nhưng giàu tài nguyên thiên nhiên như dầu mỏ, gỗ, kim loại quý...? Từ khi chính phủ theo đường lối cải tổ lên nắm quyền vào tháng 3/2012, Myanmar đặt hy vọng nền kinh tế sẽ đi lên nhờ trợ giúp và đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế cho rằng, sự thịnh vượng và đoàn kết của Myanmar có lẽ phụ thuộc việc tăng nguồn thu từ tài nguyên thiên nhiên. Trung tâm Ash thuộc Đại học Harvard (Mỹ), chuyên tư vấn cho chính quyền bán dân sự Myanmar, công bố một báo cáo hồi tháng 7 nói rằng, doanh thu ngọc bích của Myanmar năm 2011 là 8 tỷ USD, hơn gấp đôi doanh thu từ khí tự nhiên và gần 1/6 GDP của nước này trong năm đó.
"Thực tế thì chẳng có gì chảy vào túi chính phủ. Điều họ cần là một hệ thống tài chính công hiện đại, trong đó chính phủ có thể thu được một vài phần từ ngành khai mỏ này", David Dapice, đồng tác giả của báo cáo, nhận xét.
Bí mật ai cũng biết
Vùng Hpakant thuộc bang Kachin là một khu vực có địa hình gồ ghề bị kẹp giữa Trung Quốc và Ấn Độ. Đường dẫn tới Hpakant có nhiều ổ gà, nhưng xe cộ vẫn qua lại không mấy khó khăn. Dân thường Myanmar không được phép vào đây, nhưng taxi vẫn thường đưa các thương lái Trung Quốc vào với mức giá rất cao mà một phần trong đó được dùng để hối lộ qua cửa kiểm soát.
Lý do công khai của việc hạn chế người dân vào Hpakant là an ninh: Quân đội Myanmar và KIA từ lâu đã tranh giành quyền kiểm soát con đường được cho là có đầy mìn. Tuy nhiên, lệnh cấm này được cho là để che giấu chi phí xã hội khủng khiếp của hoạt động khai thác ngọc bích: Những vụ tai nạn trong khai thác ngọc bích khiến nhiều người chết, tỷ lệ nghiện ma túy và lây nhiễm HIV cao.
Mỹ cấm nhập ngọc bích, hồng ngọc và các loại đá quý khác của Myanmar từ năm 2008, nhằm làm giảm nguồn thu của chính quyền quân sự Myanmar hồi đó, nhưng nhu cầu quá cao của Trung Quốc khiến lệnh cấm của Mỹ chẳng có mấy tác dụng.
Các công ty nước ngoài không được phép khai thác ngọc bích ở Myanmar, nhưng ngành khai mỏ cần rất nhiều vốn. Nhiều nhà buôn ngọc bích và người trong ngành nói rằng, một bí mật mà ai cũng biết là phần lớn trong số khoảng 20 mỏ khai thác ngọc bích ở Hpakant đang thuộc quyền sở hữu của các công ty Trung Quốc hoặc đại diện.
"Tất nhiên, một ít lợi nhuận chảy vào chính phủ, nhưng hầu như vào túi các gia đình Trung Quốc hoặc gia đình của cựu quan chức chính phủ Myanmar", ông Yup Zaw Hkawng, Chủ tịch Cty Khai khoáng Jadeland tại Hpakant, nói.
TRÚC QUỲNH
Theo Business Insider, Strait Times