Nghiệp gốm

0:00 / 0:00
0:00
TP - Sinh ra từ bùn, ăn cùng bùn, ngủ cạnh bùn nên nghiệp gốm, sứ cứ quấn lấy những lớp người Bát Tràng. Người già, trung niên vẫn mải miết sáng tạo. Lớp thanh niên được ăn học đàng hoàng cũng quay về làng, đẩy nghệ thuật gốm, sứ của làng lên tầm cao mới.
Nghiệp gốm ảnh 1

Nghệ nhân Trần Anh Tú đang thiết kế quà tặng là “hổ Neko” cho năm Nhâm Dần

Gây dựng tên tuổi với bùn đất

Chúng tôi gặp chủ nhân của dòng “gốm Nhị Hà” Vương Thế Cường trong khu Lò Bầu Cổ (có niên đại 500 tuổi trong làng nghề gốm Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội). Đón chúng tôi là người đàn ông mảnh khảnh trông rất “nghệ” với hàng râu kẽm được cắt tỉa gọn gàng. “Gắn với nghề ngay từ thuở còn trong nôi, dường như xen lẫn trong tiếng ru của mẹ là tiếng nhào nặn, tiếng xe xe của bàn xoay vuốt gốm và mùi nồng nồng của đất nên nó ngấm vào máu thịt, hơi thở mất rồi. Lớn lên chút thì chơi với đất, ăn với đất và ngủ với đất”, vừa kể anh Cường vừa lên men cho bộ ấm - chén có in hình “hổ chầu nguyệt”.

Làng gốm Bát Tràng hiện có rất nhiều nghệ nhân tốt nghiệp đại học chuyên ngành mỹ thuật. Trong đó, phải kể đến nghệ nhân Vũ Đức Thắng, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội có bàn tay tài hoa, chuyên sâu về các dòng men màu, với những sản phẩm có tính mỹ thuật cao. Hay như trường hợp độc nhất vô nhị ở Bát Tràng là vợ chồng nghệ nhân Nguyễn Lợi và nghệ nhân Phạm Thị Châu. Cả hai đều là nghệ nhân, đều tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội. Hay như nghệ nhân Lê Quang Quẻ Chiến, họa sỹ, giảng viên Đại học Mỹ thuật Công nghiệp tài hoa và có kiến thức chuyên sâu về gốm sứ. Trẻ hơn nữa có Trần Tú Quỳnh, 30 tuổi, cũng tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội,chuyên làm ấm đất độc lạ, tinh tế, độ chính xác cao, không kém ấm Tử Sa.

Năm 1990, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, đi khắp nơi, làm nhiều nghề, anh lại quay về làng làm gốm. Đến nay, sau 30 năm nhào đất, vuốt bàn xoay, tô tô vẽ vẽ, ở độ tuổi 50, anh là lớp nghệ nhân trung niên tiêu biểu, tiếp nối những nghệ nhân già đi trước. Những năm qua, anh Cường góp phần nâng tầm cho gốm sứ Bát Tràng bằng cách kết hợp gốm, sứ với kỹ nghệ sơn mài của làng Hạ Thái (Thường Tín, Hà Nội) hay dát vàng của làng nghề Kiêu Kỵ (Gia Lâm). Anh từng tung ra thị trường các linh vật bằng gốm dát vàng bán với giá hàng chục, hàng trăm triệu gây chấn động ở Bát Tràng và dư luận trong nước.

Nghiệp gốm ảnh 2

Nghệ nhân Trần Anh Tú đang thiết kế quà tặng là “hổ Neko” cho năm Nhâm Dần

Say mê đặc biệt với những bộ ấm pha trà nên mỗi khi rảnh rỗi, anh thường chú tâm quan sát. Nhìn những chiếc ấm Tử Sa (loại ấm trà màu nâu tím, xuất phát từ vùng Nghi Hưng tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, không tráng men, giữ lại sự thẩm thấu tự nhiên giữa nước trà và chất đất), anh nhận thấy sự tinh tế trong cách lựa chọn nguyên liệu cho đến nghệ thuật chế tác độc đáo của họ rồi dằn vặt: Tại sao người Việt Nam lại không làm được những sản phẩm như thế? Nghĩ là làm. Anh bắt tay nghiên cứu những tài liệu, văn bản cổ của cha ông, kết hợp điền dã đến các vùng đồng bằng, trung du, miền núi tìm nguyên liệu làm gốm. Sau mỗi chuyến đi, những mẫu đất, mảnh quặng được anh sưu tầm được đem ra pha chế, phối trộn để tìm kiếm công thức cho riêng mình. Năm 2016, sau hàng chục năm nghiền ngẫm, tìm tòi, chiếc ấm đầu tiên chính thức ra đời. Anh đặt cho nó cái tên “gốm Nhị Hà» để mang ý nghĩa nhắc nhở, gợi nhớ đến dòng sông Hồng luôn đỏ nặng phù sa hàng nghìn năm bồi đắp cho quê hương có cuộc sống thanh bình, thịnh vượng. Những sản phẩm đầu tiên của anh đến tay công chúng, hầu hết đều được những người sành trà đánh giá đạt được những yêu cầu khắt khe của trà cụ từ chất liệu, khả năng giữ nhiệt, độ ngắt nước khi rót trà…

