Ngoại giao phải đi đầu trong kiến tạo hòa bình, bảo vệ Tổ quốc (*)

Ngoại giao phải đi đầu trong kiến tạo hòa bình, bảo vệ Tổ quốc (*)
TP - Hội nghị Ngoại giao lần thứ 28 với chủ đề “Ngoại giao chủ động, tích cực hội nhập quốc tế” khai mạc sáng 16/12 tại Hà Nội. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

> Quân đội xứng đáng là lực lượng tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng biểu dương toàn ngành đối ngoại về những thành tích nổi bật trong những năm qua, đồng thời chỉ rõ, trong những năm tiếp theo, tình hình thế giới và khu vực sẽ còn diễn biến phức tạp...

Trong bối cảnh đó, công tác đối ngoại cần tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ giữ vững môi trường hòa bình, thuận lợi để phát triển; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa; nâng cao vị thế của đất nước... Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh, Hội nghị được tổ chức trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế có nhiều chuyển biến quan trọng. Bên cạnh xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển, tình hình thế giới và khu vực vẫn tiếp tục có những diến biến phức tạp; các thách thức đa chiều đang tác động trực tiếp đến môi trường an ninh và phát triển của Việt Nam.

Kéo dài đến ngày 20/12, Hội nghị tập trung kiểm điểm, đánh giá việc triển khai đường lối đối ngoại và chủ trương hội nhập quốc tế trong nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng XI, tiếp tục xác định các biện pháp toàn diện, hiệu quả để thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại của Đảng trong các năm tới.

Tiền Phong xin trích đăng bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (toàn văn bài phát biểu đăng trên báo Tiền Phong điện tử tienphong.vn).

Nghị quyết Đại hội XI của Đảng ta đã chỉ rõ phương hướng, nhiệm vụ đối ngoại là: Giữ vững môi trường hoà bình, thuận lợi để phát triển; bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa; nâng cao vị thế của đất nước; góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới. Các nhiệm vụ này liên quan chặt chẽ với nhau, tác động qua lại và bổ sung cho nhau. Mới đây, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI đã ban hành Nghị quyết 28 về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 22 về hội nhập quốc tế để tiếp tục cụ thể hoá Nghị quyết Đại hội XI trên lĩnh vực này.

Nhiệm vụ hàng đầu của ngành Ngoại giao là phải tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các quan điểm và tư tưởng chỉ đạo của Đảng, chủ động, tích cực vận động, xây dựng và tranh thủ những cơ hội mới để xây dựng và bảo vệ đất nước. Cụ thể là phải làm tốt một số công việc sau đây:

 Trong thời chiến, người lính phải đi đầu trong chiến tranh, bảo vệ đất nước. Trong thời bình, cán bộ ngoại giao phải đi đầu trong kiến tạo hoà bình, bảo vệ Tổ quốc và thu hút nguồn lực cho phát triển đất nước. Chúng ta phải nắm vững và vận dụng nhuần nhuyễn bài học của ông cha ta là: “Dựng nước đi đôi với giữ nước”, “giữ nước từ khi nước chưa nguy”, có kế sách ngăn ngừa, loại bỏ các nguy cơ chiến tranh từ sớm, từ xa.  

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Một là, tiếp tục đóng vai trò đi đầu trong việc bảo đảm môi trường hoà bình thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá và các nhiệm vụ chiến lược về phát triển kinh tế - xã hội để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Trong thời chiến, người lính phải đi đầu trong chiến tranh, bảo vệ đất nước. Trong thời bình, cán bộ ngoại giao phải đi đầu trong kiến tạo hoà bình, bảo vệ Tổ quốc và thu hút nguồn lực cho phát triển đất nước. Chúng ta phải nắm vững và vận dụng nhuần nhuyễn bài học của ông cha ta là: “Dựng nước đi đôi với giữ nước”, “giữ nước từ khi nước chưa nguy”, có kế sách ngăn ngừa, loại bỏ các nguy cơ chiến tranh từ sớm, từ xa. Nghĩa là làm sao cho kinh tế phải vững, quốc phòng phải mạnh, lòng dân phải yên, chính trị - xã hội ổn định, cả dân tộc là một khối đoàn kết thống nhất. Nhằm mục đích đó, cần phải xây dựng được những mối quan hệ song phương và đa phương ổn định; tìm kiếm được nhiều đối tác, mở rộng đa dạng hoá thị trường. Yêu cầu này càng trở nên cấp bách khi cuộc chạy đua về kinh tế, cuộc cạnh tranh về đối tác và thị trường đang diễn ra quyết liệt; nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế vẫn là nguy cơ dễ xảy ra đối với một nước đang phát triển như nước ta.

