Nghiêm túc kiểm điểm việc đẩy tiểu thương ra đường

Nghiêm túc kiểm điểm việc đẩy tiểu thương ra đường
TP - Bên lề Kỳ họp thứ 5 HĐND TP Hà Nội, ông Lê Hồng Thăng, Giám đốc Sở Công thương Hà Nội khẳng định việc biến chợ truyền thống thành trung tâm thương mại là những “bài học xương máu”.

> Xây chợ phải thiện tâm như xây chùa

Ông Lê Hồng Thăng - Gđ Sở Công thương Hà Nội
Ông Lê Hồng Thăng - Gđ Sở Công thương Hà Nội.

Thưa ông, hiện có tình trạng biến tướng sau khi các chợ truyền thống được xây dựng thành trung tâm thương mại. Chẳng hạn Chợ Ô Dừa hiện thành quán karaoke, chợ Cửa Nam cho ngân hàng thuê 50 năm…, ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Các dự án đó đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, nhưng khi đầu tư triển khai không tính toán được hết nên không kéo được bà con tiểu thương tới thuê. Do đó chủ đầu tư đành chuyển sang mặt hàng kinh doanh khác. Đây là một tồn tại trong quá trình cải tạo chợ.

Nhận thức được điều đó, Sở Công thương Hà Nội đã tham mưu cho UBNDTP khi xem xét cải tạo các chợ phải tính toán hết sức kỹ lưỡng, chợ truyền thống phải được duy trì phần nông sản, phần bách hóa thì có thể chuyển sang trung tâm thương mại, 2 phần này hỗ trợ cho nhau, như vậy mới đạt được mục đích cải tạo. TP cũng đã chấp thuận đề xuất này.

Trong quá trình cải tạo chợ, việc sử dụng sai công năng của chợ có phải là phá vỡ quy hoạch của thành phố không và hướng xử lý thế nào thưa ông?

Đã quy hoạch dự án để xây dựng thì phải thực hiện đúng dự án.

Có 3 chợ truyền thống chuyển sang thành trung tâm thương mại do doanh nghiệp đầu tư là chợ Cửa Nam, Hàng Da và chợ Hôm – Đức Viên hiện không kéo được bà con tới kinh doanh. Đây là những bài học đắt giá, phải nghiêm túc kiểm điểm.

Trong quy hoạch chợ vừa rồi đã rút kinh nghiệm, không có chuyện chuyển chợ truyền thống sang trung tâm thương mại nữa. Mình muốn cải tạo nhưng lại đẩy bà con tiểu thương ra ngoài, đó là bài học xương máu. Chợ là văn hóa truyền thống. Người ta đến chợ không chỉ mua hàng mà còn tìm hiểu, vui chơi, giao lưu. Mình cắt đi phần đó là không được.

Tôi sang Tây Ban Nha, họ vẫn giữ những mô hình chợ truyền thống 300 năm, chỉ cải tạo sao cho bền vững. Hay ở Nhật, các chợ cá truyền thống vẫn tấp nập ở giữa khu trung tâm…

Với tình hình nhiều chợ và trung tâm thương mại lâm vào cảnh đìu hiu như hiện nay, có thể đảm bảo các chợ khác sẽ tránh được tình trạng này hay không?

Các chợ khác khi chuyển đổi sẽ phải đảm bảo. HĐND đã thông qua rồi, mục tiêu đã có đầy đủ. Ai duyệt sai sẽ phải chịu trách nhiệm ngay lập tức.

Tới đây, phòng thương mại phải chọn ít nhất 100 ô đất để xúc tiến đầu tư vấn đề hệ thống trung tâm thương mại của thành phố, đặc biệt ở vành đai 4 trở vào. Cải tạo chợ nhưng nhất thiết phải đảm bảo văn hóa chợ.

Cải tạo chỉ là để làm thế nào cho nó đàng hoàng hơn, sạch đẹp hơn. Phần bách hóa có thể lắp thêm điều hòa. Còn phần nông sản thì phải phân ô, đảm bảo về mái hiên, khoảng không, công tác vệ sinh môi trường.

Doanh nghiệp có vốn lớn thì vào hoạt động ở các trung tâm lớn. Còn tiểu thương cũng phải mưu sinh trong chợ. Tại sao lại đẩy người ta ra đường?

Cảm ơn ông.

Mỹ Hằng

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG