Nghiên cứu 'chế tài' với những người không chịu tiêm vắc xin COVID-19

TPO - Thủ tướng Chính phủ giao các cơ quan chức năng nghiên cứu chế tài xử lý với những người không chịu tiêm vắc xin (trừ những người chống chỉ định tiêm), ví dụ như không được ra đường, nếu mắc bệnh thì phải trả tiền điều trị…
Nghiên cứu 'chế tài' với những người không chịu tiêm vắc xin COVID-19 ảnh 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính (Ảnh: Nhật Bắc)

Lập trạm xá lưu động ở nơi có nhiều ca nhiễm

Kết luận cuộc họp trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống dịch, chiều 16/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu kiểm soát rủi ro, giảm ca mắc cộng đồng, ca chuyển nặng và giảm tối đa ca tử vong.

Để giảm số ca chuyển nặng, theo Thủ tướng phải bảo đảm người dân được tiếp cận y tế từ sớm, từ xa, từ cơ sở. Dẫn phản ánh về việc người mắc COVID-19 không liên hệ được các cơ quan chức năng trên địa bàn, không được hỗ trợ y tế kịp thời, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu phải đáp ứng ngay nhu cầu y tế của người dân ngay tại cơ sở.

Thủ tướng cũng lưu ý xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm phòng chống dịch. Tăng cường xét nghiệm tầm soát với đối tượng, địa bàn có nguy cao. Đặc biệt chú ý công tác phòng, chống dịch tại các đô thị lớn, khu công nghiệp đông người.

Nghiên cứu 'chế tài' với những người không chịu tiêm vắc xin COVID-19 ảnh 2

Thủ tướng họp với các địa phương về phòng, chống dịch (Ảnh: Nhật Bắc)

Về tiêm vắc xin, Thủ tướng yêu cầu thần tốc hơn nữa, chậm nhất tới cuối tháng 12 phải hoàn thành việc tiêm mũi 2 cho người từ 18 tuổi; trong tháng 1/2021 phải hoàn thành việc tiêm mũi thứ 3 cho người từ 18 tuổi và tiêm mũi 2 cho người từ 12-18 tuổi.

Lãnh đạo Chính phủ cũng giao các cơ quan chức năng nghiên cứu chế tài xử lý với những người không chịu tiêm vắc xin (trừ những người chống chỉ định tiêm), ví dụ như không được ra đường, nếu mắc bệnh thì phải trả tiền điều trị…

Trong công tác điều trị, Thủ tướng cho rằng cần huy động bác sĩ về hưu, hệ thống y tế tư nhân; chỗ nào còn vướng về cơ chế, chính sách thì phải giải quyết và đề xuất xử lý theo thẩm quyền. Đồng thời đẩy nhanh việc tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn về phát hiện, xét nghiệm sàng lọc, điều trị ban đầu, điều trị sớm F0 tại cơ sở, tại nhà.

Những nơi xuất hiện nhiều ca nhiễm, diễn biến phức tạp, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu phải thành lập trạm xá lưu động, bảo đảm trang thiết bị y tế cần thiết, đồng thời điều động lực lượng hỗ trợ từ nơi khác.

Bộ Y tế phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng và trình Chính phủ ban hành các chế độ, chính sách để tăng mức phụ cấp cho nhân viên y tế cơ sở, y tế dự phòng; nghiên cứu, xây dựng đề án kiện toàn, nâng cao năng lực hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng phù hợp với dự báo về tình hình dịch bệnh, nhu cầu chăm sóc điều trị ban đầu.

Tất cả những người bị nhiễm phải được hỗ trợ y tế

Đề cập đến biến chủng Omicron, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, hiện chưa có bằng chứng đủ chắc chắn biến chủng Omiron gây triệu chứng nhẹ hơn biến chủng Delta nhưng đã có bằng chứng lây lan nhanh hơn. “Biến chủng Delta chỉ lây lan nhanh hơn biến chủng Alpha mấy chục phần trăm, còn biến chủng Omicron lây nhanh hơn biến chủng Delta mấy trăm phần trăm. Vì vậy, chúng ta phải thực sự rất cảnh giác”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Nghiên cứu 'chế tài' với những người không chịu tiêm vắc xin COVID-19 ảnh 3

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại cuộc họp (Ảnh: Nhật Bắc)

Về các giải pháp trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế cần có ngay văn bản khẳng định, người xét nghiệm nhanh dương tính với COVID-19 phải được điều trị, cấp mã bệnh nhân ngay, không cần đợi kết quả xét nghiệm khẳng định Realtime RT-PCR. Vì có những trường hợp phải đợi mấy ngày mới được xét nghiệm bằng Realtime RT-PCR để được điều trị, trong khi bệnh có thể diễn biến rất nhanh.

Đề cập đến việc cấp phát thuốc kháng virus Molnupiravir và Favipiravir, Phó Thủ tướng nói rằng, đã nhận được nhiều ý kiến phản ánh, kể cả của anh em y tế bên dưới và anh em báo chí, thực tế nhiều nơi người bị nhiễm vẫn không được phát thuốc kháng virus và nhiều người phải nhờ vả, thậm chí tìm mọi cách để mua.

“Như vậy giữa báo cáo của bộ và phản ánh từ cơ sở có độ vênh”, Phó Thủ tướng nói, đồng thời đề nghị Bộ Y tế cần khẩn trương hoàn thành các thủ tục cấp phép sản xuất để sớm đưa thuốc kháng virus thành phổ biến, người dân được dễ dàng tiếp cận thuận lợi.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng lưu ý ngành y tế cần có phương án điều trị phù hợp với tình hình thực tiễn, đặc biệt cần chú trọng điều trị tại nhà, tại cơ sở; tránh tình trạng dồn lên các bệnh viện dẫn tới các bệnh viện tầng 2 (theo phân tầng của Bộ Y tế) quá tải. Ngoài việc phải đảm bảo đủ thuốc, trong đó có thuốc kháng virus để uống sớm nhất, cần chú ý đảm bảo ôxy y tế.

“Điều quan trọng là phải đảm bảo một cách thực chất là tất cả những người bị nhiễm đều được theo dõi, hỗ trợ y tế kịp thời. Đặc biệt các giải pháp cách ly, điều trị tại nhà phải sao cho để người dân yên tâm, không hốt hoảng, không giấu bệnh”, Phó Thủ tướng nói.

“Điều quan trọng là phải đảm bảo một cách thực chất là tất cả những người bị nhiễm đều được theo dõi, hỗ trợ y tế kịp thời. Đặc biệt các giải pháp cách ly, điều trị tại nhà phải sao cho để người dân yên tâm, không hốt hoảng, không giấu bệnh” - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.

Tin liên quan