Hai là, kiên trì đường lối đổi mới, đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ quốc tế; đưa các mối quan hệ láng giềng thân thiện, hữu nghị, quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện đi vào chiều sâu thực chất, tạo dựng sự gắn bó hữu cơ về lợi ích an ninh và phát triển giữa nước ta với các đối tác. Hiện nay, bên cạnh việc duy trì và không ngừng củng cố quan hệ hữu nghị với các nước láng giềng, nước ta đã có quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với hơn 20 nước, trong đó có tất cả các nước lớn, các nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Các mối quan hệ này đang tạo ra bước chuyển mới về chất trong hoạt động đối ngoại, cần được tiếp tục phát huy và làm sâu sắc hơn nhằm tạo thêm thuận lợi cho việc chủ động và tích cực hội nhập của đất nước trong giai đoạn mới. Đồng thời, chúng ta cũng kiên trì nguyên tắc không tham gia các liên minh quân sự, không cho phép nước ngoài lập căn cứ quân sự trên lãnh thổ Việt Nam, không đi với nước này chống nước khác.

Ba là, xây dựng lộ trình và các bước đi phù hợp, đưa Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế vào cuộc sống. Tích cực và chủ động tham gia các cơ chế đa phương khu vực và quốc tế mà chúng ta có lợi ích thiết thân, nhằm góp phần vào quá trình hình thành cục diện chiến lược mới về địa chính trị, địa kinh tế ở châu Á - Thái Bình Dương, xác định được vị trí tối ưu cho đất nước trong cục diện mới. Trong hoạch định và triển khai chính sách hội nhập, cần nhận thức đầy đủ cả hai mặt thuận lợi và khó khăn, cơ hội và thách thức luôn đan xen nhau; hết sức tránh đơn giản, phiến diện, chỉ nhấn mạnh cơ hội, không thấy được thách thức, hoặc ngược lại...

Bốn là, kiên trì xử lý đúng đắn vấn đề biên giới, lãnh thổ, trước hết là tranh chấp ở biển Đông. Đây là một trong những vấn đề then chốt nhất bảo đảm môi trường hoà bình, ổn định của đất nước, cả trước mắt và lâu dài. Biên giới, lãnh thổ là vấn đề nhạy cảm đối với mọi quốc gia, dân tộc. Dân tộc ta đã chiến đấu, chịu đựng nhiều mất mát, hy sinh để giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ nên vấn đề độc lập, chủ quyền, biên giới, lãnh thổ lại càng thiêng liêng. Trong thời gian qua, bằng nỗ lực to lớn, kiên trì của nước ta và các nước, chúng ta đã giải quyết được nhiều vấn đề liên quan đến biên giới, lãnh thổ. Nhưng những vấn đề còn đang tồn tại lại là những vấn đề rất phức tạp về pháp lý cũng như về lịch sử và thực tiễn. Chúng ta kiên trì giải quyết những vấn đề này bằng biện pháp hoà bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và tinh thần hữu nghị, hợp tác. Về vấn đề biển Đông, trong khi chưa đạt được các giải pháp cơ bản và lâu dài, chúng ta trước sau như một, cùng các nước triệt để tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, tôn trọng Tuyên bố giữa ASEAN và Trung Quốc về cách ứng xử trên biển Đông (DOC), nỗ lực cùng các nước ASEAN và Trung Quốc xây dựng một Bộ quy tắc ứng xử (COC) thực sự có hiệu lực trong việc quản lý tranh chấp và ngăn ngừa xung đột ở biển Đông.

