Ngoại trưởng Mỹ đến Ả-rập Xê-út khi hy vọng đạt được đột phá ở Trung Đông mờ dần

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đến Ả-rập Xê-út, khi hy vọng đạt được một thoả thuận mang tính bước ngoặt dẫn đến việc vương quốc này công nhận Israel đang vấp phải những thách thức khổng lồ.
Ngoại trưởng Mỹ đến Ả-rập Xê-út khi hy vọng đạt được đột phá ở Trung Đông mờ dần ảnh 1

Ngoại trưởng Mỹ Anton Blinken. (Ảnh: Reuters)

Chuyến thăm diễn ra gần 7 tháng sau khi xung đột bùng phát ở Dải Gaza, cản trở Tổng thống Mỹ Joe Biden đạt được thành tựu đối ngoại mang tính dấu ấn.

Tháng 9 năm ngoái, trước khi Hamas thực hiện cuộc tấn công Israel vào ngày 7/10, Thái tử Ả-rập Xê-út Mohammed bin Salman nói với Fox News rằng “mỗi ngày chúng tôi đều tiến gần hơn” tới thỏa thuận. Việc hai bên đạt được thoả thuận này cũng sẽ củng cố quan hệ đối tác an ninh Washington-Riyadh.

Tuy nhiên, Thái tử Mohammed cũng cho biết vấn đề Palestine “rất quan trọng” đối với Riyadh.

Khi giao tranh kéo dài và các nhà hòa giải vẫn đang nỗ lực để đạt được thỏa thuận ngừng bắn, các quan chức Ả-rập Xê-út nhắc lại quan điểm kiên quyết của họ về việc công nhận một nhà nước Palestine độc lập.

Tháng 1 năm nay, Công chúa Reema bint Bandar al-Saud, Đại sứ Ả-rập Xê-út ở Mỹ, phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới rằng, việc bình thường hóa sẽ không thể thực hiện được nếu không có con đường tiến tới việc thành lập một nhà nước như vậy.

Theo các nhà phân tích, dù không có gì ngạc nhiên khi Ả-rập Xê-út gắn việc bình thường hoá với giải pháp cho cuộc xung đột giữa Israel và Palestine, nhưng cái giá phải trả cho việc bình thường hóa, đặc biệt trong vấn đề Palestine, chắc chắn đã cao hơn.

Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, trong cuộc hội đàm tại Riyadh đầu tuần tới, Ngoại trưởng Blinken sẽ thảo luận về "con đường tiến tới một nhà nước Palestine độc lập với sự đảm bảo an ninh cho Israel".

Ả-rập Xê-út, nơi có các địa điểm linh thiêng nhất của Hồi giáo, chưa bao giờ công nhận Israel và không tham gia Hiệp định Abraham do Mỹ làm trung gian năm 2020. Hiệp định này dẫn đến việc các quốc gia láng giềng vùng Vịnh là Bahrain và UAE cùng Maroc thiết lập quan hệ chính thức với Israel.

Trong phát biểu đưa ra năm 2019, ông Biden tuyên bố sẽ coi Thái tử Mohammed là "kẻ ngoài lề" vì vấn đề nhân quyền.

Nhưng sau khi Tổng thống Biden thăm thành phố Jeddah và gặp Thái tử Mohammed năm 2022, chính quyền của ông tích cực thúc đẩy thỏa thuận giữa Ả-rập Xê-út và Israel dựa trên Hiệp định Abraham, dù đây là chiến thắng về chính sách đối ngoại của người tiền nhiệm Donald Trump.

Ả-rập Xê-út muốn nhiều hơn những gì các nước vùng Vịnh có được, muốn nhận được đảm bảo an ninh của Mỹ và hỗ trợ phát triển chương trình hạt nhân dân sự, bao gồm năng lực làm giàu uranium.

Tuy nhiên, ngay cả khi không có xung đột ở Dải Gaza, việc ký được thoả thuận giữa Ả-rập Xê-út – Israel - Mỹ vẫn sẽ là nhiệm vụ khó khăn.

Bất kỳ thoả thuận quốc phòng nào giữa Mỹ với Ả-rập Xê-út cũng cần Quốc hội Mỹ thông qua. Sự thù địch trong mùa bầu cử năm nay khiến hai đảng khó có thể thống nhất quan điểm.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nhiều lần phản đối giải pháp hai nhà nước. Tháng trước, ông nói rằng Israel bác bỏ mọi nỗ lực nhằm "đâm vào cổ họng chúng tôi".

Với quan điểm kiên quyết của Ả-rập Xê-út, điều đó có nghĩa là Mỹ khó có khả năng đạt được bước đột phá trong tương lai gần.

Theo AP
MỚI - NÓNG