Ngô Hồng Quang - muốn ở Việt Nam không được

Nguyên Lê (trái) và Ngô Hồng Quang tại Paris tháng 6/2014. Ảnh: Nghệ sĩ cung cấp
Nguyên Lê (trái) và Ngô Hồng Quang tại Paris tháng 6/2014. Ảnh: Nghệ sĩ cung cấp
TP - Ngô Hồng Quang trở thành điểm sáng của dòng nhạc world - music ở Việt Nam sau khi ra mắt đĩa Song hành với nhạc sĩ Onno Krijn (Hà Lan) và lưu diễn châu Âu hè 2013 cùng Nguyên Lê.

Sắp tới anh trở lại Hà Lan tu nghiệp hai năm nhờ một suất học bổng đặc biệt dành cho nghệ sĩ không những giỏi mà còn… nghèo.

Hoàn thành 5 năm học sáng tác nhạc đương đại ở Amsterdam, Ngô Hồng Quang đã chán cảnh cơm niêu nước lọ xứ người: “Có cơ hội ở Hà Lan nhưng tôi muốn về vì… ở đấy cũng buồn.

Lạnh quá, mà ở một mình, có đợt cảm giác mình bị trầm cảm. Nhiều khi cũng phải bận tâm nhiều thứ liên quan tài chính”. Tất nhiên về Việt Nam cũng không dễ.

“Ở Việt Nam nhiều khi không có môi trường để làm việc. Lúc đầu về hơi gặp khó khăn trong việc kết hợp với nhạc sĩ ở đây, sau quen dần. Phải theo cái này cái kia, hoặc phải làm những công việc ứng dụng vào đời sống nhiều hơn nghệ thuật”, Quang chia sẻ.

Trong khi đang “đánh vật” với cuộc sống ở quê nhà, Quang nhận được lời mời tu nghiệp từ Nhạc viện Hoàng gia Den Haag ở La Hay, sau khi họ nghe được bản nhạc anh tham gia cuộc thi dành cho các nhà soạn nhạc trẻ ASEAN tại Thái Lan tháng 12/2013.

Tác phẩm viết cho đàn bầu và dàn nhạc mang màu sắc âm nhạc Phật giáo này lọt vào top 3 của cuộc thi. Quang nói thẳng mình không có tiền đi học. Hai tuần sau, Quang nhận được thư của hiệu trưởng cho hay trường quyết định cho Quang học bổng toàn phần, kèm theo căn nhà 2 tầng 4 phòng ngủ.

Một nhà tổ chức biểu diễn khác nhân thể tặng luôn anh tiền ăn tiêu trong thời gian học. Học bổng này dành cho việc nghiên cứu ứng dụng chất liệu dân tộc Việt Nam trong sáng tác - đúng hướng đi Quang đang mong muốn.

Trong nước, dự định thành lập nhóm nhạc riêng của Quang chưa thành vì các thành viên đều bận rộn. Anh và Đức Minh (đàn môi) trở thành khách mời của Lê Cát Trọng Lý trong chuyến biểu diễn tại một Festival âm nhạc ở Pháp đầu năm nay.

Nguyên Lê cũng tham gia Festival này, mời cả nhóm sang sân khấu của mình diễn chung. Quang có chút ngạc nhiên: “Người giỏi thế mà cách làm việc rất hòa đồng!”.

Nguyên Lê tỏ ra đặc biệt hứng thú với Ngô Hồng Quang - nghệ sĩ có nhiều điểm tương đồng với ông: say mê nhạc dân tộc, có khả năng sáng tác và trình tấu ngẫu hứng…

Kết quả là họ tiếp tục diễn ở Pháp và Thụy Sĩ trong chuyến lưu diễn châu Âu hè 2013 của Quang. Đó là những buổi biểu diễn hết sức cơ động, có khi tại nhà thờ, cũng có khi tại thư viện, thậm chí nhà riêng (kiểu một người có nhà to đăng cai làm nơi biểu diễn cho mọi người đến xem).

Vé giá khoảng 15 Euro. Tại Thụy Sĩ, họ được mời diễn trong buổi hòa nhạc đặc biệt chào bình minh diễn ra vào 6h sáng bên hồ Geneva. “Âm nhạc kiểu của tôi có đất sống bên đó”, Quang thông báo.

“Thế mới lạ! Người dân những nước phát triển như Hà Lan rất thích tìm hiểu văn hóa nước khác, chứ nhạc cổ điển, giao hưởng ít người nghe”.

Tất nhiên trong những buổi biểu diễn đối tượng hẹp, nghệ sĩ càng phải để ý đến khẩu vị người nghe. “Chơi bài quá thiên về tư duy, tổ chức âm thanh phức tạp có thể khiến người làm nghề thích, nhưng khán giả lại mệt. Nghe nhạc đương đại, tôi hay bị mệt lắm. Vì tôi hiểu họ đang làm gì, cấu trúc, sắp xếp như thế nào...”, Quang cho hay.

Kể cũng khá lạ. Vì hóa ra Quang được đào tạo 5 năm ở Hà Lan để làm ra loại âm nhạc làm cho chính mình mệt. Vì thế từ nay, anh quyết làm loại nhạc gì khiến cả mình cả khán giả đều vui.

MỚI - NÓNG