Năm là, tiếp tục đẩy mạnh ngoại giao văn hoá, thông tin đối ngoại, tăng cường phổ biến và đề cao những giá trị văn hoá của dân tộc, góp phần nâng cao vai trò, uy tín và hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế. Tiếp tục thực hiện thắng lợi Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài...

Sáu là, tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu cơ bản và dự báo chiến lược. Tình hình khu vực và thế giới biến chuyển nhanh chóng; tình hình nội bộ và chính sách đối ngoại của các đối tác lớn, các đối tác chủ chốt của chúng ta cũng không ngừng biến đổi. Do vậy, cần đặc biệt coi trọng công tác nghiên cứu và dự báo chiến lược để kịp thời nắm bắt đúng xu thế phát triển của tình hình, góp phần tạo thế chủ động cho đất nước, không để rơi vào tình thế bị động, bất ngờ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổng kết: “Lạc nước hai xe đành bỏ phí, gặp thời một tốt cũng thành công”. Nắm được thời cơ để sẵn sàng chớp lấy, nắm được xu thế để đề ra chủ trương, chính sách phù hợp là nguyên lý phổ biến, song việc thực hiện trong thực tế luôn đặt ra những bài toán khó, chỉ có thể giải đáp được một khi chúng ta có những phân tích dự báo chiến lược chuẩn xác.

Bảy là, kiên định nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối và thống nhất quản lý hoạt động đối ngoại. Thống nhất quản lý đối ngoại cả về chính trị, kinh tế, văn hoá, quốc phòng, an ninh... là một yêu cầu vừa lâu dài, cơ bản, vừa có tính thời sự cấp bách...

Tám là, kiện toàn bộ máy tổ chức và xây dựng đội ngũ cán bộ đối ngoại đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của cách mạng nước ta. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần căn dặn: “Cán bộ là cái gốc của mọi việc”; “Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Tại Hội nghị Ngoại giao cách đây 50 năm, Hồ Chủ tịch đã từng dạy cán bộ ngoại giao: “Một là phải có quan điểm và lập trường của Đảng làm kim chỉ nam. Hai là phải có tư cách đạo đức tốt, không để cá nhân lên trên lợi ích chung. Ba là về phương pháp công tác phải thận trọng, cảnh giác và giữ bí mật nhà nước. Bốn là phải có tinh thần học hỏi và tự lực cánh sinh, tiết kiệm. Năm là phải học tiếng nước ngoài”. Những lời dạy đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người sáng lập ngành Ngoại giao Việt Nam, chính là định hướng xuyên suốt để các cán bộ ngoại giao chúng ta phấn đấu, tu dưỡng và rèn luyện, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó...

(...)

(*) Tít bài do tòa soạn đặt

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Nhận định Man City vs MU, 23h30 ngày 15/12: Cơ hội cho Quỷ đỏ
Nhận định Man City vs MU, 23h30 ngày 15/12: Cơ hội cho Quỷ đỏ
TPO - Nhận định bóng đá Man City vs MU, vòng 16 Ngoại hạng Anh 2024/25 lúc 23h30 ngày 15/12 - thông tin lực lượng, đội hình dự kiến, phong độ, lịch sử đối đầu. Man City đang suy yếu, mang đến cơ hội tuyệt vời để MU tạo ra sự khác biệt sau những kết quả nghèo nàn ở các trận derby Manchester trước.
Pep đáp trả tin đồn thất thiệt trước trận derby Manchester
Pep đáp trả tin đồn thất thiệt trước trận derby Manchester
TPO - Pep Guardiola khẳng định ông "không đánh mất phòng thay đồ" tại Manchester City. Ông tuyên bố rằng ngay khi cảm nhận được các học trò không ủng hộ mình, vị HLV này sẽ rời đi ngay lập tức. Đây là thông điệp đanh thép của Pep nhằm phủ nhận những mâu thuẫn nội bộ tại Man City.