Ngoài VN, triển lãm xác người từng có ở 60 thành phố đều gây tranh cãi

Mô hình thi thể người trong một triển lãm. Ảnh: DPA
Mô hình thi thể người trong một triển lãm. Ảnh: DPA
TPO - Không chỉ ở Việt Nam, triển lãm xác người đều để lại không ít tranh cãi ở mỗi thành phố trên thế giới mà nó đi qua.

Triển lãm "Sự bí ẩn đặc biệt của cơ thể người" (Mystery of human body), diễn ra ở TP.HCM từ ngày 20/6 và dự kiến kéo dài đến 31/12 năm nay, đang thu hút sự quan tâm của công chúng trong nước với những luồng ý kiến trái chiều.

Tuy nhiên, không chỉ ở Việt Nam, mỗi lần triển lãm xác chết này ghé thăm các thành phố lớn trên thế giới đều để lại những tranh cãi gay gắt liên quan đến đạo đức, cũng như vấn đề pháp lý.

Ngược dòng lịch sử của triển lãm xác chết và nội tạng người, vào năm 1977, vợ chồng giáo sư người Đức Angelina Whalley và Gunther von Hagens đã sáng tạo ra biện pháp bảo quản cơ thể người, được gọi là công nghệ nhựa hoá, để phục vụ giảng dạy tại Đại học Heidelberg (Đức). Thuật ngữ “nhựa hóa” đề cập đến quá trình bảo tồn thi thể bằng cách loại bỏ nước, chất béo và thay thế bằng nhựa, ngăn chặn quá trình phân hủy tự nhiên.

Sau đó, hai người thành lập triển lãm Body Worlds và thực hiện các chuyến lưu diễn trên khắp thế giới, do Viện Von Hagens Plastination – cũng do cặp đôi nhà khoa học sáng lập – chịu trách nhiệm tổ chức.

Body Worlds lần đầu tiên được giới thiệu tại Tokyo vào năm 1995. Phía Von Hagens tuyên bố, mục đích của triển lãm là để cung cấp kiến thức cho công chúng về cơ thể con người, từ đó nâng cao nhận thức về bảo vệ sức khoẻ.

Theo Viện Von Hagens Plastination, tất cả thi thể được nhựa hoá đều có có được một cách tự nguyện thông qua chương trình hiến tặng cơ thể. Theo thống kê năm 2017, hơn 17.000 người đã hiến tặng thi thể cho Viện Von Hagens Plastination. Mỗi triển lãm Body Worlds có khoảng 25 mẫu toàn cơ thể, cùng với những các mẫu lát cắt và nhiều cơ quan trong cơ thể khác.

Để sản xuất mẫu vật cho Body Worlds, Von Hagens tuyển dụng hàng trăm người làm việc tại 5 phòng thí nghiệm ở ba nước Trung Quốc, Đức và Kyrgyzstan. Mỗi phòng thí nghiệm được phân loại theo chuyên ngành, trong đó phòng thí nghiệm ở Trung Quốc còn tập trung vào các mô hình nhựa hoá thi thể động vật.

Ngoài VN, triển lãm xác người từng có ở 60 thành phố đều gây tranh cãi ảnh 1 Một xưởng gia công thi thể người ở Trung Quốc.

Đến nay, triển lãm Body Worlds đã được tổ chức ở hơn 60 thành phố và địa điểm ở Bắc Mỹ, châu Âu và châu Á, thu hút hơn 60 triệu lượt khách tham quan, mang về cho Von Hagens số tiền khổng lồ tính bằng tỷ USD.

Đáng nói, tại mỗi thành phố mà triển lãm xác chết đi qua đều tạo ra làn sóng tranh cãi. Bên cạnh những người ủng hộ, đa số lên án việc trưng bày thi thể theo cách này là xúc phạm đến người đã khuất, bên tổ chức đã biến những xác chết thành mẫu vật để phục vụ sự tò mò. Thậm chí, Von Hagens còn bị gọi là “Tiến sĩ Frankenstein thời hiện đại”.

Đáng nói hơn, trong sự kiện triển lãm ở Berlin (Đức) năm 2009, Von Hagens cho trưng bày mô hình hai thi thể nam nữ trong tư thế quan hệ tình dục. Một lần nữa giáo sư người Đức vấp phải những chỉ trích, có người cho rằng sự kiện mang tính “đồi trụy”, trong khi không giới hạn độ tuổi khách dự triển lãm.

