Nghiên cứu công nghệ để có thể khai thác bể than Đồng bằng Sông Hồng

Khai thác than (ảnh min họa)
Khai thác than (ảnh min họa)
TPO - Đây là một trong những yêu cầu được nêu ra tại Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị về về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Nghị quyết số 55 về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, nghị quyết đề ra mục tiêu là phát triển các nguồn cung năng lượng sơ cấp theo hướng tăng cường khả năng tự chủ, đa dạng hoá, bảo đảm tính hiệu quả, tin cậy và bền vững

Về than, Nghị  quyết 55 yều cầu xây dựng mới chiến lược phát triển ngành than gắn với nhiệm vụ đầu tư hiệu quả ra nước ngoài và nhập khẩu than dài hạn. Thực hiện dự trữ than phù hợp, đáp ứng yêu cầu cho các hoạt động sản xuất, đặc biệt là sản xuất điện.

Cùng với đó, mở rộng tìm kiếm, thăm dò, nâng cao chất lượng công tác đánh giá các cấp trữ lượng và tài nguyên. Đẩy mạnh khai thác than trong nước trên cơ sở bảo đảm an toàn, hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên; khẩn trương nghiên cứu công nghệ để có thể khai thác bể than Đồng bằng Sông Hồng; nâng cao hệ số thu hồi than sạch trong khai thác hầm lò.

Nghị quyết của Bộ Chính trị cũng yêu cầu triển khai nhanh việc xây dựng hệ thống cảng, kho dự trữ và trung chuyển than quy mô lớn; tăng cường cơ giới hoá, hiện đại hoá thiết bị sàng, tuyển và khai thác than. Rà soát, đánh giá nhu cầu, xây dựng kế hoạch và tối ưu hoá các giải pháp cung cấp than ổn định cho sản xuất điện phù hợp với cơ chế thị trường.

Về phát triển nhiệt điện than, nghị quyết yêu cầu phát triển ở mức hợp lý theo hướng ưu tiên những tổ máy công suất lớn, hiệu suất cao, sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại như công nghệ siêu tới hạn trở lên; bảo đảm thực hiện đầy đủ pháp luật về an toàn môi trường sinh thái, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.

Rà soát tổng thể và có kế hoạch sớm triển khai nâng cấp công nghệ của các nhà máy điện than hiện có để đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường; kiên quyết đóng cửa đối với các nhà máy không thực hiện nâng cấp công nghệ theo quy định.

Theo nghiên cứu, bể than ở Đồng bằng sông Hồng, thuộc các tỉnh như Thái Bình, Hải Dương, Hưng Yên, Nam Định, Hải Phòng, Hà Nam có tiềm năng tài nguyên than rất cao. Tuy  nhiên điều kiện địa chất ở khu vực này lại hết sức phức tạp cho việc khai thác, lại nằm trong vùng nhạy cảm về môi trường, xã hội và có nhiều tài nguyên nhiên, văn hóa, nhất là tài nguyên nước và đất nông nghiệp.

MỚI - NÓNG