Nghiệp gốm ảnh 3

Nghệ nhân Vương Thế Cường đang lên men cho bộ ấm Nhị Hà

“Nghề gốm là một nghề cao quý mang tâm huyết, giá trị nghệ thuật văn hoá của Việt Nam, lan tỏa không chỉ trong nước mà còn mang đến bạn bè khắp nơi trên thế giới. Để xây dựng thương hiệu cho riêng mình, được công chúng đón nhận là cả một quãng thời gian. Tôi tin, “gốm Nhị Hà” sẽ được đông đảo người sành trà đón nhận”, nghệ nhân Vương Thế Cường nói và cho biết thêm, ngoài các đơn đặt hàng có sẵn, mỗi tháng, anh cho ra đời khoảng 20 bộ ấm chén Nhị Hà (giá trên 3,5 triệu/bộ) để bán, giới thiệu tại 20 quán trà đạo từ Nghệ An trở ra.

Nghệ nhân làng từ lò Đại học Mỹ thuật Công nghiệp

Tuy mới bước sang tuổi 26 nhưng Trần Anh Tú không hổ thẹn với sự nghiệp cha ông. Tú sinh trưởng trong một gia đình có bố là Nghệ nhân Đức Tân, mẹ là Nghệ nhân Thu Hằng. Ngay từ nhỏ, Tú được thừa hưởng chất “nghệ” đó của bố mẹ. Sau khi theo học ngành kinh tế trở về quê, Tú tiếp tục công cuộc “thổi hồn vào đất”. Tuy nhiên, kiến thức bao la nên càng làm, chàng trai trẻ càng thấy cái nghề mà cha ông để lại mênh mông và rộng lớn.

Năm 2014, Tú quyết định theo học trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, chuyên ngành thiết kế gốm. Càng học, Tú càng ngỡ ngàng khi biết rằng, chưa có bất cứ một tài liệu chuyên sâu, công khai nào về gốm Bát Tràng. Những tài liệu hiện có chỉ là những tài liệu nhỏ lẻ được người đi trước truyền lại cho người đi sau và mỗi gia đình, mỗi nghệ nhân đều có cách thức cảm nhận riêng của mình về gốm. “Say” nghề, Tú bắt đầu tìm tòi những giáo án về gốm của Trung Quốc, Mỹ. Sau những giờ học, Tú và cô em gái đang học ở một trường quốc tế tại Hà Nội lại bắt đầu công cuộc dịch, nghiên cứu tạo mẫu, tạo hình cho lò gốm của gia đình.Tú còn đăng ký các khóa học online với các thầy ở nước ngoài, tham gia các cộng đồng yêu gốm trên thế giới, dự các triển lãm gốm để mở mang, tham khảo, học các thiết kế của các nước như Trung Quốc, Mỹ.

Thành quả đã dần được khẳng định khi những sản phẩm của lò gốm Đức Tân (đặt tên theo bố của Tú) có sức hút đặc biệt với những người mê gốm cả trong và ngoài nước. Những sản phẩm rất riêng của gia đình Tú không chỉ chắt chiu tinh hoa, sự tài khéo của người thợ làng nghề Bát Tràng mà còn được thổi hồn bằng những nét thư pháp của mẹ anh là nghệ nhân Thu Hằng. Tú hiện nay là người thiết kế chính cho các dòng sản phẩm của cha mẹ nhưng anh cũng dành khoảng thời gian thiết kế những sản phẩm của riêng mình. “Hiện tại, em đang gấp rút cho các đơn hàng từ các buổi chia sẻ, các hội nhóm yêu gốm trên thế giới. Các đơn hàng của riêng của em từ các đối tác người Nhật Bản, Pháp… hàng năm có trị giá khoảng 500 triệu/đơn”, Tú bật mí. Tú muốn rằng, sản phẩm mình làm ra phải khác biệt, khi khách cầm trên tay, họ biết ngay đó là sản phẩm của ai làm ra.

MỚI - NÓNG
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
TPO - Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) theo dõi, chỉ đạo được Tòa án các cấp tổ chức xét xử nghiêm túc, đúng tiến độ, đúng pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Tòa án các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 23 vụ án, đã xét xử 19 vụ án; thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 19 vụ án, đã xét xử 9 vụ án và thụ lý theo thủ tục giám đốc thẩm 2 vụ án, đã xét xử 1 vụ án.