Ngoại trưởng Trung Quốc sang Nhật 'dò đường'?

Ông Toshimitsu Motegi (phải) và ông Vương Nghị trong cuộc gặp tại Tokyo ngày 24/11. Ảnh: AP
Ông Toshimitsu Motegi (phải) và ông Vương Nghị trong cuộc gặp tại Tokyo ngày 24/11. Ảnh: AP
TP - Ngày 24/11, Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị đồng ý nối lại hoạt động đi lại cho doanh nhân hai nước từ cuối tháng này, sau nhiều tháng đàm phán trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn phức tạp.

Thỏa thuận đạt được trong chuyến thăm kéo dài 2 ngày đến Nhật Bản của Ngoại trưởng Trung Quốc mà giới phân tích cho rằng nhằm thực hiện 2 mục tiêu: tái khẳng định quan hệ ngoại giao với chính quyền mới của Nhật và đo lường thái độ của Tokyo trong quan hệ song phương và hợp tác với Mỹ sau khi tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden tuyên thệ vào ngày 20/1.

Ông Vương đến Tokyo từ hôm qua và chương trình thảo luận với ông Motegi bao gồm các vấn đề hợp tác kinh tế, an ninh biển và an ninh quốc gia, giao lưu văn hoá và nhân dân. Hôm nay, ông Vương dự kiến gặp Thủ tướng Yoshihide Suga và Tổng thư ký đảng Dân chủ Tự do Toshihiro Nikai, một người có quan hệ sâu sắc với Bắc Kinh và được đánh giá là ôn hoà so với đa số có tư tưởng bảo thủ trong đảng, Reuters đưa tin.

Chuyến thăm của ông Vương đánh dấu việc nối lại hoạt động ngoại giao trực tiếp giữa hai nước, sau thời gian bị gián đoạn vì đại dịch COVID-19. Đây cũng là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên của ông Suga với một quan chức cấp cao chính phủ Trung Quốc kể từ khi ông lên nắm quyền hồi tháng 9.

Trong thời gian dịch bệnh ngăn cản các hoạt động gặp gỡ trực tiếp, quan hệ song phương Trung - Nhật cũng trở nên bấp bênh khi Nhật Bản liên tục tố Trung Quốc vi phạm vùng biển mà nước này đang quản lý nhưng Bắc Kinh cũng có yêu sách.

Chuyến thăm của ông Vương Nghị diễn ra vào thời điểm bấp bênh với Bắc Kinh vì đang phải đối mặt với môi trường ngày càng thù địch và những nỗ lực của các bên nhằm kiềm chế tham vọng của nước này trên biển Đông và Hoa Đông. Trên biển Hoa Đông, Trung Quốc tiếp tục điều các tàu tuần tra công vụ đến gần quần đảo Senkaku mà Nhật Bản quản lý nhưng Bắc Kinh cũng đòi chủ quyền và gọi là Điếu Ngư.

Giới chức ở Bắc Kinh cho rằng Nhật và các đối tác khu vực đang tạo nên một tổ chức an ninh tập thể tương tự như NATO châu Á để đối phó Trung Quốc. Thủ tướng Suga và người đồng cấp Úc Scott Morrison trong cuộc gặp tuần trước tại Tokyo đã đạt được một thoả thuận quốc phòng sâu rộng để tăng cường hợp tác giữa hai quân đội, khiến Trung Quốc khó chịu.

Khi ông Motegi tổ chức Đối thoại an ninh Bộ Tứ vào tháng trước, với sự tham dự của các ngoại trưởng Ấn Độ, Úc và Mỹ, để thảo luận tình hình an ninh khu vực, đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng “việc lập bè phái khép kín và độc quyền sẽ không giúp xây dựng lòng tin và hợp tác”.

“Ông Vương sẽ thăm dò, và có thể cố gắng làm yếu cam kết của Nhật Bản đối với Bộ Tứ”, Ralph Cossa, Chủ tịch danh dự của Diễn đàn Thái Bình Dương, một tổ chức nghiên cứu và tư vấn chính sách ở Hawaii, nói với báo Japan Times.

MỚI - NÓNG