Vợ chồng Von Hagens cũng gặp các rắc rối liên quan đến nguồn gốc các thi thể. Trong khi, phía ban tổ chức triển lãm khẳng định, các mô hình được cải tạo từ những thi thể hiến cho y học. Không ít báo chí, truyền thông quốc tế cáo buộc, những xác chết mà Von Hagens có được là những tù nhân bị hành hình. Dĩ nhiên, vợ chồng nhà khoa học phủ nhận cáo buộc này.

Ban tổ chức triển lãm cũng bị tố không minh bạch trong việc công khai các giấy tờ chứng nhận nguồn gốc thi thể, cũng như giấy đồng ý trưng bày thi thể từ bên hiến tặng. Đồng thời, việc ban tổ chức thu vé vào khiến triển lãm có yếu tố thương mại, bị cho là kinh doanh trên thi thể con người – hành vi sai trái quy định trong pháp luật quốc tế.

Ngoài VN, triển lãm xác người từng có ở 60 thành phố đều gây tranh cãi ảnh 2 Giáo sư Gunther von Hagens bên cạnh các thi thể nhựa hóa. Ảnh: DPA

Đáp lại những cáo buộc, bà Angelina Whalley từng tuyên bố, hầu hết những lời chỉ trích đều đến từ những người chưa xem Body Worlds. Vợ của giáo sư Von Hagens khẳng định, sự kiện có ý nghĩa giáo dục con người về giải phẫu học và sức khỏe, chứ không để thỏa mãn sự hiếu kỳ của con người.

Không chỉ phản ứng trong dư luận, nhiều quốc gia trên thế giới cũng xây dựng khung pháp lý liên quan đến thi thể con người.

Vào ngày 21/4/2009, một thẩm phán Pháp đã ra phán quyết yêu cầu triển lãm “Our Body: The Universe Within”, diễn ra ở Paris, phải đóng cửa trong vòng 24h hoặc đối mặt với khoản tiên phạt 26.000 USD cho mỗi ngày mở cửa đón khách. Phán quyết nêu rõ, nơi phù hợp cho xác chết là ở nghĩa trang, việc trưng bày xác chết vì mục đích lợi nhuận là xúc phạm thi thể. Thẩm phán này cũng ra lệnh cho cơ quan thực thi pháp luật thu giữ 17 mô hình thi thể trưng bày, cũng như tất cả các tiêu bản nội tạng.

Gunther Von Hagens sau đó lên tiếng khẳng định, triển lãm bị cấm trên không liên quan đến thương hiệu “Body Worlds” của ông – trước đó từng tổ chức thành công ở Lyon và Marseille (Pháp) vào năm 2008.

Anh và xứ Wales cũng ra văn bản pháp lý có tên Human Tissue Act 2004, đòi hỏi việc trưng bày thi thể và nội tạng nhựa hóa phải có giấy phép của Human Tissue Authority (HTA), cơ quan quản lý hoạt động hiến nội tạng tại Anh.

Trong khi nhiều tiểu bang của Mỹ như California, Florida, New York, Pennsylvania … quy định, đơn vị tổ chức triển lãm thi thể người phải chứng minh được nguồn gốc hợp pháp của các mẫu vật, giấy chứng minh có sự đồng ý của người hiến xác, hoặc người thân, về việc trưng bày thi thể.

Bên cạnh Body Worlds của vợ chồng giáo sư người Đức, Bodies… The Exhibition của đối thủ Tùy Hồng Cẩm (Đại học Y Đại Liên, Trung Quốc) là thương hiệu triển lãm thi thể và nội tạng người có tiếng nhất trên thế giới.

Ông Tùy vốn là học trò cũ của Von Hagens, và từng được vị giáo sư người Đức thuê quản lý, tổ chức sản xuất các thi thể nhựa hóa. Tuy nhiên, Tùy Hồng Cẩm đã qua mặt ông Von Hagens, bắt tay với Premier Exhibitions (một công ty chuyên tổ chức triển lãm lưu động có trụ sở tại Atlanta, Mỹ) để tổ chức những cuộc triển lãm tương tự như thế tại nhiều quốc gia.

Cũng như Body Worlds, Bodies… The Exhibition và Tùy Hồng Cẩm cũng vấp phải những rắc rối về nguồn gốc thi thể được nhựa hóa, thu lợi trên thi thể người, xâm phạm quan niệm về đạo đức…

Theo Theo The Local, Wikipedia, France24
MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.